Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Chúc khỏe và an lành...

 


Mấy hổm rày, nhiều nơi ở Sài Gòn thiên hạ dồn dập chích ngừa mũi thứ ba. Báo giới và truyền thông không ngớt đưa tin về hiểm họa của dịch COVID… khiến nỗi sợ lấn át trong cuộc sống của mọi người….

Bởi vậy, mỗi lần bạn hữu gặp nhau, ai cũng mừng vui và không quên hỏi thăm sức khỏe của nhau!

Bạn bè đều sàng sàng U70 hết thế mà có bạn uống rượu, bia gần như không sót ngày nảo nhưng huyết áp và mạch vẫn ổn, nhiều bạn hút thuốc như ống khói tàu nhưng phổi vẫn tốt. Sao ngộ vậy? Đó là những điều bác sĩ cấm kỵ, vì hại cho sức khỏe!

Thì đúng rồi, các bạn ấy ỷ y sức khỏe của mình và đang xài phí phạm đấy! Nếu các bạn biết tiết kiệm sức khoẻ của mình chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều! Vì trong số bạn hữu, có người cũng uống rượu bia, hút thuốc lá thâm niên nhưng anh ta tập thể dục mỗi ngày từ hồi trẻ và chăm chút sức khỏe rất kỹ lưỡng nên trông anh khỏe khoắng hơn mọi người cùng lứa.

Có bạn hỗ trợ sức khỏe cho mình bằng cách dùng thêm các loại thực phẩm chức năng qua kinh nghiệm thực tế của bạn bè giới thiệu, có bạn dùng ADAM thường xuyên, có bạn cả nhà đều dùng CORDYCEP LIIFE NEW… vì ai đã dùng cũng thấy có hiệu quả, nhất là hiện nay dịch bệnh covid vẫn luôn rình tập, đe dọa cho tánh mạng nếu như sức khoẻ của mình suy yếu!

Dù ai nói ngã nói nghiêng, sống chung với nạn dịch covid thì sức khỏe vẫn ưu tiên hàng đầu!

Văn ôn võ luyện, sức khỏe cũng vậy mà thôi!

Có sức khỏe tốt và ổn định là tự mỗi người, mỗi cách chăm sóc, gìn giữ… ai “mạnh” món nào thì dụng món nấy, nhớ là đừng có mà dụng phí phạm mới đúng là ADAM đích thật!

Tui coi bộ món nào cũng không “mạnh” thì sao ta? Chắc là phải ráng mà học hành theo chỉ giáo và kinh nghiệm của bạn hữu thôi!

Còn mấy ngày là kết thúc năm 2021. Bước sang năm mới 2022, xin chúc mọi người luôn khỏe mạnh và an lành, bất chấp covid hoành hành ta luôn giữ gìn sức khoẻ là đời yên vui!

V.Q.T

Đêm đã khuya rồi đây...

 


Ở một gốc hẻm, có một người mất ngủ vẫn còn trằn trọc, phì phà thuốc lá… đêm đã khuya rồi đấy, chỉ cần tiếng động tịnh là nghe rồi, vậy mà có một dạo tiếng còi xe cứu thương cứ hú liên tục giữa đêm khuya nghe mà rợn cả người…

Giờ thì thay vào đó là những âm thanh của tiếng động cơ xe ủi, tiếng đục khoan bê tông do những thợ làm đường còn miệt mài làm việc từ xa ngoài đầu ngỏ, gần hơn một chút ở quán nhậu vẫn rộn rả tiếng reo hò ca hát át covid, tiếng cụng ly canh cách, tiếng “1, 2, 3 zô zô”, tiếng cười nói xôm tụ của dân nhậu chắc là chung độ bóng đá?

Và ở sát bên nhà tiếng đập cửa của thằng say xỉn réo vợ: “mày mở cửa cho tao vô, bộ muốn tao ngủ ngoài đường hả”… Xa xa, tiếng gà gáy khắp nơi cứ văng vẳng ó o…

Ở Sài Gòn, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc, các khu ăn nhậu sáng vẫn sáng đèn, quán xá lúc nào cũng có người ăn nhậu, tiếng cụng ly, tiếng trò chuyện rôm rả vang cả một góc hẻm… phải vậy chứ?

4g30 giờ sáng… tiếng chuông nhà thờ Bình Lợi vang lên… tiếng động cơ xe ủi vẫn còn rổn rảng cả khu phố.

V.Q,T

Ảnh copy trên mạng

Thứ ba vui...

 


Sinh nhật được mấy bạn thâm giao đãi rượu ngon, mồi ngon và còn tặng bài thơ:

Tuổi thêm một tuổi có sá gì!
Giấc mơ rồng lộn vẫn tung mây
Chiều chiều quán gió mù mù đợi
Khuya khuya đẻo đá bỏ quên đời
Tuổi thêm, thêm tuổi có gì đâu!
Con mãi còn ngu cũng đủ rồi!

Giờ chỉ hưu bám sống nhờ lương, sinh nhật như vầy thì còn gì vui hơn! Hãy luôn giữ thứ tình cảm này nhé mấy bạn ơi!

V.Q.T

Thú đá cá thia thia...

 


Thia thia đá bóng trong keo,
Ham vui trước mắt, quên nghèo sau lưng.
Ai sâu cá lội khoe màu,
Đố ai biết mỗ: bã trầu, thia thia?

