Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

Tự dưng thấy vui...

 


Mới tức thì, tui đang đậu xe chờ bà xã mua hàng ở siêu thị Vissan - Nơ Trang Long, Bình Thạnh, một đứa bé trai độ khoảng 4- 5 tuổi cùng bà của nó bên kia đường bước qua đi lại gần chỗ tui, bất ngờ bé trai cười tươi, cúi đầu khoanh tay và lớn tiếng: “Con chào ông!” và đưa tay ra bắt tay tui.

Tui bắt tay và mỉm cười chào bé: “Chào con, ngoan quá!”, bé nhìn tui thốt lên: “Ý, ông cột tóc!”. Người bà đi cùng bé trai khuôn mặt cũng thoáng vui.

Tự dưng lòng cảm thấy vui vui trước sự hồn nhiên dễ thương của bé trai này. Đó là món quà tình cảm vô hình cho người lớn mà có lẽ không phải ai cũng nhận ra.

V.Q.T

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Vé số đây!...

 .


Nhìn hình ảnh này, có ai cho rằng đó là nghề thu nhập cao?

Ấy vậy, mà cũng có quan chức đã phán: “Người bán vé số dạo có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ, thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng!”...

Chuyện khó tin nhưng có thật!

8 SÀI GÒN

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

Chào "Phú Quốc - Đảo Ngọc"...

 


Nhóm tụi tui sau khi rời Hòn Thơm về đất liền bằng cáp treo từ ga Hòn Thơm về ga An Thới và kết thúc hành trình du ngoạn khi 5g chiều ghé Sunset Sanato Beach Club để ngắm và chụp ảnh hoàng hôn là một những điểm ngắm cực đẹp ở Phú Quốc.

Thú vị vả ấn tượng nhất trong chuyến du ngoạn này là ngoài việc tắm ở Hòn Móng Tay, Hòn Thơm, tụi tui được lặn ngắm san hô ở Hòn Mây Rút với làn nước trong lành, nhìn rõ san hô biển rực rỡ màu sắc, thấy từng đàn cá di chuyển lấp lánh, dưới ánh nắng mặt trời như đang bơi đùa quanh bạn.

Có lẽ bực mình nhất là khi vào nhà hàng Thu Phượng được tài xế chở tụi tui giới thiệu đây là quán ăn hải sản ngon và uy tín nhất ở Dương Đông, khi tụi tui chọn con cá bóp 1,2 kg nấu canh và kho tộ nhưng khi dọn ra ai cũng thấy thiếu thiếu và vô lý, chỉ 2 khứa cá/2 tộ, 1 đầu và khúc đuôi/2 tô canh, nhìn con cá 1,2kg mà chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu sao? Để đỡ ấm ức, thôi nghĩ chắc là bếp họ làm lộn con cá của mình cho khách khác rồi!




Ở Phú Quốc, phần đông người sống bằng nghề du lịch và thương mại đều là dân Bắc di cư. Khi họ được đặt chân khám phá vào vùng đảo trù phú này, coi như họ đã chọn Phú Quốc là quê hương thứ hai. Nhưng khi mấy ông chờ mấy bà chụp ảnh hoàng hôn, tranh thủ ghé vào quán Lê Vân Lê gặp em gái tên Linh là dân ở đất Kiên Giang, một mình vào đảo sinh sống bằng nghề tiếp viên ở quán. Hỏi thăm em gái cho biết: lương tháng/5 triệu đồng, chủ bù thêm 500 ngàn để trả tiền phòng trọ 1 triệu/tháng. Tui nói: “Vậy là có dư tiền để gửi về cho ba má rồi”, em gái cười híp mắt nói: “Mấy chú ở Sài Gòn hả?” - Đúng rồi!” - “19 tuổi, con mới lên Sài Gòn được một lần”. “Vậy hả, nếu có duyên sẽ gặp lại con ở Sài Gòn nhé!”.

Phú Quốc là một mảnh đất thiên thời địa lợi, không bão mưa lũ lụt, quanh năm mưa thuận gió hòa, người dân thì an yên, hiền lành. Có thể nói, những vị khách khó tính nhất cũng vẫn mĩm cười và hài lòng khi đến Phú Quốc, vì nơi đây có đầy đủ biển, núi, sông, suối, rừng… không nơi nào sánh bằng.

Không có gì là quá, nếu dịch vụ du lịch Phú Quốc nâng cao chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp sẽ sớm trở thành là một trong những thiên đường du lịch đã được cả thế giới biết đến và yêu thích như Bali, Sentosa, Phuket, Nhật Bản và Jeju của Hàn Quốc, xứng với tên gọi “Phú Quốc - đảo ngọc”

V.Q.T

Đêm ở thị trấn Đông Dương...

 



Mặc dù đang mùa dịch covid-19, nhưng chợ đêm Phú Quốc vẫn tấp nập du khách thập phương ở trong nước và nước ngoài.

Nơi đây vẫn nhộn nhịp, lung linh ánh đèn, với hàng trăm gian hàng bày bán đủ thứ về hải sản, đồ ăn vặt, đồ lưu niệm, quần áo… tựa như mê cung khiến du khích như lạc vào thiên đường ăn uống và mua sắm.

