Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

“Ngạc nhiên chưa!”…


Hổm rày, “hãng thông tấn vỉa hè” xôn xao hết nói về chuyện sách tham khảo dành cho học sinh cấp 1 lại đăng hình cổng trường có cờ Trung Quốc, in 12 con giáp cũng của Trung Quốc; rồi chuyện nhà hàng Việt lại không tiếp người Việt !?…

Nhóm bạn già của Tám Sài Gòn còn lôi ra những chuyện cũng không kém “ngạc nhiên chưa!”:

– Dạo này giở tờ báo ra đọc thấy toàn là ba cái chuyện làm bực mình… Đấy, vừa rồi ở Tiền Giang, Sở Y tế đã phải kỷ luật một bác sĩ vì bệnh nhau đau chân trái lại đi mổ chân phải của họ. Thiệt hết biết!

– Bởi vậy người ta mới “đúc kết” từ thực tế những chuyện “hài hước” như thế này, để tui lần lượt kể cho mấy ông nghe nhé:

Có hai thứ mà thiên hạ ai gặp cũng sợ. Một là thiên tai. Nhưng thiên tai còn chưa đáng sợ bằng nhân tai. Xây dựng công trình dân dụng không đảm bảo chất lượng, cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh… hại biết bao người, và còn biết bao người sẽ bị hại, mấy ông tính được không!?

Có hai thứ làm thiên hạ ai “dính” cũng lo. Một là hiếu nợ. Nhưng bị thanh tra “hỏi thăm” còn lo hơn nhiều.

Có hai thứ làm thiên hạ ai được cũng no. Một là ăn uống nhiều. Nhưng rút ruột công trình còn làm cho người ta no say hơn nhiều!

Có hai thứ làm thiên hạ ai nghĩ đến cũng thấy mệt. Một là lao động chân tay. Nhưng chưa mệt bằng đi làm thủ tục hành chính!

Có hai thứ làm thiên hạ ai rơi vào cũng thấy đắng. Một là (có bệnh phải) uống thuốc. Nhưng giá thuốc còn “đắng” hơn nhiều!

Có hai thứ mà thiên hạ ai cũng biết là nhanh. Một là tên lửa phóng. Nhưng giá cả sinh hoạt tăng còn “vọt” hơn nhiều!

Có hai thứ mà thiên hạ ai cũng biết là chậm. Một là rùa bò. Nhưng tốc độ tăng lương còn chậm hơn nhiều!…

Có hai thứ…

Ông bạn già đang cao hứng, tính nói tiếp thì một người trong nhóm ngắt lời:

– Có một thứ mà tôi biết chắc thiên hạ ai thấy cũng tránh và chỉ một người “hưởng trọn”. Đó là ông chồng bị vợ phạt! Trưa trờ trưa trật rồi. Lo về mau, kẻo các bả phạt thì không ai đỡ dùm được đâu mấy ông ơi…

Mọi người giật mình ngó đồng hồ, rồi chẳng ai bình luận gì thêm, lẳng lặng… rút.  Tám Sài Gòn cũng không “ngoại lệ”, nhưng vẫn tiếc câu chuyện còn dở dang. Ai còn có thể liệt kê thêm những chuyện “cười ra nước mắt” như thế, xin hãy liên lạc với Tám tui…


8 Sài Gòn

Luật hóa chạy chức chạy quyền


Vừa rồi, bạn già Tám Sài Gòn thông báo ăn mừng thằng con được tuyển vào làm nhân viên ở một sở, thế là đề tài  tuần này, hãng thông tấn vỉa hè đề cập đến việc chạy chức chạy quyền – một vấn nạn thời đại đến giờ vẫn chưa tìm ra biện pháp chữa trị!?

– Ối, đã hơn 4 tháng rồi, từ ngày báo lên tiếng um xùm việc chạy chức 100 triệu đồng ở Hà Nội…đến nay vẫn chưa tìm ra được ai cả!? Chỉ là tin đồn thôi sao?

– Đâu có mấy ông ơi, mới đây, ông Bí thư Thành ủy Hà Nội trong một bài phỏng vấn của báo chí đã khẳng định không chỉ có chạy chức mà còn chạy bằng cấp, chạy khen thưởng…

– Đúng rồi, ông Bí thư này còn cho biết: “Thời gian qua, những người sống trong bộ máy thấy được tình trạng chạy chức, chạy quyền giảm một cách rõ rệt”.