                                                       (Vương Hồng Sển)

Thú chơi đá cá thia thia (cá xiêm) cỡ như bác hai Sển của tui thuộc bậc thượng thừa, tui chẳng dám sánh vì mình chỉ thuộc hàng tép riêu!

Hồi nhỏ cũng mê đá cá thia thia như ai, giờ còn nhớ được chút gì xin được mạo muội kể ra đây.

Nhớ là lúc để dành được chừng một hoặc hai đồng bạc là mon men ra chợ Sóc Trăng, đến chỗ bán cá thia thia dọc lề đường, người ta bày trên kệ gỗ 2-3 tầng, mỗi tầng khoảng 6-7 keo đựng cá thia thia dựa sát nhau, mỗi keo ngăn giấy chặn để chúng không thấy nhau, vì chỉ cần thấy bóng con ở keo kia là chúng phùng mang, xoè đuôi, giương kỳ, gọi là đá bóng, lúc này là tui ngồi ngắm nghía thật lâu, chọn con nào xanh lè, đuôi, kỳ lành lặn, đá bóng trông có vẻ hung hăng, chọn nó nhưng cũng phải vừa túi tiền của mình!

Tiện và dễ tìm nhất là đựng cá trong hủ chao, nhưng thường hủ chao thủy tinh xấu, có bọt hoặc không phẳng nên không nhìn rõ cá. Thời tui, lấy chai nước tách (l’eau de javel) uốn cọng sắt có quấn vải xung quanh, cỡ vừa cổ chai ở đoạn dưới nắp chừng 1,5 tấc là vừa, sau đó tẩm xăng hay dầu hôi, chăm lửa cháy đợi cọng sắt nóng đỏ, đặt nó vào chai, xoay vòng vài phút, liền sau đó nhúng chai vô nước lạnh sẽ nghe tiếng rắc nhỏ, gỏ nhẹ lập 2 phần rớt ra (giống như dùng dao cắt kiếng), mài chỗ miệng chai vừa cắt bớt bén, thế là có được chai đựng cá vừa bụng ưng ý rồi!

Từ khi nuôi cá, ở nhà có mấy cái hồ chứa nước mưa, cũng tiện lợi, cứ vài ngày vớt lăng quăng cho cá ăn, khi nuôi nhiều, lăng quăng trong nhả không đủ bắt, ra ngoài tìm ở mấy đường mương để hớt lăng quăng, đem về phải lượt gọng cho sạch sẽ mới cho cá ăn, lăng quăng trong nhà khỏi phải lượt vì sạch! Đứa nào hớt lăng quăng được nhiều hay ít cũng là dịp để khoe thành tích với nhau!

Bọn nhỏ tụi này chơi đá cá ăn thua cho vui, không biết cá độ, nhưng phải nói là ham lắm, nhất là khi cá mình thắng, chỉ có điều thấy thương và tội cho con cá cưng, vì đá ăn hay thua gì đi nữa, mình mẩy con nào cũng đầy vết thương, vẩy, kỳ rách te tua, phải nuôi dưỡng cả tuần hơn mới lành lặn lại bình thương.

Cái thú nữa là ép cho cá đẻ, hồi đó mà ép cá đẻ thành công là coi như kỳ tích lớn lao, khoe rân với mấy đứa liền! Bởi ép trật giuộc vài lần mới có kinh nghiệm! Cá mái phải đợi đến khi bụng căng phình, phía dưới bụng lòi ra trứng phải có màu hơi vàng, khi ép tỷ lệ con mạnh và sống cao, còn không trứng nở ra con yếu xìu và sau đó chết ngắt hết!

Khi ép, bỏ cả con mái và trống chung với nhau, khi con trống ép cá mái đẻ xong hết, vớt cá mái ra không thôi nó sẽ ăn trứng, chỉ để con trống phun bọt lảm tổ để trứng trên đó, chăm sóc tổ đến chừng 2-3 ngày trứng nở con li ti, 2-3 ngày sau chúng mới biết ăn, chỉ chúng ăn con nước đo đỏ, nuôi chừng 2 tuần là chúng khỏe mạnh là thành công!

Cũng nói thêm, bọn tui cũng có nuôi cá bã trầu, còn gọi là cá đồng. Nó to hơn so cá thia thia, màu sắc sặc sở, nhưng trông không oai vệ bằng cá thia thia. Cái dỡ của cá bã trầu là khi đá, bị cắn đau nó hay bỏ chạy và đổi màu trắng nhợt, 2 bên mình nổi sọc đen, nên người ta nói cái đồ sọc dưa là vậy!

Còn thia thia khi đá, rất ít khi có con nào bỏ chạy, thời gian đá kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ, có khi gần cả ngày vẫn chưa con nào chịu thua, mệt quá chúng tạm nghỉ, rồi lại đá tiếp, tới chết thôi! Bởi vậy, đã chơi đá cá thì ai cũng thích cá thia thia hơn, đẳng cấp hơn cá bã trầu vì nó mắc tiền gấp 2-3 lần con cá bã trầu! Thú chơi hổi nhỏ mà biết phân biệt cao sang cũng đâu phải vừa?

Thú nuôi và chơi đá cá thia thia vẫn còn tồn tại và duy trì đến ngày nay…

Cái khác là bây giờ nhờ kỹ thuật lai tạo đã thêm nhiều loài cá thia thia lai phướn, đuôi, kỳ rất dài thướt tha, nhiều màu sắc chớ không như thời xưa chỉ có màu xanh dương đậm hoặc lợt, màu xanh lá cây đậm và lợt… giờ thì đủ màu đỏ, hổng, trắng, xanh… và hẵn nhiên ngày nay muốn nuôi, ép cá đẻ cũng thuận lợi dễ dàng hơn nhiều, không biết chỉ cần hỏi ông Gô Gồ là có thể biết ngay!