 Một tiểu thương cho biết, mấy tháng trước do ảnh hưởng dịch covid-19, chợ đêm Phú Quốc ế ẩm, hàng loạt gian hàng đóng cửa, còn giờ thì đỡ nhiều rồi, gần như hoạt động lại bình thường.

Chủ xe nước mía cho biết, giá thuê mặt bằng ở đây là 5 triệu/mét vuông, chiếc xe của anh chiếm 1,5 mét vuông, mỗi tháng tốn 7 triệu rưởi tiền thuê mặt bằng (tôi thầm nghĩ là cao) nhưng anh vẫn sống được, mỗi tháng gửi tiền cho vợ ở Sài Gòn để lo con nhỏ 4 tuổi ăn học… Mừng cho anh bạn trẻ nhà ở Sài Gòn một mình lặn lội về đảo Phú Quốc mưu sinh bằng nghề bán nước mía ở chợ đêm được 4 năm.

Cái hạn chế ở chợ đêm Phú Quốc là chỉ có một bãi giữ xe gắn máy, 8 giờ đêm 8/12 lượng du khách chưa phải là đông nhưng bãi giữ xe đã hết chỗ, tụi tui ghé bên đường gửi nhờ bà bắp nướng coi dùm, bả không lấy tiền giữ xe, bù lại tụi tui mua ủng hộ bả 6 trái bắp nướng và bánh khoai mì nướng tổng cộng 100 ngàn, bả cười tươi rói, còn tụi tui cũng mừng vì có chỗ gửi xe.

Người dân ở đây cho biết, nhiều du khách để xe đại ở dọc các lề đường, chẳng bao giờ mất mát. Tui còn nghe nói ngày xưa, khi Phú Quốc còn hoang sơ, nhà của người dân ở đây không có cửa… Chắc vậy mà đến giờ chợ đêm Phú Quốc vẫn chỉ có một bãi giữ xe.

Phải chăng, chính vì sự yên bình, thoải mái, hòa mình vào không khí trong lành và tình cảm gần gũi, chân thành, giản dị của người dân vùng biển đảo Ngọc khiến bạn nhớ mãi…

 V.Q.T

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

Bạn...

 



Bạn bè hẹn gặp nhau

Sáng, trưa, chiều... đến tối

Cà phê tiếp đến nhậu...

Năm tháng cứ đầy lên.

Tình bạn nhiều kỷ niệm

Ta quen bao năm tháng

Gặp gỡ nhau bao ngày

Nói nhiều cũng vậy thôi

Tình bạn vẫn không vơi

Nhớ hoài mãi trong tim...

V.Q.T

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2020

Dư vị ở một đám ma...

 


Hơn 20 năm rồi, tui mới có dịp về tận xã An xuyên thuộc thành phố Cà Mau đi đám ma chị dâu bà con bên vợ (thọ 88 tuổi).

Đi cùng bà xã, từ Sài Gòn xuống tới đây, mặc dù đi hãng Phương Trang nhưng xe bị hư, mất 1 tiếng đồng hồ để sửa và xe lại chạy chậm so dự kiến (11g đêm khởi hành mà tới 8g sáng mới tới bến xe). Sợ trễ nên đi taxi vô tận ấp 3, cống cây me khoảng 12 cây số... cũng vừa kịp sắp đến giờ động quan.

Ở miệt quê Nam bộ mà, đám ma có đãi ăn nhậu cũng chính là tình cảm của tang chủ đối với khách đường xa, còn có cả nhạc lễ, đặc biệt trước lúc làm lễ động quan có tiết mục múa quyền, múa lửa... khá sôi động làm thoả mãn tánh hiếu kì của mọi người ở đây.

Điều đáng nói là sau khi chôn cất xong, dùng bữa cơm, uống vài chun rượu thân mật với gia đình gọi là tạ lễ. Tàn bữa dù đã hơi say chếch choáng, mấy anh em bà con, chòm xóm, mỗi người một tay, giúp nhau dỡ rạp và khiêng đồ đạt, dọn dẹp bàn ghế giúp tang chủ.

Đường xa, đi và về tức tốc trong một ngày, người mình lại đang bị cảm không được khoẻ, nhưng với cái dư vị của đám ma nặng tình nghĩa xóm ở miệt quê này là liều thuốc chống mệt thật diệu kỳ!

V.Q.T

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Luật trên tất cả luật...


Một người bình thường trong xã hội, ắt sẽ rất khó vận động mọi người quyên góp tiền để làm từ thiện, mà nếu có vận động được thì cũng chắc là rất hạn chế… và có lẽ thiên hạ cũng không ai thèm đi săm soi một người vô danh tiểu tốt. 

Nhưng khi một người nổi tiếng, họ làm như thế thì kết quả hoàn toàn khác hẵn, có thể vận động số tiền hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng… một cách dễ dàng! Và thế là trong thiên hạ sẽ xầm xì, tiếng ra tiếng vào: nào là làm màu đánh bóng tên tuổi, đồ vụ lợi thứ đạo đức giả, lợi dụng từ thiện để trục lợi…

Trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên đã huy động hơn 100 tỷ đồng, tự mình đi cứu trợ đồng bào miền Trung đang bị hoạn nạn lũ lụt, đã không tránh khỏi tiếng xì xầm ấy! Đáng nói là có quan chức đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản của Thủy Tiên cho rằng đó là vi phạm luật!?... 