– Ây da! Thế là bây giờ việc chạy chức là có thật 100% rồi! Vậy sao không xử lý và nêu tên cụ thể ạ?

– Khó lắm, khó lắm mấy ông ơi! Theo luật thì cái gì cũng phải có bằng chứng cụ thể… mà trong dân gian có rất là nhiều cách để lo lót đó mấy ông ơi…

– Nói có sách mách có chứng, ông ví dụ cụ thể coi nào…

– Này nhé, lợi dụng cơ hội cha mẹ cấp trên đau ốm hay từ trần. Ông cầm phong bì đến thăm là vừa tạo ra sự xúc động cho cấp trên và vừa đưa được khoản tiền hối lộ một cách rất tình cảm. Việc thăm nom người đau ốm hay phúng viếng người mất là một phong tục đẹp. Cứ thế mà làm. Ngượng ngùng gì đâu.

– Ồ, kiểu lo lót này gọi là kính lão đắc quyền chức đấy nghen!

– Còn cách nào nữa không?

– Còn chứ! Lợi dụng những cơ hội liên quan đến con của cấp trên như đỗ đại học, đi du học nước ngoài hay lập gia đình riêng. Ông chỉ cần tặng cho cháu một học bổng trong 3 năm học ở Mỹ, London, Thụy Sĩ…

– Việc động viên con cháu học hành là việc đáng làm của toàn dân. Bạn thấy có hợp lý không? Quá hợp lý.

– Cũng như hãy lợi dụng tục mừng tuổi năm mới, một phong tục đẹp của dân tộc. Một phong bì có thiếp chúc mừng năm mới kèm theo đô la… Ông cứ yên tâm là sếp không từ chối đâu. Vì chưa ai từ chối tiền mừng tuổi bao giờ. Nghĩa là không ai từ chối một phong tục đẹp của người Việt Nam ta. Cách này gọi là phong tục nước Nam.

– Ôi thôi! Mấy ông không chỉ cách trị mà còn bày cách chạy chọt… Theo tui thì có cách trị đây!

– Cách gì?

– Dễ ẹt, công khai việc chạy chức chạy quyền thôi!

– Công khai?

– Đúng vậy! công khai đấu thầu các chức vụ, ai bỏ thầu cao thì người đó trúng!

– Cũng có lý! Như thế thì ta triệt tiêu được nạn chạy chức chạy quyền và còn thu được ngân sách cho địa phương…

– Tui nghe nói đây cũng là ý kiến của một phó giáo sư, tiến sĩ, ông ta đề nghị từ quan điểm cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.

– Đúng rồi, phải luật hóa việc chạy chức chạy quyền thôi!


8 Sài Gòn

Đối nghịch khó hiểu!!??


Câu chuyện phá hủy 7 lan can cầu ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã thật sự gây sự phẫn nộ trong cộng đồng dân mạng khi những kẻ phá hoại chỉ bị kiểm điểm, kỷ luật trong nội bộ đảng!!?

Ai cũng biết, ai cũng hiểu mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng anh Nguyễn Cảnh Cường (xã Nghi Phú, TP Vinh) đến siêu thị Tú Bắc lấy 7 hộp sữa mang ra đường đập phá bị khởi tố thì hành vi hủy hoại, còn ở đây kẻ hùy hoại 7 cây cầu không bị truy cứu trách nhiệm, phải chăng vì họ là quan, là đảng viên?

So sánh hai sự việc khác nhau có thể bị coi là khập khiễng nhưng những câu chuyện như vậy đang khiến dư luận đặt rất nhiều dấu hỏi về cách đối xử pháp lý giữa một người dân và những “ông quan”.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Con quan thì lại làm quan.

Con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Bao giờ dân nổi can qua.

Con vua thất thế mới ra quét chùa.

Một sự đối nghịch đến khó hiểu nhưng vẫn đang hiện hữu hàng ngày trong đời sống xã hội khiến dư luận xôn xao về “cán cân công lý”.


8 SÀI GÒN

S.O.S! Chiêu lừa “rác sinh hoạt”


Sau khi báo Người Đưa Tin phanh phui, vạch trần vụ chôn 100 tấn chất thải Formosa, sáng ngày 12/7 ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường – Đô thị Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã đến Phòng Cảnh sát ĐTTP về môi trường (PC49), Công an Hà Tĩnh theo yêu cầu của phòng này.