Chuyện nuôi và đá cá thia thia của bọn nhỏ thời tui đơn giản, bình dị vậy thôi… nhưng đứa nào cũng mê hết trơn hết trọi hà!

V.Q.T

Ảnh: Giờ, trong nhà có chậu cá thia thia lai phướn nuôi để ngắm giải khuây!

Thú đá dế...

 



Tình cờ nghe tiếng gáy của con dế trong nhà, bỗng dưng chợt nhớ đến thú chơi đá dế hồi nhỏ của mình!

Thú chơi đá dế của tuổi thơ ngày xưa phổ biến bao nhiêu, ngược lại cái thú này lại rất hạn hữu ở tuổi thơ ngày nay! Và cái thú phổ cập của bọn chúng lại là games điện tử nằm trong mấy cái xì - mát- phôn thôi!

***

Hồi xưa, tới mùa mưa là thấy nhiều người bán dế để dụ con nít mua về chơi đá dế, ngày nay cũng nhiều người bán dế nhưng chủ yếu dành cho người nuôi cá, nuôi chim mua về cho cá, chim của họ ăn.

Cho nên tui kể ra đây thú chơi đá dế chắc là chỉ dành cho lớp người trạc cỡ tuổi hoặc lớn hơn tui hồi ức lại thú chơi đá dế mà cụ Vương Hồng Sển liệt nó là một trong những thú phong lưu của người xưa!

Thời của tui hầu như đứa nào cũng biết rành chơi đá dế. Mùa mưa, dế bay tận trong nhà, trốn núp trong mấy kẹt tủ, gầm giường… ở những chỗ tối, mấy con trống cố tình thi nhau gáy để khoe mẽ, dụ dế mái? Hổng biết có dụ được em nào không, nhưng chính vì tiếng gáy của nó mà bị bọn trẻ bắt làm “tù binh” phục vụ cho thú vui đá dế cho đám trẻ và cả đá dế cá độ cho người lớn.

Bọn nhỏ tụi tui khi bắt được dế thường nhốt nó trong vô hộp quẹt diêm bằng gỗ, hoặc hộp nhựa, còn như hộp giấy là phải giấy thiệt dầy, cứng, giấy mỏng dế cắn lủng chui ra ngoài mất tiêu à nghen!

Qui luật chơi đá dế cũng đơn giản, cáp độ 2 con cùng hoặc khác loại dế than hay dế lửa đểu được, chỉ cần cỡ tương đương với nhau là OK! Bỏ hai con chung một cái hộp, cho chúng đá với nhau con nào bỏ chạy là thua. Khi đá, hai con sáp lá cà cụng đầu với nhau, con nào cũng dùng răng nanh sắc nhọn, cắn với nhau giống như võ sĩ thời La Mã dùng kiếm giảc đấu với nhau, con thua mà bỏ chạy, con thắng rượt và gáy dữ hơn… lý thú quá rồi còn gì bằng?

Mẹo nhỏ là con thua, bắt chúng lên, nắm râu của nó quay vòng vòng một hồi, bỏ xuống cho đá lại hiệp hai, nếu nọ chịu đá có khi nó lại thắng ngược lại con kia hổng chừng… con thắng mả mới bị thua hiệp hai, bắt nó làm giống như kể trên cho đá hiệp ba… hấp dẫn quá chứ hả? Một mẹo nữa, cột 2 sợi tóc  vào đầu tăm nhang, rồi ngoáy trước đầu con thua, nó tức khí lên sẽ đá lại con kia…

Kinh nghiệm và thú vui đá dế của tui có bấy nhiêu đó thôi, còn như muốn biết thêm về cái lý thú của chơi đá dế thì đọc cuốn “Phong lưu cũ mới” của học giả Vương Hồng Sển. Riêng tui khoái nhất trong cuốn này, có đoạn bàn về xã hội loài sâu bọ và thú đá dế… mới hiểu tính triết lý vì sao ông Sển bái phục bọ hung sát đất:

Trích:… “Nghĩ cho công cán bấy chầy, chắt mót dành dụm lâu hoáy mới được một cục phân xem vừa mắt, thế mà nay thằng bạn mắt dịch đoạt mất, giá như tôi ắt giận nhịn cơm chờ chết, thế mà bọ hung vẫn thản nhiên bình tĩnh bỏ qua hết để đi tìm dịp sắm cục phân khâc, thiệt bọ hung đáng tôn làm thầy! Lạ quá! Học triết lý ở đâu là rèn luyện trí óc được như thế? Bọ hung đành quên công cực khổ nắng nôi, quên chuyện vận tải vất vả, quên chuyện đào hầm nhọc nhằn, nay hầm đào rồi, của kề bên miệng, thế mà ô hô! Rủi ro chốc lát, công bất thành, chú bất toại, của quí tiêu, đống vàng mất! Như vậy mà bất oán thiên, bất vưu nhân! Tôi xin bái phục!