Hành động làm nên con người chứ không phải lời nói? Người ta có thể nghèo tiền nghèo bạc chớ đâu có nghèo nhân cách – đạo đức. Cho nên miệng đời họ nói gì thì nói, thây kệ họ, luật gì thì luật, thây kệ luật… mình làm việc nghĩa, việc thiện cứu người, giúp đời… đó là luật trên tất cả luật của nhân loại! 

V.Q.T

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Nhớ lắm món cháo vịt...

 


Buổi tối mới đây, đi bộ dạo phố ở TP Nha Trang và để tìm quán ăn, khi đến góc lề đường Cao Bá Quát – Tố Hữu tình cờ tụi tui đi ngang qua chiếc xe bán cháo vịt bình dân, do hai mẹ con đứng bán, thoang thoảng mùi nước mắm gừng thơm phức, tự dưng dội lên khiến bụng ai cũng cồn cào làm bọn tui cầm lòng không đậu trước hương vị ấy.

Món vịt luộc, vịt quay, cơm, cháo, gỏi chấm với nước mắm gừng thơm ngon đậm vị… trông vỏn vẹn như thế nhưng ngon đáo để! Thực khách còn được uống trà đá miễn phí.

Điều gây chú ý với tui là bé gái phụ mẹ bán, đã 12 tuổi mà tưởng chừng chỉ 8 – 9 tuổi, đôi mắt đượm nét buồn, nhưng khi bé cười rất xinh xắn dễ thương. Mẹ nó thôi chồng sống đơn thân, nuôi con. Tuy phải vất vả mưu sinh kiếm sống nhưng với tấm lòng vị tha, cô bán cháo vịt đã đườm bọc, sẻ chia cho người bán hàng dọn quày xôi, chè sát bên xe cháo của mình.

Tui đã chứng kiến, bé gái bán vé số, tay có tật đến xin thức ăn thừa của thực khách, cô ta đã tận tình lấy thêm rau, cháo cho vào bọc gọn gàng, sạch sẽ. Cô biết rõ hoàn cảnh của bé bán vé số, và thường xuyên giúp như thế. Thật cảm phục tấm lòng nghĩa tình của cô: đâu phải người ta nghèo tiền nghèo bạc, rồi nghèo luôn nhân cách!

Nghề mưu sinh vất vả của người bán hàng rong như cô bán cháo vịt này thật đáng trân trọng, đã không thấu hiểu nổi khổ sở của họ, cớ sao có kẻ đã ví những người bán hàng rong là “ký sinh trùng”, lẽ ra bọn quan chức tham nhũng mới đích thị là ký sinh trùng!

Đôi khi đi du lịch đâu đó, không cần phải chọn những quán ăn cao sang, mà hãy ghé chân vào quán nhỏ đơn sơ bên đường như xe cháo vịt của hai mẹ con, thưởng thức món cháo vịt hấp dẫn với giá chỉ 180 nghìn đồng/con, tụi tui vừa ăn vừa hít hà món ăn giản dị vậy thôi, nhưng với mùi thơm ngậy nước mắm gừng, món vịt luộc, vịt quay đã tạo nên hương vị đậm đà, khó quên với những thực khách phương xa.

Tui không kêu gọi gì, nhưng nếu ai có dịp đi ngang qua đây, hãy ghé thưởng thức món cháo vịt bên góc lề đường Cao Bá Quát – Tố Hữu.

V.Q.T






Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Gắng...

 



Học giỏi nghen con, nhiều bạn cùng lứa với con không được đi học, nhiều đứa đã phải lang thang, ngoài lề đường mưu sinh kiếm sống…

 Là cha mẹ, ai cũng muốn dành nhiều thời gian chăm sóc cho con cái. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng có đủ thời gian, điều kiện để lo cho con cái ăn học, con nên nhớ những điều đó nghen con.

 V.Q.T

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Cái tình của người Sài Gòn là vậy!...

 


Tôi còn nhớ như in, hồi cái thời bao cấp (năm 1981) lúc ấy tôi là phóng viên của Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM giờ gọi là VOH. Mới vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn (Đại học Tổng hợp) 1980, được phân công về Đài, lương tốt nghiệp đại học là 60 đồng/tháng, nhưng thời đó phải mất 2 năm tập sự với mức lương là 52 đồng/tháng.

 Cái thời đó, phải nói là con người ta bần hèn lắm, dường như cho gì ăn nấy, có gì mặc nấy… Tôi còn nhớ, những câu vè thời đó nói lên giá trị của những mặt hàng trong thời bao cấp:

 “Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có “đếch”
Vải sợi chưa về
Săm lốp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu”…

 Tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày… Lương hàng tháng của công chức nhà nước chỉ nhận được một phần tiền rất nhỏ, còn lại quy vào hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem phiếu và sổ gạo.

 Hàng hóa thời đó vừa hiếm vừa thiếu, mà chất lượng thì quá là “cùi bắp”, đã vậy nhà nước còn cấm không được mua bán tự do trên thị trường như bây giờ, không được phép vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác.