Trước đó, trên báo Giao Thông điện tử (http://www.baogiaothong.vn/trang-trai-xin-100-tan-chat-thai-formosa-de-bon-cho-cay-d158504.html):

“Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh cho biết, khoảng 100 tấn chất thải rắn của Formrsa chôn lấp trong trang trại ở Kỳ Anh là chất thải công nghiệp thông thường đã được Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh xác nhận. Ông Hòa đã đưa cho phóng viên Báo Giao thông xem công văn số 07/CCMT-KSON ngày 18/01/2016 của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh.

Công văn cho biết kết quả phân tích bùn ép xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc, bùn than từ xưởng luyện cốc của Công ty FHS (Formosa). Theo đó, bùn ép từ xưởng xử lý nước thải công nghiệp và tro than cốc, bùn than từ lò cao số 1 xưởng luyện cốc của Công ty FHS là chất thải rắn công nghiệp thông thường. Đề nghị Công ty FHS xử lý chất thải này theo đúng quy định về quản lý chất thải rắn theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ.”

Lại cái kiểu lập luận “đúng qui định, đúng qui trình” của mấy cha cán bộ. Nếu là rác có thể phục vụ nông nghiệp thì đâu cầu gì phải lén lút chôn lắp mà có thể công khai bán cho nông dân quanh vùng?
Qua đây cũng cho thấy, công luận hãy để tâm theo dõi chặt vụ này và cảnh giác một vài tờ báo đã và đang vẽ đường cho kẻ xấu thoát thân với chiêu lừa cho rằng 100 chất thải rắn của Formosa là “rác sinh hoạt”!.

Mời các bạn xem viodeo: Triệu tập khẩn cấp Giám đốc công ty môi trường “tiếp nhận” chất thải của Formosa do VTC 14 thực hiện.




 8 SÀI GÒN

Thiếu văn hóa…


Buổi sáng, ngồi xuống trước laptop là thấy ngay vụ đoàn xe đi vào phố đi bộ ở Hội An. Mình thấy vụ này có cái gì đó “hơi sai sai”, nhưng vẫn cảm thấy phân vân giữa 2 làn dư luận – bênh vực và phê phán. Rồi đến cuối ngày, đọc 3 lý luận của 2 facebooker là mình thấy ngay “chân lý” trong vụ này.

HUYNH NGOC CHENH:

Luật pháp không quy định vào chùa phải cởi giày, nhưng thủ tướng vào chùa mà cứ mang giày thì người ta nói thủ tướng thiếu văn hóa.

Thủ tướng cho chạy cả đoàn xe rầm rộ vào phố cấm xe, dành cho người đi bộ của Hội An có thể không sai luật, nhưng chắc chắn thủ tướng bị người dân địa phương và du khách đánh giá là thiếu văn hóa.

Ai ra sức bao biện cho hành vi thiếu văn hóa đó của thủ tướng đều là những người, ít nhất, là thiếu văn hóa.

CHANH LY

99 % hành động che dù cho cận vệ hay quay lại chào cấp dưới của tổng thống Obama là việc làm đến từ ý thức bảo vệ thương hiệu cá nhân. Trong đó sự tử tế thuộc qui chuẩn, và cái tên riêng đóng vai trò chủ đạo. Nó biến một việc làm mang dấu ấn cá nhân.

Dù đó là sản phẩm của PR trình độ siêu đẳng hay phong cách lịch lãm thừa hưởng từ giáo dục gia đình thì không ai có thể phủ nhận “trình độ” của ông.

Nhà trắng có thể chi rất nhiều tiền cho ekip PR hùng hậu, nhưng trước tiên và sau cùng: bản thân tổng thống phải đủ khí chất để mọi công cụ PR có thể tương tác trọn vẹn và triển nở thành giai thoại.

LINH THI MY VO

VÀI LỜI GÓP Ý VỚI THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

Vừa qua, thấy báo đăng Thủ tướng bất ngờ “đi bộ” ghé thăm phố cổ, tôi lấy làm vui mừng. Tuy nhiên, với tư cách là một công dân trẻ yêu nước, tôi có vài góp ý với thủ tướng như sau: (nếu hình ảnh đính kèm phản ánh đúng sự thật, nếu hình ảnh là photoshop thì mình gỡ bài xuống)

1. Hội An có quy định cấm xe cơ giới vào phố cổ. Bác là thủ tướng, dĩ nhiên có ngoại lệ. Nhưng nếu một thủ tướng có lòng tự tôn và có sự gương mẫu đúng mực, …thiết nghĩ bác nên bảo đoàn xe đỗ ở ngoài khu vực phố cổ để chấp hành đúng quy định của phố cổ đã được thông qua. Chúng ta không có quyền yêu cầu người dân phố cổ thi hành đúng luật khi mà thủ tướng của họ là người vi phạm luật.

