Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

THAM THÌ THÂM?

Rẻ thiệt!

Khi khoe với bạn bè chiếc ly “thần kỳ”, chỉ cần đổ nước vào ly, nó tự phát sáng nhiều màu, ai cũng trầm trồ ngạc nhiên thích thú và hỏi mua, thế là tôi rạ bán được món hàng ngộ nghĩnh này với giá 50 ngàn đồng, ai cũng nói rẻ thiệt!

Độc thiệt!

Chính sự kiện này, làm tôi nhớ cách đây hồi mấy chục năm, vào buổi sáng đó, bác 2 Vương Hồng Sển tôi, ổng nổi hứng đem khoe chiếc chén ngọc với con cháu trong nhà, trong đó có tôi, ổng nói rằng cái chén ngọc này hay lắm, chỉ đổ nước đến mực cho phép thôi, nếu cố gắng đổ thêm một giọt nước vào là tự động nước sẽ chảy hết ra ngoài. Bác tôi giải thích vì trong chén có "van" rất hay, chỉ cần hơn một giọt nước nó sẽ tự động bật "van" này và nước sẽ chảy hết ra ngoài. Theo triết lý của của bác tôi, rượu dẫu ngon đến mấy cũng phải biết dừng lại đúng lúc, nếu tham quá thì sẽ có lúc mất hết không còn một giọt? Bởi vậy, bác tôi đặt cho chén ngọc cái tên: "Tham thì thâm" để mang tính khuyên răn.
Nghe giọng điệu hóm hỉnh, đầy duyên dáng và uyên bác của bác tôi giải thích về nét độc đáo của chén ngọc cổ báu vật mà bác tôi đã sưu tập được năm 1985, ai nấy cũng đều trầm trồ, ngạc nhiên khen: độc đáo, hay thiệt!

Tiếc thay!

Lúc sinh thời, bảo vật này được bác tôi liệt kê vào món đồ cực quý, cực độc và cực lạ, có thể xem là chỉ có một không hai tại Việt Nam, nó có niên đại từ thế kỷ 19. Chiếc chén ngọc này được làm bằng chất liệu gốm men ngọc với chiều cao 4cm, vành miệng có hình 7 cánh hoa, giữa lòng chén có đặt một tượng ông tiên màu lam, có soi lỗ một bên, ngoài thân có 7 gân nổi, chân đế thấp, dáng gần như xoắn trôn ốc. chén ngọc cao 4cm, đường kính 7cm, miệng có hình hoa sen. Thân chén có 7 đường gân nổi, trôn chén có hình xoắn ốc, trong lòng chén có tượng ông tiên mặc áo thụng màu xanh thẫm. Dưới chân trái ông tiên có một lỗ nhỏ bằng đầu chiếc tăm, phía dưới chân phải ông tiên nằm ở trôn chén cũng có lỗ nhỏ tương tự. Chén ngọc chỉ cho phép rót rượu hoặc nước vừa chạm miệng ông tiên, nếu rót thêm, dẫu một giọt thôi thì rượu sẽ theo lỗ nhỏ dưới trôn chén chảy ra ngoài không còn một giọt. Chén ngọc cổ vô giá này luôn được giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật cả nước mến mộ. Họ nhiều lần tìm đến nhà cụ để tận mắt quan sát tìm hiểu.
Nhưng tiếc thay, chén ngọc là 1 trong 849 cổ vật vô giá, quý hiếm mà cả đời bác tôi sưu tập được (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1668935760055296&id=100008166636114), giờ đã bị kẻ gian cắp mất một cách vô lý khi trưng bày ở Bảo tàng lịch sử TP.HCM (2008)!!??

Buồn thay!

Đáng buồn nữa là toàn bộ kiến trúc cổ truyền, với những chi tiết mỹ thuật mang giá trị lịch sử văn hóa của ngôi nhà cổ “Vân Đường phủ”, nay lại bị con dâu đập phá, một cách thô bạo: ban đầu những đám cây thằn lằn phủ xanh tường quanh bị phảng sạch để trơ mảng tường vôi xấu xí. Và mới đây, cánh cửa bằng gỗ sao phía sau nhà đều dỡ bỏ, xây tường kín bít, còn cổng cửa chính bằng gỗ đỏ, gỗ sao có mái che bằng ngói rất tinh tế cũng bị tháo bỏ xây bằng cửa sắt…(nội thất bên trong, nhiều năm rồi tôi không vào đây nữa nên thực hư ra sao chẳng rõ, chắc chỉ còn vết tích cũ xưa mà thôi) đã biến ngôi nhà cổ thành nơi ăn nhậu, hỗn tạp, bầy hầy… thật là chạnh lòng xót xa…
Hồi nhỏ, lúc học trung học ở trường dòng La San - Sóc Trăng, tôi vẫn còn nhớ rõ qua lời kể của ba tôi, cánh cổng cửa chính nhà bác 2 tôi trên Sài Gòn chỉ mở cửa đúng 3 ngày Tết, những ngày còn lại đóng cửa suốt. Có lần, ông Trần Văn Hương, đương kim là Phó Tổng Thống - Việt Nam Cộng Hòa có đến nhà bác tôi chơi, nhưng ông Hương vẫn phải vào cửa sau, chứ không đi vào cổng chính ở trước nhà. Thời đó, nghe kể tôi rất là thán phục, ngưỡng mộ bác tôi, và rất là hãnh diện khi khoe khoang, kể lại với bạn bè về sự tích này.
Giờ đây “Vân Đường phủ” một thời vang bóng với những kỳ tích của bác Vương Hồng Sển, nay biến thành chốn ăn nhậu bề bộn với nhiều tiếng tai của con dâu VõThị Liên.
Tham thì thâm chăng?