 Bởi vậy, khi làm phóng viên của Ban Nông thôn ở đài được phân công phụ trách địa bàn nông thôn, với chiếc xe đạp mini cà tịch cà tang, tiền bạc thiếu trước hụt sau, vỏ xe cũ rích mòn lẳng chưa có tiền thay, hôm đó trong túi không còn đồng bạc, lại được phân công đi Hốc Môn.

 Lẽ ra, phải ứng tiền công tác phí, hoặc mượn đồng nghiệp vài đồng dằn túi, tôi lại ỷ y, xách chiếc xe đạp đạp tới xã Tân Thới Nhất, huyện Hốc Môn để săn tin. Lúc về, trời nắng chang chang, vừa đói vừa khát, về tới Gò Vấp xe cán đinh, bánh xẹp lép… trong túi không đồng xu ten, thế là tôi đánh liều tấp vào chỗ vá xe bên đường để vá, trong lúc ông thợ đang lui cui nại vỏ lấy ruột xe vá, tôi rút trong túi lấy gói thuốc Đà Lạt còn mấy điếu, vừa hút vừa nghĩ cách ăn nói sao với ông thợ sửa xe đây?

 Sau khi vá xong, tôi hỏi bao nhiêu vậy ông:

 - 50 xu

 Lúc này tôi mới thú thiệt;

 - Ông ơi, tôi không có tiền, cho thiếu được không?

 Ông sửa xe, nhìn tôi cười tươi nói:

 - Ôi, không sao, cậu đưa tôi điếu thuốc Đà Lạt là xong…

 Đã 35 năm rồi, khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn không bao giờ quên nụ cười hóm hỉnh đầy tình cảm của ông sửa xe năm ấy….

 Cái tình của người Sài Gòn là vậy đó.

 V.Q.T

Bói trúng phóc...

 


Tôi nhớ hồi nhỏ lúc đó đang học tiểu học, vậy mà hễ trời mưa, cả bọn hè nhau ra đường tắm ở truồng chạy long nhong chẳng biết mắc cỡ… Một hôm, bà chị họ rất thích xem bói nhưng chỉ ngại đi một mình nên dẫn tôi đi theo. Tôi thì biết ất giáp gì, chỉ dẫn đi thì đi. Nghe đồn bà thầy bói này bói hay lắm, bói đâu trúng đó, thiên hạ nườm nượp đi coi bói và phải xếp hàng chờ đến lượt.

 Bữa đó, tôi được ngồi bên bà chị để nghe bà thầy bói, bả bói thánh bói tướng cho bà chị một hồi, nhưng tôi chỉ nhớ một câu: “thân chủ có cái duyên số sướng sẽ lấy chồng giàu”… Xong xuôi, tự nhiên bả quay sang nhìn tôi phán một câu: “còn cái thằng nhỏ này có mạng làm quan, tương lai nó sẽ nắm giữ cả trăm sinh mạng lận!”…. Khiến bà chị cười nói: “dữ nghen, làm quan nhớ chị nhé!”. Tôi nghĩ bụng “hơi đâu mà tin bà, bà biết trước tương lai, sao giờ bà vẫn còn lận đận ngồi coi bói cho thiên hạ để mưu sinh?”….

 Bà chị họ của tôi bây giờ bôn ba nơi xứ người, sau khi lận đận chuyện chồng con, qua mấy đời chồng… Giờ chỉ cũng hạnh phúc bên ông chồng già mũi lõ… Đúng, bà thầy phán đâu có sai, cuối đời chỉ cũng sướng rồi.

 Còn tôi suốt mấy chục năm làm báo, bị đì, bị đuổi… chạy hết báo này đến báo nọ, số lận đận, tới ngày nghỉ hưu vẫn chỉ là thằng phóng viên, biên tập viên quèn thôi?

 Nhưng… mấy ngày qua, trời mưa, thức ăn cho cá hết tôi chưa kjp mua, mấy trăm con cá bảy màu nhịn đói cả ngày, thấy tội nghiệp, sáng nay mới đi mua về cho chúng ăn, khi thấy bóng dáng tôi đứng bên cạnh hồ, bầy cá tung tăng trồi lên mặt nước chờ tui thả mồi thấy thương ghê vậy… Giờ… tôi mới chợt nhớ, nghĩ mà thầm cười: “Á, cái bà thầy bói phán trúng phóc, hiện giờ tôi nắm trong tay cả mấy trăm sinh mạng… vài tháng sau sinh sôi lên cả ngàn con, số mình làm quan cá… oai lắm chứ bộ… hahahahah!"

 V.Q.T

Cẩm nang "thú đánh địch"...



Bây giờ ngồi nghiệm lại mới thấy đúng! Sau cái đợt khổ cực 3 tháng trời học khóa sĩ quan dự bị (1980), lăn lê bò toài thao tập quân sự, ăn uống thiếu thốn, khổ cực... tôi thấm thía 7 điều phải nhớ nằm lòng:

 Một là nơi rừng thiêng nước độc, ăn uống đương nhiên rất là khổ cực, nên phải biết “ăn cực”.

 Hai là chẳng những ăn cực mà còn phải biết nhịn đói vì thường xuyên thiếu thốn, nên phải biết “đói dẻo”.

 Ba là nơi tiền tuyến, luôn phải biết phòng xa, tích cốc phòng cơ, vì thế khi nấu ăn luôn nhớ phải tiết kiệm, nấu lưng lưng thôi, gọi tắt là “nấu lưng”.