2. Nước chúng ta được biết đến như một đất nước yên bình, không có khủng bố, ám sát như ở Mỹ. Chúng ta tự hào về điều đó. Nếu chúng ta muốn chứng tỏ cho thế giới thấy điều mà các nước khác không có, điều một thủ tướng cần làm là, bước ra khỏi những chiếc xe chống đạn xuống đường đi bộ cùng người dân.

3. Làm thủ tướng để được dân thương quả thực không khó. Nhất là đối với tính cách dễ thoả mãn như người Việt. Chỉ cần đóng vài ba màn kịch như xắn quần cày ruộng với dân, đứng ở mấy quán cơm tình thương chan canh phục vụ người nghèo, thế là dân đã rạo rực khí thế. Những việc còn lại cứ để dân lo.

Thử hình dung nếu bác xuống xe đi bộ vào phố cổ và phát biểu với giới truyền thông thế này: “Các nhân viên lo lắng cho sức khỏe và sự an toàn của tôi nên muốn xe đưa tôi vào phố cổ. Tuy nhiên tôi từ chối vì thủ tướng cũng phải chấp hành luận như người dân. hơn nữa đi bộ tốt cho sức khỏe thì tại sao không đi nhất là ở nơi đẹp như phố cổ thế này. Tôi cũng muốn cho bạn bè quốc tế thấy rằng, Việt Nam là đất nước yên bình, nơi mà thủ tướng có thể thoải mái xuống đường đi bộ cùng người dân mà không lo bị ám sát. Tôi nghĩ đó là lý do các bạn nên ghé thăm Việt Nam.”

Đấy, chỉ cần phát biểu vậy thôi là đã góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam mà không cấn tốn đồng bạc nào. Thiết nghĩ, các bác bộ trưởng, thủ tướng… cần chi ngân sách cho việc thuê một đội ngũ chuyên nghiệp tư vấn về xây dựng hình ảnh.

*******

Cái đám tùy tùng của Thủ tướng nịnh không đúng chỗ! PR kiểu này phản tác dụng… gây phản cảm! Phải chi, thủ tướng mình PR cho ngành du lịch Việt kiểu như bà Ho Ching, vợ thủ tướng Singapore đã thu hút ánh nhìn của cánh nhà báo khi cầm chiếc ví cầm tay màu xanh dương với họa tiết hình con khủng long với giá 11 đôla Mỹ, chiếc ví được thiết kế bởi một học sinh người Singapore học trường Pathlight, ngôi trường dành cho người tự kỷ đầu tiên ở đất nước này trong chuyến viếng thăm Nhà Trắng. Sau chuyến viếng thăm đó, chiếc ví cầm tay, được bán bởi trường học để phát huy tài năng của những người mắc chứng tự kỷ, đã nhanh chóng cháy hàng.

8 SÀI GÒN

Tự cứu mình…?


Chuyện xảy ra lúc sáng ngày 25/4, hàng ngàn người dân biển ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã ngăn cản buỗi lễ khởi công dự án khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển xã Hải Ninh.

Được hỏi vì sao, bà con ở đây cho biết vì quá bức xúc trước hiện tượng cá chết ở Hà Tĩnh, hơn 10 ngày qua bà con không thể ra biển đánh cá.

Bà con sợ rằng dự án của tập đoàn FLC sau này sẽ giống như dự án xây dựng nhà máy thép Formosa làm ô nhiễm môi trường, cũng như dự án sử dụng quá nhiều đất đai thì sau này dân sẽ không còn đất để ở và làm ăn!

Qua bài học thực tế vụ cá chết ở Hà Tĩnh, bà con ở Hải Ninh đã hè nhau đứng ra tự cứu mình trước đã bởi vì họ đã mất niềm tin trông chờ vào chính quyền giải quyết!