Bằng như, nói tỷ mà nghe, bọ hung chỉ gặp bọ hung khách có ít nhiều quân tử tính, hai con may mắn khiêng về đến nơi đến chốn, không bị lưu manh phá đám dọc đường… Khi ấy, hang đã khoét rồi, miệng hang tròn trịa, vừa khéo, vừa khít với cục phân; khi ấy, bọ hung chỉ ráng sức khuân của vào hang, cục phân vừa chui lọt vào trong thì bọ hung liền bít lắp miệng hang, chỉ để còn một mình một đống, hoặc quá lắm là cũng với bọ khách, tức là hai đứa mặc sức mê mắn tàng tịch với món ngon ao ước! Vạn tuế cái buổi hạnh phúc tràn trề này! Tuy hang thô sơ không có quạt máy trên trần nhưng nhờ cha ông khéo truyền nghề, bọ hung biết đào sâu nên ánh nắng không lọt thấu hang mát vô cùng! Sẵn của ngon, sẵn yên tịnh, trên kia cửa đã bít, ai đâu đi ngang cũng không biết dưới này có ẩn tàng của báu, xa xa tiếng dế vô tình như khêu như gợi, giờ phút này và trong phòng này mới phải là nơi làm việc bằng răng nhọn và bằng bao tử mạnh lành. Bọ hung “xực” cục phân to tướng, khi mình ên, khi với một bạn duy nhứt, không mời ai thêm! Đứa nào, đứa nấy, gục mặt gần đầu mà ăn, không dám nhúc nhích, không dám cục cựa vén khéo tỷ mủ không cho mất miếng nào.

- Hỏi ăn gì mà trịnh trọng đến thế?

- Xin thưa: ăn phân ăn cứt! Ai dám cười! Đời không bọ hung sẽ là một đống phân, đâu có sạch và nên thơ như vầy!” (hết trích)

***

Tui dám chắc, ai chưa từng chơi đá dế sẽ không cảm nhận hết cái thú chơi này!

V.Q.T

Ảnh copy trên mạng

Hoa Tigon...

 




… còn có tên gọi khác là hoa trái tim, hoa tim vỡ. Tên khoa học: Antigonon leptopus Hook.Et Arn. Họ: Polygonaceae (họ Rau Răm).

Tigon có hình dáng lạ, nhỏ nhắn xinh đẹp nhưng lại có sức sống vô cùng mạnh mẽ, khả năng sinh trưởng tốt nên được nhiều người ưa chuộng nhất là hoa tigon có chứa nhiều hoạt chất chống oxy hoá, chống viêm và giảm đau cực kỳ hiệu quả như hentriacontance, feryulic acid… bên Đông y người ta hái lá và hoa đem phơi khô để làm thuốc chữa bệnh đau lưng, đau khớp, giảm sưng đau, kháng viêm…

Thích nhất ở hoa Tigon là biểu trưng cho tấm lòng cảm thông với những cuộc sống khó khăn, những mảnh đời bất hạnh…

Ảnh: hoa Tigon nhà người ta trông thật kiêu sa…

V.Q.T

Bù rầy...

 



Hồi tối qua không ngủ được, mở nhạc nhè nhẹ nghe đến hơn 2 giờ sáng… khi ngủ nằm mơ thấy đủ thứ lộn xộn… sáng dậy nhớ mang máng hồi nhỏ chơi bù rầy.

Ờ hén, vậy còn nhớ được chút gì, sao không kể ra đây để cho thấy con nít hồi xưa có thú vui dân dã, bình dị nhưng đầy lý thú, đó là thú chơi bù rầy!

Nhớ hồi nhỏ còn mài đũng quần ở mấy lớp tiểu học của trường La San, Sóc Trăng, mùa hè bọn tui có thú vui chơi con bù rầy, vì mùa này có nhiều bù rầy và người bán bù rầy kiếm ăn được vì con nít thời này trai lẫn gái đều thích chơi bù rầy, đứa nào bắt được thì đỡ tốn tiền, còn không thì phải mua vậy!

Tui thì khoái bắt hơn là mua vì bắt được mới cảm nhận hết cái độ sướng chứ? Mà cũng dễ bắt, vào mùa này nó cũng giống như dế, thinh không ở đâu nó bay vô nhà, dế thì nghe tiếng gáy, còn bù rầy hay bay lại chỗ đèn sáng, khi bay nghe gây tiếng xè xè nên dễ biết, cứ canh bắt nó rồi khoe tụi bạn, tao bắt được con bù rầy chiến nghen tụi bây! Còn khoe nhau ở chỗ cánh mềm bên trong mỗi con nó có chỉ gân khác nhau, có con chỉ gân tạo nên nét giống chữ hay số được cho là đồ độc, quí nghen!

Bù rầy, còn gọi là bọ rầy là loài côn trùng cánh cứng, không hôi, không cắn và không độc hại. Nó cỡ ngón tay cái, có con cánh màu nâu, có con màu xám trắng, con màu vàng… Màu nào cũng được miễn là nó bay lâu là thuộc con chiến!

Chiến là vì khi lật hai cánh cứng của nó, rồi chập sát nhau, cầm chặt giữa ngón cái và ngón trỏ. Lật ngửa con bù rầy, giơ đít về trước miệng, thổi phù phù, lập tức, bù rầy sẽ đập hai cánh lụa xè xè, như đang bay tạo gió mát.

Con chiến tức là khi thi đấu con của đứa nào bay dài nhất là thắng, con bay hăng hơn 15 - 20 phút, bay tới nỗi cứt sền sệt màu nâu đen chảy ra đít vẫn bay, lúc này báo hiệu nó đuối rồi!