 Bốn là để bảo vệ sức khỏe, thân thể, thấy núi đá, hạn chế leo trèo, hoặc cấm leo để tránh té ngã nguy hiểm cho bản thân, nên thấy “đá cấm leo”.

 Năm là hành quân xa, địa thế hiểm trở, chỉ ngủ võng thôi, nên ngủ phải luôn trong tư thế “ngủ co”, hay “ngủ cong”.

 Sáu là nên nhớ muốn đánh thắng kẻ địch, không phải chỉ dựa vào sức mạnh mà phải biết dùng mưu mẹo, nên lúc nào cũng phải nhớ “đánh mẹo”.

 Bảy là không phải chỉ biết đánh, mà phải nâng tầm đánh địch lên mức cao thành cái thú, nên phải biết thích “thú đánh địch”…

 Không biết còn điều nào nữa không, xin các bạn chỉ giáo thêm…

 V.Q.T


Chuyện có thật...

 

 Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD.

 Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.

 Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus.

 Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus.

 https://tuoitre.vn/ong-pham-phu-quoc-toi-co-quoc-tich-cypru…

V.Q.T

Tôi không quên...

 


Thời đi học, nhiều đêm thức rất khuya, học bài, bỗng dưng nghe tiếng rao: "Ai ăn bánh mì nóng hổi giòn đây...". Trời đã khuya lắm rồi, không biết còn ai ra ngoài đường nữa mà mua bánh mì? Tiếng rao nghe như lời năn nỉ ai đó hãy mua dùm tôi ổ bánh mì. Tôi đã cảm nhận được lời mời gọi thiết tha đó văng vẳng trong đêm khuya lạnh mà lòng cảm thấy xót xa...

 Chính những người bán hàng rong đó đã một đời rong ruổi kiếp mưu sinh.... đã nuôi biết bao đứa trẻ lớn lên, được ăn học nên người từ sự lam lũ ấy..

 Tôi vẫn không quên...

 V.Q.T

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Lòi mặt chuột...




Đại dịch Covid-19 bùng phát và hoành hành trên thế giới... đã lộ mặt chuột nham hiểm độc ác, tham vọng bá quyền... của bọn Tàu cộng. Nhiều nước trên thế giới đã nhận thức rõ bản chất của bọn Tàu cộng, họ đã chuẩn bị phương sách tẩy chay quan hệ kinh doanh với Tàu cộng cho thời kỳ hậu Covid-19...

Giờ đây ở VN, bọn Tàu cộng đã ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là "quận đảo" Tây Sa và Nam Sa... phen này mấy cha “lãnh đạn” chính quyền cộng sản Việt Nam tính sao?...

V.Q.T

Bức ảnh hơn nửa thế kỷ...




Sáng nay, tình cờ có 2 thằng bạn học cũ hồi nhỏ cùng học chung ở mái trường Lasan Khánh Hưng – Sóc Trăng, một thằng ở Sóc Trăng lên Sài Gòn chơi, một thằng ở quận 4.

Bạn bè xa cách nhau nửa thế kỷ nay gặp nhau tại nhà tôi ở Bình Thạnh.

Bọn tôi uống cà phê, hàn huyên tâm sự, nhắc lại biết bao kỷ niệm thời học trò, nhớ các frère, các thầy, các bạn…tận đến trưa, sau đó kéo nhau ăn cơm tiệm… rồi rủ nhau qua nhà Đức ở quận 5 (Đức là vai anh, bà con chú bác với tôi, cũng là bạn học với nhau ở Sóc Trăng) tiếp tục kể chuyện xưa tới chiều trời chuyển mưa mới về.

Tấm ảnh tôi và các bạn lúc đó học lớp Tư (bây giờ là lớp hai) niên khóa 1962-1963 trường Lasan Khánh Hưng là của anh Đức còn giữ nay nhìn lại mới thấy thời gian trôi, đỏng đảnh mà chóng vánh đến không ngờ, nhẩm lại mới thấy đã hơn nửa thế kỷ…. 



Chú thích: Ảnh dưới: Từ trái qua Trương Hoàng Hồng, Vương Tấn Đức, Nguyễn Quang Minh và tôi.

V.Q.T

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Rủa Tàu cộng…




Từ khi virus cúm Tàu xuất hiện, có thể nói mọi thứ trên cõi đời này đã thay đổi, đảo lộn tất tần tật… Người tốt làm chuyện xấu, kẻ xấu làm việc tốt!?

Ở xóm…

Cái thằng nhà kế bên, nhà cao cửa rộng nhưng hắn nổi tiếng trùm sò, keo kiệt, khó ưa… cả xóm ai cũng ghét hắn, trong đó có tui. Thế mà hổm rồi, bỗng dưng hắn tốt đột xuất, qua nhà tui gửi tặng một bịch trà bắc và nói: “Biết anh thích cà phê, ghiền uống trà… TP hạn chế mọi người đi lại, anh ở nhà một mình có trà uống cũng đỡ buồn”. Quá là bất ngờ luôn! Tui đứng hình mấy phút mới hoàn hồn, trả lời vỏn vẹn: “Cám ơn Hùng nghen”.