Bà con ở đây cũng muốn bắt cá bắt tôm, muốn có môi trường sống trong lành chứ không đánh đổi chọn khu nghỉ dưỡng, giải trí cao… đó cũng là quyền lợi điều chính đáng của dân!
8 Sài Gòn

Không thể hiểu…?


Vụ cá biển chết hàng loạt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã và đang làm rúng động dư luận cả nước trong những ngày qua.

Thế nhưng, các quan chức ở từ cấp xã, đến cấp huyện, đến tỉnh Hà Tĩnh lại quá thờ ơ! Các ngành thì tỏ ta lúng túng…

Tám Sài Gòn tui nghe nói, báo chí không thể tiếp cận được lãnh đạo các cấp, các ngành vì họ đều rất là bận việc.

Ba tuần trôi qua kể từ ngày phát hiện cá chết, chưa một lãnh đạo tỉnh nào về kiểm tra thực tế. Có phải họ quá bận đến mức vô cảm, thờ ơ với nỗi khốn khó mà người dân đang bất lực gánh chịu?

Những ngày gần đây, dư luận Hà Tĩnh dường như quan tâm nhiều hơn đến một chuyện khác. Mở trang báo Hà Tĩnh Online, thấy mục tin tức đọc nhiều nhất nào là bầu các chức danh lãnh đạo tỉnh, nào là chân dung chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước, chân dung các vị phó… Dường như chuyện cá chết hàng loạt kia đang xảy ra ở một thế giới xa lắc, xa lơ nào đấy.

Trong khi đó, hôm 24/4 có một thợ lặn trước đó có làm việc phục vụ cho việc xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương của dự án Formosa đã tử vong, vốn là thợ lặn của công ty Nibel (trụ sở đóng ở tỉnh Quảng Bình), một nhà thầu của Formosa, dư luận cho rằng thợ lặn chết có liên quan xả thải chất độc của nhà máy, sự việc này đang được theo dõi.

Còn tay giám đốc đối ngoại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh khi trả lời báo chí thì cho rằng không thể được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm.

Bảo vệ môi trường cuộc sống đã và đang là thông điệp cả thế giới đang quan tâm, là doanh nhân của một tập đoàn lớn, thế mà cái tay giám đốc đối ngoại nhà máy thép Formosa xem ra khá là coi thường việc bảo vệ môi trường thì đúng là hiểm họa của con người!

Và cái đáng nói nhất là cái thằng cha nào cho xây dựng nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh mà không đi kèm các quy định về công nghệ, nước thải; thằng nào con nào ký cho nó đặt đường ống xả thải thẳng ra biển; điều tra xem có ai “đi đêm” không, di sản đó là của ai?

8 Sài Gòn

Điều gì sẽ xảy ra…?


Hơn một tháng nay, từ lúc xảy ra vụ cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, người dân xuống đường biểu tình, yêu cầu duy nhất là muốn chính quyền minh bạch thông tin vì sao cá chết, thế mà thì chiều 14/5 Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc trả lời báo chí trên báo Người Lao Động (http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/du-co-so-khoa-hoc-de-ket-luan-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-20160514184307295.htm) dài gần 1.300 chữ… một cách rất là vòng vo, mơ hồ… rốt cuộc cũng chẳng biết rõ nguyên nhân cá chết là do chất thải độc hay do tảo độc…

Mới đây, người dân Đà Nẵng có gà bị chết cho rằng do ăn cá biển, tuy nhiên chính quyền sở tại nói qua xác minh những con gà này chết vì “ăn quá no”

Với cái kiểu né tránh như thế này, cho dù chính quyền dùng bạo lực và các chiêu trò xảo quyệt để trấn áp, đàn áp… người dân vẫn không sợ vì mục tiêu họ biểu tình là đòi hỏi quyền được sống trong một môi trường trong lành và đây là một nhu cầu hết sức chính đáng của người dân!

Trước mắt, với các chiêu trò bạo lực, chụp mũ hồ đồ để trấn áp, dập tắt ngọn lửa biểu tình, nhưng không thể nào dập tắt ngọn lửa đang âm ỉ bùng cháy trong lòng dân.

Sức người có hạn, nếu sự việc này càng kéo dài bao lâu thì sức chịu đựng của người dân càng bị dồn nén, đến một lúc nào đó sự phản kháng sẽ càng dữ dội, mãnh liệt hơn!

Điều gì sẽ xảy ra…?

8 Sài Gòn