Còn không thì kê sát nó gần mặt mình để nó bay, cánh nó quạt gió mát mát, có gió mát mà không cần quạt và khỏi mỏi tay thì sướng thiệt!

Người bán bù rầy còn bày trò dụ khị con nít, họ chế tạo xe bù rầy bằng dây chì cỡ cọng chỉ, uốn thành chiếc xe 4 bánh, có cần chỉa lên tạo cái móc ở đầu để kẹp cánh bù rẩy, nếu xe để thẳng nó sẽ chạy thẳng, còn không thì uốn cong sườn xe để khi bù rầy đập cánh, xe chạy vòng vòng… chẳng cần pin xe vẫn chạy vù vù, con nít đứa nào không khoái mới lạ!

Bù rầy bị bắt chơi kiểu này, nó sống được được 3-4 ngày là chết queo! Chết thì bắt con khác hoặc mua, tồn chừng 5 cắc/ một con, còn mua xe bù rầy tốn 1 đồng/ chiếc là có đồ chơi rồi!

Con nít bây giờ làm gì mà biết được cái thú chơi bù rầy như thời của bọn tui ở thập niên 60.

V.Q.T

Ảnh copy trên mạng.

Ngàn lần xin lỗi bác...

 



Bác Hai ơi! Con cảm thấy thật có lỗi với bác, những lời bày tỏ này của con không phải để tránh né, hay xin xỏ bác thứ lỗi, mà con nói ra đây để bác ở nơi chín suối hiểu thêm sự tình ở cõi đời này.

Ngày xưa, lúc sinh thời, ngôi nhà cổ Vân Đường Phủ là nơi thật yên ắng, thanh tịnh và mát mẽ… vì tường quanh ngôi nhà được che phủ bởi cây thằn lằn xanh um, xung quanh nhà nhiều cây xanh như xoài, sầu riêng, cả một vườn mai và nhiều chậu cây kiểng… ngôi nhà cổ luôn chan hòa và đầy ắp tình người.

Con nhớ rất rõ, từ khi mụ Liên, con dâu bất kính, vô lối, vô thừa nhận xuất hiện để thế chỗ chị Bê (gốc Ấn Độ) vợ chính thức của anh Bảo đã bỏ chồng và mang theo đứa con gái đi Pháp. Kể từ cái ngày ấy, tình cha con giữa Bác và anh Bảo bắt đầu rạn nứt, sức mẻ… vì mụ Liên và hệ quả cuối cùng… nỗi buồn khổ đã tàn phá sức khỏe của bác nhanh chóng đi đến cạn kiệt và mất ngày 9/12/1996, vì anh Bảo vướng vòng lao lý do nợ nần của xã hội đen… và sau đó anh Bảo cũng đã mất trong tù.

Kết cuộc câu chuyện về gia cảnh của Bác Hai thật bi thảm như thế!

Giờ đây, đã 20 năm kể từ khi Bác mất, Vân Đường Phủ – một di tích cổ quý hiếm trở thành… phế tích cho quán nhậu bình dân… Đáng nói là ngôi nhà cổ hiện đang nằm trong tay của một kẻ lắm tiền nhiều của, họ đã bỏ tiền thuê mặt bằng kinh doanh, đập phá, xây sửa phá nát kiến trúc hài hòa thanh tịnh của ngôi nhà cổ để phục vụ cho đám nhân viên ăn ở ngủ tại đây, bọn chúng nuôi gà đá gây tiếng ồn, phiền hà cả xóm dân cư nơi đây. Ngày này qua ngày khác… con vẫn luôn nén sự bực tức, của mình trước lối sinh hoạt vô văn hóa của chủ thuê và đám nhân viên đã và đang sinh sống tại ngôi nhà cổ Vân Đường Phủ… con rất buồn vì sự bất lực của mình, đã không làm được gì trước sự điêu tàn của ngôi nhà cổ Vân Đường Phủ?

Nhân ngày giỗ của Bác, con xin kể đôi điều như thế… con xin thắp nén hương cho bác và mong bác thứ lỗi cho đứa cháu bất tài, vô ơn này!

V.Q.T

***

SỰ THẬT VẪN TRƯỜNG TỒN

Lâu lắm rồi, từ khi ngày ngôi nhà cổ Vân Đường phủ của bác 2 Sển tôi biến thành quán nhậu Ốc Béo, tôi mới nghe cái giọng oang oang của mụ Liên – con dâu trời đánh của bác 2 Sển lớn tiếng chửi rủa mấy đứa phục vụ quán, chứ trước đây khi chưa mở quán thì như cơm bữa, cứ vài ngày là con mẻ điên điên khùng khùng chửi đổng dòng họ Vương, còn không thì cãi lộn ôm xồm dậy cả làng cả xóm với đám bà con của mẻ như bà già, em gái, em trai, đứa con lai của mẻ… kéo nhau tụ về đây sống bám y chang cây si mọc hoang ở góc nhà không nhổ gốc từ nhỏ đã sống ký sinh phủ quanh cây xoài cổ thụ mấy chục năm tuổi do bác tôi trồng bị chết khô, hoặc chửi lộn với lũ con nợ là vợ con thằng Hùng bám trụ ở lậu đã vậy còn thường xuyên lén lút tụ tập đám ma cô mua bán ma túy (cũng may đám này đã bị bắt, cả xóm ai cũng mừng).