Cũng chuyện ở xóm, nhà của thằng ở đầu ngỏ, nó ăn ở không, tụ tập đám “rảnh háng” ăn nhậu rồi hè nhau “la, hét, rống” karaoke qua cái loa kẹo kéo của Tàu, điếc tai cả khu xóm, có bữa quá 10g đêm, bọn chúng vẫn rống inh ỏi, ỷ mình già, nên tui qua mắng đại, cũng hên sao bọn chúng sợ và ngưng không rống nữa. Cả mấy tuần rồi, không thấy nó tụ tập nhậu nhẹt nữa, cả xóm được yên tịnh là vì lệnh cách ly của TP.

Ngoài xã hội…

Giờ đây, mọi người sẽ không còn thư thái, thoải mái mỗi khi ra đường… không còn tự tin khi gặp gỡ, tiếp xúc với mọi người xung quanh, kể cả bạn bè, người thân… vì mình phải giữ cự ly nhất định để tránh sự lây nhiễm của con virus cúm Tàu, bảo vệ mình và đó cũng là bảo vệ cho cộng đồng. Thói quen lịch sự gặp nhau tay bắt mặt mừng dường như ai cũng bỏ qua.

Phải vậy thôi, mọi người thay đổi lối sống để làm chậm lại sự lây lan của cúm Tàu.

Cách ly xã hội giờ được coi là phương thức hữu hiệu, tích cực để bảo vệ sức khoẻ mọi người.

Có thể thấy chuyện giúp đỡ người nghèo khó, những người bán vé số… được cộng đồng xã hội quan tâm, sẻ chia một cách hữu hiệu thiết thực.

Đặc biệt đáng quan tâm là mọi công dân chấp hành mệnh lệnh cách ly toàn xã hội của chính phủ một cách răm rắp, cho thấy giữa dân và chính quyền cùng đồng tâm hiệp lực phòng chống virus cúm Tàu thật hiệu quả, một sự kiện hiếm thấy từ trước nay ở đất nước này.

Trên thế giới…

Đại dịch cúm Tàu là mối hiểm họa chưa từng có đã lây nhiễm gây chết người hàng loạt thật khủng khiếp trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu dừng lại, nó đã lộ rõ bản chất xấu xa, hiểm độc của Tàu cộng… Giờ đây, một số nước phương Tây đã tẩy chay quan hệ làm ăn, hợp tác thương mại với Tàu cộng… điều này chưa từng xảy ra ở thương trường quốc tế.

Nói tóm lại, đại dịch cúm Tàu đã làm thay đổi, đảo lộn mọi thứ trên cõi đời này “người tốt làm chuyện xấu, người xấu làm chuyện tốt”… Nhưng đến giờ phút này, Tàu cộng đã là kẻ xấu vẫn làm chuyện xấu và tiếp tục làm chuyện xấu… Mới đây, hắn vừa ăn cướp vừa la làng, làm đắm thuyền của ngư dân ở biển Đông lại ngang ngược đổ lỗi cho ngư dân… Lợi dụng nhiều nước đang cần khẩu trang, kit test virus, bọn Tàu cộng đã tung khẩu trang, kit test dỏm bán cho các nước.

Đại dịch cúm Tàu đã lảm thay đổi cả thế giới… Thế mà chính cái thằng láng giềng Tàu cộng bạn thân “16 chữ vàng” của chính quyền cộng sản Việt Nam, nó vẫn tiếp tục ngoan cố, lưu manh, hiểm ác…?? Một lần ăn cắp, mãi mãi là kẻ trộm.

Sao tụi bây không mắc dịch cúm Tàu chết mẹ hết cho rồi để thế giới đổi thay!

V.Q.T

Người gác cổng sức khỏe…



Hôm rồi, sáng ngủ dậy bỗng dưng chân bên trái của bà xã tui bị đau điếng đi lại rất khó khăn… đang lúc trong mùa dịch nên ngại không dám khám bệnh viện quận, tui mới nhớ ở gần nhà có trạm y tế phường, thế là vợ chồng quyết định đến trạm y tế phường khám xem sao?

Đây là lần thứ hai, lần trước vào buổi tối, bà chị vợ mệt tim, tui chở bả vô đây khám, bác sĩ đo mạch và thấy ổn không sao, bả mệt vì do tuột huyết áp. Khám xong, rồi về chẳng có tiền bạc gì cả. Lần này, bà xã được bác sĩ khám kỹ lưỡng, cho thuốc men 5 ngày, khám xong cũng chẳng tốn đồng bạc nào.

Bác sĩ khám cho thuốc uống, hôm sau chân của bà xã tui hết đau đi lại được bình thường liền…


Bác sĩ Lê Hoài Nam, Trạm trưởng Trạm y tế phường 13 cho biết, từ khi Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, số lượng người dân có nhu cầu về khám, chữa bệnh đến trạm tăng lên rõ rệt. Hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 lượt bệnh nhân. Người dân bắt đầu có thói quen đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe, hỏi về cách phòng bệnh, việc ăn uống, sinh hoạt có lợi cho bệnh cao huyết áp, đái tháo đường…

Trạm y tế phường 13 còn thực hiện khám chữa bệnh tại nhà cho một số đối tượng đặc biệt, chuyển gửi bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên, cung ứng đầy đủ thuốc điều trị theo mô hình bệnh tật và theo gói dịch vụ y tế cơ bản. Số lượt khám chữa bệnh tại trạm trong năm đạt 10.885 lượt người. Trạm đã nâng cao được năng lực khám chữa bệnh; thu hút số lượng bệnh nhân đến khám chữa tăng nhiều hơn trước đây.