V.Q.T

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2016

SỰ THẬT VẪN TRƯỜNG TỒN

    Lâu lắm rồi, từ khi ngày ngôi nhà cổ Vân Đường phủ của bác 2 Sển tôi biến thành quán nhậu Ốc Béo, tôi mới nghe cái giọng oang oang của mụ Liên – con dâu trời đánh của bác 2 Sển lớn tiếng chửi rủa mấy đứa phục vụ quán, chứ trước đây khi chưa mở quán thì như cơm bữa, cứ vài ngày là con mẻ điên điên khùng khùng chửi đổng dòng họ Vương, còn không thì cãi lộn ôm xồm dậy cả làng cả xóm với đám bà con của mẻ như bà già, em gái, em trai, đứa con lai của mẻ... ...kéo nhau tụ về đây sống bám y chang cây si mọc hoang ở góc nhà không nhổ gốc từ nhỏ đã sống ký sinh phủ quanh cây xoài cổ thụ mấy chục năm tuổi do bác tôi trồng bị chết khô, hoặc chửi lộn với lũ con nợ là vợ con thằng Hùng bám trụ ở lậu đã vậy còn thường xuyên lén lút tụ tập đám ma cô mua bán ma túy (cũng may đám này đã bị bắt, cả xóm ai cũng mừng).
    Nhưng bù lại bây giờ ở đây, ngày nào tôi cũng phải chịu đựng tiếng ồn ào của dân nhậu tới tận khuya, dẫu sao vẫn đỡ hơn nghe tiếng chửi rủa của con dâu xấu xa, ác độc lại dám tự xưng mình là dâu thảo, mẹ hiền lên tiếng với tay nhà báo Tiền Phong - Trần Nguyễn Anh cho rằng con mẻ bị gia đình ông Sển bạc đãi! (xem thêm tại :https://www.facebook.com/notes/v%C6%B0%C6%A1ng-qu%E1%BB%91c-tu%E1%BA%A5n/t%E1%BB%B1-s%E1%BB%B1-c%E1%BB%A7a-nh%C3%A0-b%C3%A1o-gh%C3%A9t-k%E1%BA%BB-vi%E1%BA%BFt-b%C3%A1o/1604101539872052)
    Cảnh đời đổi thay, cây xoài cổ chết khô để nhường cây si dại sống bám phảt triển um tùm... Ngôi nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng biến thành quán nhậu Ốc Béo ngày càng đông khách, dẫu sao cũng an ủi vì đời sống của 3 đứa cháu nội là Hương, Thành vả Minh đã đỡ chật vật hơn, giờ đây đứa nào đứa nấy đã nên vợ nên chồng, được vậy bác 2 Sển và anh Bảo tôi cũng phần nào yên lòng nơi chín suối.
    Chỉ tiếc rằng nguyện vọng của bác 2 Sển tôi đã hiến tặng kho cổ vật vô giá, quý hiếm, mà cả đời ông sưu tập được, cho thành phố và mong muốn những di vật này sẽ được trưng bày trong ngôi nhà cổ Vân Đường phủ với tên gọi Nhà bảo tàng Vương Hồng Sển thành hư vô!
    Thời gian cứ trôi đi trôi đi… sự việc có thể phai mờ, sự đời có thể đổi thay... nhưng sự thật vẫn trường tồn!
    V.Q.T

      Bức ảnh sơn mài cụ Vương Hồng Sển - bác Hai tôi được cẩn bằng vỏ trứng do con trai Vương Hồng Bảo làm tháng 5/1994, kính tặng ba, đang trưng bày tại nhà bác Ba tôi - ông Vương Minh Quan, số 33 đường Hai Bà Trưng, Sóc Trăng.