Nhưng bù lại bây giờ ở đây, ngày nào tôi cũng phải chịu đựng tiếng ồn ào của dân nhậu tới tận khuya, dẫu sao vẫn đỡ hơn nghe tiếng chửi rủa của con dâu xấu xa, ác độc lại dám tự xưng mình là dâu thảo, mẹ hiền lên tiếng với tay nhà báo Tiền Phong – Trần Nguyễn Anh cho rằng con mẻ bị gia đình ông Sển bạc đãi! Cảnh đời đổi thay, cây xoài cổ chết khô để nhường cây si dại sống bám phảt triển um tùm… Ngôi nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng biến thành quán nhậu Ốc Béo ngày càng đông khách, dẫu sao cũng an ủi vì đời sống của 3 đứa cháu nội là Hương, Thành và Minh đã đỡ chật vật hơn, giờ đây đứa nào đứa nấy đã nên vợ nên chồng, được vậy bác 2 Sển và anh Bảo tôi cũng phần nào yên lòng nơi chín suối.

Chỉ tiếc rằng nguyện vọng của bác 2 Sển tôi đã hiến tặng kho cổ vật vô giá, quý hiếm, mà cả đời ông sưu tập được, cho thành phố và mong muốn những di vật này sẽ được trưng bày trong ngôi nhà cổ Vân Đường phủ với tên gọi Nhà bảo tàng Vương Hồng Sển thành hư vô!

Thời gian cứ trôi đi trôi đi… sự việc có thể phai mờ, sự đời có thể đổi thay… nhưng sự thật vẫn trường tồn!

V.Q.T

***

TỰ SỰ CỦA NHÀ BÁO GHÉT “KẺ VIẾT BÁO”…

Nhân ngày Nhà báo 21/6, tôi xin đưa chuyện của gia đình bác tôi là ông Vương Hống Sển để bàn dân thiên hạ.

Phải nói rằng, trong thời gian qua, công luận trong nước và nước ngoài đã đề cập rất nhiều chuyện về gia cảnh của bác tôi, bởi họ quan tâm, họ bức xúc, họ nuối tiếc, họ thắc mắc không hiểu vì sao?... "Nguyện vọng trong di chúc của ông Vương Hồng Sển ghi rõ hiến tặng toàn bộ những cổ vật vô giá gần cả ngàn món, mà cả đời ông sưu tập được, cho thành phố với mong muốn những di vật này phải được trưng bày trong ngôi nhà cổ của ông và biến nó thành "Nhà lưu niệm Vương Hồng Sển" nhưng từ khi ông mất ngày 09/12/1996, thọ 94 tuổi, cho đến nay đã gần 20 năm, thành phố vẫn chưa giải quyết... Giờ đây, những cổ vật thì đã di dời về Bảo tàng Lịch sử Thành phố và bị mất mát, còn ngôi nhà được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuất cổ đã và đang xuống cấp một cách trầm trọng và hiện giờ lại là quán nhậu"....

Thay mặt gia đình của bác, tôi rất là cám ơn và thật cảm kích các đồng nghiệp đã góp sức nêu những bức xúc của gia đình bác tôi trong thời gian qua, mặc dù cho đến nay nguyện vọng của bác tôi vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng rất đáng tiếc, phóng sự: "Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển" của Trần Nguyễn Anh - báo Tiền Phong online (địa chỉ http://www.tienphong.vn/…/chuyen-o-nha-cu-vuong-hong-sen-54…) có nhắc đến con dâu Võ Thị Liên - vợ Vương Hồng Bảo con trai của bác tôi.

Công tâm mà nói, khi độc giả xem bài phóng sự nêu trên, ai cũng cho rằng Võ Thị Liên là “dâu thảo, mẹ hiền” đã bị gia đình bạc đãi, nhưng thực chất ngược lại, chính Liên là "dâu ác, mẹ hư" kẻ gây hại cho gia đình bác hai Sển và anh Bảo của tôi! Có ai đời chịu thấu con dâu, con vợ gì mà thường xuyên lên cơn, chửi mắng cả dòng họ bên chồng, la hét ôm xồm phiền hà cả làng cả xóm, mọi người xung quanh ở đây không ai mà không biết?... Hạng người như Võ Thị Liên xin lỗi chưa xứng là một công dân, làm sao có đủ tư cách phát ngôn về gia đình bác tôi, mà đã phát ngôn thì làm sao Ngọc Liên nói sự thật cái xấu, cái ác do mình gây nên?... (Liên đâu phải là dâu chính thức và bác tôi không thừa nhận).

Chuyện về gia đình của bác tôi, dòng họ tôi thật rối rắm, dài dòng, ly kỳ và rất là phức tạp… như đã đề cập ở phần trên, từ lúc bác tôi mất 1996 và cho đến nay đã có rất và rất nhiều bài báo về chuyện gia đình cụ Vương Hống Sển, tôi rất hiểu và rất quý trọng công sức của các đồng nghiệp khi viết về chuyện của gia đình bác tôi.