Trạm đã quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử để chủ động tầm soát, phát hiện các bệnh không lây nhiễm và có những can thiệp kịp thời nhằm chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Trong năm 2019 vừa qua, Trạm đã thực hiện sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 1.783 người dân.


Đây là trạm y tế thứ 17 trong tổng số 24 trạm y tế trên địa bàn thành phố được chọn triển khai thí điểm đổi mới hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.

Đang lúc cả TP hạn chế đi lại để phòng chống đại dịch cúm Tàu, trạm y tế cơ sở như thế này đúng là “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, trực tiếp gần dân, là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Thay mặt bà xã, tui cám ơn đội ngũ y bác sĩ ở Trạm y tế phường 13 nhiều lắm.

V.Q.T

“Tâm hồn không rách”…




Lâu nay ít khi gặp thằng cháu tên Tuấn thuê nhà ở sát cạnh bên, vì nó đổi chỗ làm thay vì ở nội thành, mấy tháng nay nó đi làm ở Bình Dương ca đêm, nên thỉnh thoảng một tuần mới về nhà.

Mới hôm qua, tình cờ thấy nó ở nhà, tay trái băng bó. Tôi hỏi: “Sao vậy?”. “Dạ, tai nạn lao động chú ơi”. “Có sao không?”. “Dạ, cũng không sao, chỉ có điều phải nghỉ làm, tốn tiền lắm chú”.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ủa, mình bị tai nạn lao động, công ty phải hỗ trợ chứ?”

Tuấn than vãn: “Không có đâu, cháu còn bị phạt nữa chú ơi”. “Sao kỳ vậy?”, tui thật sự không hiểu bèn hỏi tiếp: “Là sao, công ty không hỗ trợ mà còn phạt, mày giải thích tao nghe coi?”

Tuấn bèn kể lể, khi cháu bị như thế, công ty lập biên bản rồi bắt ký tên, dựa theo biên bản này công ty sẽ cắt tiền thưởng cuối năm. Cũng may nhờ anh em làm chung thương giúp, đứng ra bên vực, thỏa thuận với công ty là coi như không có bị tai nạn sự cố gì hết, không lập biên bản, anh em gồng gánh công việc cho nhau, cho cháu nghỉ làm với danh nghĩa nghỉ phép và tự lo chữa trị vết thương (vết thương rất sâu, vì sự cố miếng tôn nhỏ thừa trong lúc thao tác máy cắt tôn, nó văng thật mạnh chém sâu vào giữa ngón tay trỏ và ngón cái cắt đứt ngay động mạch chủ, máu tuôn xối xả, phải đi tới 3 bệnh viện mới cầm máu được).

Tôi hiểu rõ hoàn cảnh của Tuấn, vợ chồng nó tốn kém khá nhiều tiền để chữa trị bệnh hiếm muộn con, cũng may sao nhờ ơn trời, sau thời gian chạy chữa, giờ vợ nó đã đậu thai và tháng tư tới này nó phải chuẩn bị nhiểu tiền để lót ổ vợ đẻ.

Qua câu chuyện của Tuấn, nếu như không hiểu hoàn cảnh của Tuấn, có người sẽ cho rằng Tuấn hèn thế, công ty xử ép vậy mà làm thinh cam chịu? Công ty đã không hỗ trợ thuốc men, hỗ trợ ngày công lao động thì thôi, đàng này lại xử phạt cắt tiền thưởng của người bị tai nạn!?.. Câu chuyện này sao cũng giông giống câu chuyện của thầy giáo Thanh ở Cà Mau bán 20 khẩu trang với giá 3.000đ/chiếc… đúng lý là phải khen thầy có công trong việc bán khẩu trang y tế giúp cho học sinh phòng ngừa bệnh, nhưng lại bị kỷ luật!…

Ngẫm và nghĩ, ở xã hội của chế độ chết tiệt này, những người như Tuấn, thầy Thanh… họ không tiền, không địa vị, không quan hệ… có thể họ sẽ phải chịu thiệt thòi, họ mất nhiều thứ, kể cả mất luôn quyền con người… họ nghèo áo họ có thể rách, có thể bẩn có thể thay cái khác, vết thương lở loét có thể sẽ lành…nhưng tâm hồn họ có thể vẫn trong sáng, không rách, không bẩn. Còn như ai đó họ có quyền, có tiền, có địa vị… mà tâm hồn rách nát, dơ bẩn thì để lại vết nhơ muôn đời, thứ hạng người đó thua cả súc vật!

V.Q.T

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

Cám ơn...




19g30... trên đường Nơ Trang Long – Bình Thạnh về nhà, bỗng dưng chiếc Vespa của tui dở chứng tắt máy, đề hoài nó không nổ… thôi đành dẫn bộ về, sẵn tiện thể dục luôn.

