Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Tự sự của nhà báo ghét "kẻ viết báo"

Bác hai Sển đứng giữa, bên trái là bác ba trai và bác ba gái, bên phải ba tôi

Nhân ngày Nhà báo 21/6, tôi xin đưa chuyện của gia đình bác tôi là ông Vương Hống Sển để bàn dân thiên hạ.
Phải nói rằng, trong thời gian qua, công luận trong nước và nước ngoài đã đề cập rất nhiều chuyện về gia cảnh của bác tôi, bởi họ quan tâm, họ bức xúc, họ nuối tiếc, họ thắc mắc không hiểu vì sao?... "Nguyện vọng trong di chúc của ông Vương Hồng Sển ghi rõ hiến tặng toàn bộ những cổ vật vô giá gần cả ngàn món, mà cả đời ông sưu tập được, cho thành phố với mong muốn những di vật này phải được trưng bày trong ngôi nhà cổ của ông và biến nó thành "Nhà lưu niệm Vương Hồng Sển" nhưng từ khi ông mất ngày 09/12/1996, thọ 94 tuổi, cho đến nay đã gần 20 năm, thành phố vẫn chưa giải quyết... Giờ đây, những cổ vật thì đã di dời về Bảo tàng Lịch sử Thành phố và bị mất mát, còn ngôi nhà được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuất cổ đã và đang xuống cấp một cách trầm trọng và hiện giờ lại là quán nhậu"....
Thay mặt gia đình của bác, tôi rất là cám ơn và thật cảm kích các đồng nghiệp đã góp sức nêu những bức xúc của gia đình bác tôi trong thời gian qua, mặc dù cho đến nay nguyện vọng của bác tôi vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng rất đáng tiếc, phóng sự: "Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển" của Trần Nguyễn Anh - báo Tiền Phong online (địa chỉ http://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/chuyen-o-nha-cu-vuong-hong-sen-548972.tpo; và đăng trên https://cafevannghe.wordpress.com/2013/04/01/ngoi-nha-cu-vuong) có nhắc đến con dâu Ngọc Liên - vợ Vương Hồng Bảo con trai của bác tôi.
Công tâm mà nói, khi độc giả xem bài phóng sự nêu trên, ai cũng cho rằng Ngọc Liên là “dâu thảo, mẹ hiền” đã bị gia đình bạc đãi, nhưng thực chất ngược lại, chính Ngọc Liên "dâu ác, mẹ hư" kẻ gây hại cho gia đình bác hai Sển và anh Bảo của tôi! Có ai đời chịu thấu con dâu, con vợ gì mà thường xuyên lên cơn, chửi mắng cả dòng họ bên chồng, la hét ôm xồm phiền hà cả làng cả xóm, mọi người xung quanh ở đây không ai không biết?... Hạng người như Ngọc Liên xin lỗi chưa xứng là một công dân, làm sao có đủ tư cách phát ngôn về gia đình bác tôi, mà đã phát ngôn thì làm sao Ngọc Liên nói sự thật cái xấu, cái ác do mình gây nên?... (Ngọc Liên đâu phải là dâu chính thức bác tôi không thừa nhận).
Chuyện về gia đình của bác tôi, dòng họ tôi thật rối rắm, dài dòng, ly kỳ và rất là phức tạp…  như đã đề cập ở phần trên, từ lúc bác tôi mất 1996 và cho đến nay đã có rất và rất nhiều bài báo về chuyện gia đình cụ Vương Hống Sển, tôi rất hiểu và rất quý trọng công sức của các đồng nghiệp khi viết về chuyện của gia đình bác tôi.
Nhưng phóng sự của Trần Nguyễn Anh trên báo Tiền Phong điện tử ngày 18/8/2011 vô hình trung đã gieo ác cảm vào đầu người đọc về gia đình của bác Sển và anh Bảo tôi (cả 2 người đều đã khuất), bởi một nhà báo bình thường khi viết về sự tranh chấp trong gia tộc là phải tìm hiểu thông tin, điều tra kỹ càng từ nhiều phía để bài viết mang tính khách quan, trung thực... nhưng đằng này chuyện của gia đình bác tôi không đơn giản, rất phức tạp, thế mà Trần Nguyễn Anh không điều tra kỹ càng, không nghiên cứu thông tin trên công luận, chỉ nghe thông tin một chiều từ "Ngọc Liên" mà viết thì thật là quá hồ đồ! Trong khi đó, tòa soạn báo Tiền Phong không biên tập cắt bỏ những thông tin chủ quan của "Ngọc Liên", một tờ báo lớn mà như thế thì quả là không ổn chút nào? (tôi không viết về chuyện gia đình bác tôi vì mình là người nhà, hơn nữa đã có nhiều đồng nghiệp lên tiếng rồi, còn riêng về phóng sự của Trần Nguyễn Anh tôi đã viết nhiều phản hồi gửi tòa soạn báo Tiền Phong nhưng chả thấy họ đếm xỉa gì đến)...

Thực tế trong xã hội, trên công luận có nhiều bài viết điều tra chống tiêu cực, tham nhũng... rất công phu, rất dũng cảm, nhà báo đã bất chấp hiểm nguy công khai đương đầu với kẻ quyền uy thế lực (có người đã đi tù), nhưng cũng không ít những bài viết về dân sinh, xã hội, kinh tế... quá là dễ dãi, cẩu thả, viết vội viết càng... đúng sai chẳng cần biết và chẳng ai làm được gì! (kinh nghiệm dân gian cho rằng ngu sao mà đi kiện nhà báo?).
Điều ngán ngẫm và thật tệ hại là trong giới truyền thông xuất hiện ngày càng nhiều những trang báo mạng đăng vô tội vạ bất thứ gì kỳ quặc lạ đời, lập dị dễ thu hút được đám đông, tò mò, hiếu kỳ... để mà "câu view", một mảng truyền thông "biến dị" đã và đang cổ xúy một thứ văn hóa rẻ tiền trong xã hội, xâm hại môi trường văn hóa. Nguy hại hơn không ít kẻ xấu lạm dụng và lợi dụng báo chí để thực hiện ý đồ xấu làm hại người khác v.v.... lắm kẻ được thời lợi thế nhưng cũng không ít người xất bất xang bang, thân bại danh liệt cũng vì báo chí.
Luật báo chí có thì có đấy, nhưng hành xử theo luật lại là chuyện khác, làm báo ở xứ ta nó thế đấy! Phải chăng, đây một góc khuất, là một mảng tối của báo chí - một trong những mối hiểm họa tiềm ẩn trong cuộc sống?
Nhân ngày báo chí Việt Nam, một lần nữa tôi rất là cảm phục những nhà báo đầy tâm huyết đã bất chấp cả hiểm nguy, xả thân vì sự nghiệp báo chí. Xã hội luôn luôn trân trọng những nhà báo như thế, nhưng xã hội cũng quá là ngán ngẫm ê chề đối với những "kẻ viết báo, kẻ làm báo" thiếu cẩn trọng và hồ đồ!
Đã hơn 4 năm trôi qua, nỗi bức xúc về phóng sự "Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển" của Trần Nguyễn Anh - báo Tiền Phong vẫn không nguôi trong tôi và gia đình bác tôi! Ai đã từng là nạn nhân từ sản phẩm của "kẻ viết báo, kẻ làm báo" chắc sẽ thấu hiểu và đồng cảm?
Là nhà báo nhưng tôi rất ghét "kẻ viết báo, kẻ làm báo"!

V.Q.T