Nhưng phóng sự của Trần Nguyễn Anh trên báo Tiền Phong điện tử ngày 18/8/2011 vô hình trung đã gieo ác cảm vào đầu người đọc về gia đình của bác Sển và anh Bảo tôi (cả 2 người đều đã khuất), bởi một nhà báo bình thường khi viết về sự tranh chấp trong gia tộc là phải tìm hiểu thông tin, điều tra kỹ càng từ nhiều phía để bài viết mang tính khách quan, trung thực... nhưng đằng này chuyện của gia đình bác tôi không đơn giản, rất phức tạp, thế mà Trần Nguyễn Anh không điều tra kỹ càng, không nghiên cứu thông tin trên công luận, chỉ nghe thông tin một chiều từ "Võ Thị Liên" mà viết thì thật là quá hồ đồ! Trong khi đó, tòa soạn báo Tiền Phong không biên tập cắt bỏ những thông tin chủ quan của "Liên", một tờ báo lớn mà như thế thì quả là không ổn chút nào? (tôi không viết về chuyện gia đình bác tôi vì mình là người nhà, hơn nữa đã có nhiều đồng nghiệp lên tiếng rồi, còn riêng về phóng sự của Trần Nguyễn Anh tôi đã viết nhiều phản hồi gửi tòa soạn báo Tiền Phong nhưng chả thấy họ đếm xỉa gì đến)...

Thực tế trong xã hội, trên công luận có nhiều bài viết điều tra chống tiêu cực, tham nhũng... rất công phu, rất dũng cảm, nhà báo đã bất chấp hiểm nguy công khai đương đầu với kẻ quyền uy thế lực (có người đã đi tù), nhưng cũng không ít những bài viết về dân sinh, xã hội, kinh tế... quá là dễ dãi, cẩu thả, viết vội viết càng... đúng sai chẳng cần biết và chẳng ai làm được gì! (kinh nghiệm dân gian cho rằng ngu sao mà đi kiện nhà báo?).

Điều ngán ngẫm và thật tệ hại là trong giới truyền thông xuất hiện ngày càng nhiều những trang báo mạng đăng vô tội vạ bất thứ gì kỳ quặc lạ đời, lập dị dễ thu hút được đám đông, tò mò, hiếu kỳ... để mà "câu view", một mảng truyền thông "biến dị" đã và đang cổ xúy một thứ văn hóa rẻ tiền trong xã hội, xâm hại môi trường văn hóa. Nguy hại hơn không ít kẻ xấu lạm dụng và lợi dụng báo chí để thực hiện ý đồ xấu làm hại người khác v.v.... lắm kẻ được thời lợi thế nhưng cũng không ít người xất bất xang bang, thân bại danh liệt cũng vì báo chí.

Luật báo chí có thì có đấy, nhưng hành xử theo luật lại là chuyện khác, làm báo ở xứ ta nó thế đấy! Phải chăng, đây là một góc khuất, là một mảng tối của báo chí - một trong những mối hiểm họa tiềm ẩn trong cuộc sống?

Nhân ngày báo chí Việt Nam, một lần nữa tôi rất là cảm phục những nhà báo đầy tâm huyết đã bất chấp cả hiểm nguy, xả thân vì sự nghiệp báo chí. Xã hội luôn luôn trân trọng những nhà báo như thế, nhưng xã hội cũng quá là ngán ngẫm ê chề đối với những "kẻ viết báo, kẻ làm báo" thiếu cẩn trọng và hồ đồ!

Đã hơn 4 năm trôi qua, nỗi bức xúc về phóng sự "Chuyện ở nhà cụ Vương Hồng Sển" của Trần Nguyễn Anh - báo Tiền Phong vẫn không nguôi trong tôi và gia đình bác tôi! Ai đã từng là nạn nhân từ sản phẩm của "kẻ viết báo, kẻ làm báo" chắc sẽ thấu hiểu và đồng cảm?

Là nhà báo nhưng tôi rất ghét "kẻ viết báo, kẻ làm báo"!

V.Q.T

P/S:

- Bác hai Sển đứng giữa, bên trái bác ba trai và bác ba gái, bên phải là ba tôi - ảnh chụp 1989.

- Hình bác hai và bác gái (bà Năm Sa Đéc)

Tui mê gà...

 


Hồi nhỏ ở Sốc Trăng vào thập niên 60, tui còn nhớ lúc đó học lớp Nhất (bây giờ lớp 5) tui có nuôi con gà tre, lông cổ màu xám, cánh màu xanh sậm, đuôi dài cong vút màu xanh đen óng ánh xa cừ... cưng nó thiệt là cưng, hễ rảnh là ôm nó, vuốt ve nó, ngồi ngắm nó cả tiếng đồng hồ không biết chán là gì, thích nhất là khi nó ưởn cổ gáy ò ó o, gáy xong, vỗ cánh bành bạch trông thiệt “oai phong lẫm liệt” làm sao? Ôi, cưng lắm là cưng nó luôn!

Mỗi lần khi cáp độ với đứa khác, cho hai con gà đá với nhau, gà đứa nào thua bỏ chạy, đứa đó coi như bị cả đám xúm nhau chọc quê, mặt mày tiu nghỉu, yếu xiều trông thật thảm thương, còn đứa thắng thì thôi khỏi nói, nó vươn vươn tự đắc, kênh kiệu ra mặt thấy phát ghét luôn! Đúng là con nít thật!

Nhà phố ở đường Hai Bà Trưng, Sốc Trăng, nuôi gà chỉ nhốt trong bội tre, mỗi ngày phải mang gà ra ngoài kiếm chỗ đất trống, có cỏ thả gà cho nó tự đào bới đất ăn trùng, ăn cỏ cho có chất để gà khoẻ mạnh... coi bộ cũng kỳ công lắm chứ?