Mới dẫn được một đoạn có đôi bạn trẻ chạy kè lại hỏi: “Xe chú sao vậy? Để tụi cháu đẩy hộ cho”. Tui cười nói: “Cám ơn mấy cháu, thôi để chú dẫn bộ, tập thể dục luôn”. Hai bạn trẻ lịch sự chào: “Vậy tui cháu đi nghen”. “Tui chào và cám ơn lần nữa”. Đôi bạn trẻ vừa mới chạy đi, lại có một bạn trẻ khác ghé lại hỏi: “Để cháu đẩy hộ cho chú”. Tui lại từ chối: “Cám ơn, để chú tự dẫn được rồi”. Bạn trẻ ấy cười nói: “Chú đừng ngại, cháu đẩy hộ cho”. Tui cũng cười và để bạn trẻ ấy yên tâm: “Nhà chú gần đây thôi, không sao đâu, để chú dẫn bộ về.” Nói vậy bạn trẻ ấy mới chịu đi.

Tui dẫn được một đoạn lại có một bạn nữa đến hỏi: “Chú có cần đẩy hộ không”. Dĩ nhiên, tui cũng từ chối và bạn này trước khi đi, cười nói: “Vậy thôi, chú gắng nghen”.

Cũng cái tật sĩ diện, không thích làm phiền người khác, nên cố sức dẫn chiếc Vespa 140kg nặng thấy bà cố về tới nhà trên 2 cây số chắc là vẹo xương sống, mới đi được vài chục mét mồ hôi mồ kê đổ ra như tắm, thở hổn hển… nghỉ mệt một chút, tui bèn đề lại thử hên xui sao? May sao, trời thương, đề một hồi lâu hơn 5 phút nó nổ.

Không phải đây là lần đầu, tui đã nhiều lần gặp những người Sài Gòn tốt bụng như thế đó các bạn.

Đang trong mùa dịch virus Vũ Hán dễ bị lây nhiễm, thế mới thấy người Sài Gòn thật bao dung, độ lương…

Người Sài Gòn chưa bao giờ hết dễ thương…

V.Q.T

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Chủ nhật 09/02/2020



Gián đoạn mới mấy kỳ sáng chủ nhật, không uống cà phê ở quán Star coffee để nghe những giai điệu âm nhạc quốc tế bất hũ của những thập niên 50s, 60s, 70s... từ ban nhạc Grand Father do trưởng ban Công Tâm đảm trách... con người hắn giống như bị nhiễm virus corona, tuy không đến nỗi khó thở, sổ mũi, ho... nhưng người mình giống kẻ nghiện xì ke thiếu hút, hay mệt mỏi, uể oải, chán chường...

Giờ thì tâm hồn hắn đã bừng tỉnh khi ngồi ở quán Star coffee để thưởng thức những giai điệu âm sắc quen thuộc ấy, giống như kẻ nghiện xì ke được phê thuốc!

Hôm nay, ngoài những bản nhạc ngoại, phần cuối buổi diễn, Grand Father còn trình diễn nhạc của Ban Phượng Hoàng đề tưởng nhớ cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang một thời huy hoàng của thập niên 70s.

Ai nói gì thì nói, với kẻ nghiện này, âm nhạc sẽ giống như thuốc ngừa để nâng sức đề kháng của mình phòng chống virus corona... ha ha

V.Q.T

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

Sự thật trường tồn!




Vụ việc đổ máu và chết người diễn ra ở Đồng Tâm đã gây nên sự thù địch, phẫn nộ, mâu thuẫn sâu đậm... không chỉ những người trong cuộc, mà cả những người ngoài cuộc tạo hố sâu căm thù giữa dân với quân, dân với chính quyền và dân với dân... tạo sự khủng hoảng niềm tin trong lòng người dân Việt.

Càng thấy rõ bản chất xấu xa, thâm hiểm, độc ác... của kẻ cầm đầu hành xử vụ án Đồng Tâm!

Đất đai tồn tại lâu hơn chế độ cường quyền!

Dân vạn đại, quan nhất thời!

Sự thật trường tồn!

Lịch sử sẽ phán xét công minh!

V.Q.T

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

Dear Sunday...




Cũng giông giống mọi khi nhưng hơi khác một chút, mở màn mấy bài đầu, ban nhạc Ông già bà già chơi model acoustic để hoài niệm về âm nhạc vô hạn chúc mừng những vị khách đam mê nhạc thập niên 50 - 60 - 70s...

Sau những màn đó lại là những bài quen thuộc và tiếp nối chương trình, rocker Công Tâm giới thiệu con trai lên hát và đệm cùng ban nhạc... Woa! Con trai có giọng hay, ngón đàn điêu luyện không thua ba nó! “Con giống ba nhà có phúc, con hơn ba nhà có hậu”... Đúng là hổ phụ sanh hổ tử!

Hôm nay lại có mặt một rocker thập niên 60 là Hiệp Danh ở Mỹ mới về, anh từng đánh trống cho ca sĩ Minh Xuân - Minh Phúc, Jo Marcel, Đức Huy... ở các Clup Mỹ, các bar ở Sài Gòn.

Cuối năm 2019 chuẩn bị bước sang năm Canh Tý 2020... hay tin buồn, một bạn học ở đại học vừa mất bữa 3/1 ở Hà Lan... nhưng buổi nghe nhạc hôm nay đã đong đưa nỗi buồn man mác trong tôi đi vào hư vô!

V.Q.T