Tui mê và tập tành biết chút đỉnh về nuôi gà để đá như biết chuốt cựa, cắt mồng, cắt tích, vô nghệ, vỗ hen, biết coi vẩy chân gà, coi lông, coi mã... nói chung là học lóm mấy ông thầy gà ở trường gà ông Ba Khâm, hồi đó con nít như tui chỉ lẻn vô đây coi cọp đá gà nòi và nhìn trộm người ta thao tác săn sóc gà... và mới hiểu được vì sao người ta mê đá gà?

Nhân đây, tui xin chép một đoạn trong cuốn “Phong lưu cũ mới” của ông Vương Hồng Sển về trận đá gà có một không hai giữa chủ gà tên Xừ và chủ gà tên Ba Khâm ở Sốc Trăng:

***

Trong Nam, ở đâu tôi không rành, chứ ở miệt Sốc Trăng yêu quý của tôi, lối hai mươi ngoài năm trước, có ông Năm, không biết tên họ thiệt, nơi trại gà ông chủ On, là nghề riêng ăn đứt, đến đỗi người đồng thời tặng ông chơi là “Biển Thước tái sanh” trong món sửa gà, từ chết tại trường bắt ra cho nước trở vô gượng lại, trả thù chém chết gà kia rồi mới chết theo!

Thử nhắc lại một cuộc cho nước gà đặc biệt. Dân “Xoài cả nả” [ là tên xưa của làng Đại Tâm, tỉnh Ba Xuyên, khi trước rất được trọng dụng, ngày nay ít dùng và ít ai biết. Nguyên gốc mượn trong tiếng Miên “Xoai Chrum” ta Việt hóa trở nên “Tài Sum”, người Tàu lai Việt lại dịch nên “Xoài cả nả” lấy ý rằng buổi xưa là một rừng xoài, người nào đến đó, khi trở về nhà đều mang về môt giỏ xách (nả) xoài cho con cháu thưởng thức. Phong tục cổ thời, người đi đường đều mang theo cái nả đương bằng tre, để đựng thập vật, từ áo quần, trầu thuốc, đến thức ăn... Từ danh từ “Xoai Chrum” sau dịch thành “Tài Sum”. Gần đây, làng “Tài Sum” sáp nhập với làng “ Trà Tâm” kế cận, biến nên làng “Đại Tâm”, vì chữ “Tài” sau đổi thành chữ “Đại” và “Trà Tâm” sót lại chữ “Tâm”. Ngày nay trong làng còn nhiều con cháu người Minh Hương, cha Tàu mẹ Miên (tiếng lóng chê và khinh rẻ, gọi là “Đầu gà đít vịt” nhưng tiếng thông thường gọi là “con cháu khách” và nhờ vậy, và còn người hiểu gốc tích hai chữ “Đại Tâm”] có tiếng là cho nước gà thiện nghệ (họ nuôi rẻ rề là “làm nước giỏi”).

Có một độ gà năm trước, nay còn được nhắc nhở: Hai chủ gà, một người tên Xừ, một người tên Ba Khâm.

Nửa độ, gà Xừ đâm gà Ba Khâm đui mắt cả hai con. Nhưng gà Ba Khâm vẫn còn sức và đâm lại gà Xừ rớt mỏ và lủng lườn rất nặng. Lấy theo con mắt nhà nghề mà xét đoán thì hai con gà đều bị thương rất nặng:

1). Gà Ba Khâm không còn thấy đường, nhưng sức mạnh có dư; nhưng không thấy đường rồi biết làm sao đá độ?

2). Gà Xừ bị đâm toét hàm hạ, mỏ rơi lòng thòng, dáng bộ đau đớn lắm nhưng vì can đảm nên gà như không đau, duy vì mũi cựa đâm nơi lườn diều nước chảy ướt lông, rơi có giọt, hai vết thương đều nguy hiểm và trăm người như một đều chấm gà Ba Khâm sẽ thắng và lo sợ giùm cho gà Xừ. Nhưng theo phép đá thuở nay, hễ “sa lông hở mỏ” thì có lời giao khi bắt ra cho nước rồi đem trở vô cho đá lại, thì được phép “ráp hai gà, ngực kề ngực, đầu kê đầu” cho nó biết mà tái chiến. Nhược bằng có con nào không đá nữa thì cũng cứ để vậy chờ gà kia dứt độ được thì đằng này chịu thua. Kể ra lời giao ước đều có lợi cho đôi bên, vì gà Ba Khâm đui mắt, cần đụng gà địch mới biết mổ cắn được và đá được... Ngoài giới hàng xáo, bọn theo Xừ, kể chắc thua trong tay... bọn đá theo gà Ba Khâm, hy vọng còn nhiều, vì còn sức... May cho gà Xừ là lon nước đá độ vừa hết, đồng xu nhang rớt xuống chậu, hai đằng được phép bắt gà ra o bế lại:

- Gà Ba Khâm, sửa rồi, cũng như chưa sửa, vì hai mắt lủng tròng, tài nào thay tròng khác được? Mạnh trong lông, trong cánh, trong đùi, trong cựa, trong lúc này trở nên vô dụng.

- Trong lúc ấy, nhờ khéo tay cho nước, biết may vá “tài tình” nên diều thôi chảy nước, gà khỏe nhiều và nhờ chằm khíu phải cách nên mỏ dính lại, gà Xừ tỉnh lại coi như hơn khi sửa. Lúc thả quần, gà Xừ biết kêu con “Túc! Túc!”, mọi người đều rộ lên phóng bắt, trường gà náo nhiệt bội phần.

Độ gà tiếp tục: hai con vừa kề sát nhau, gà Xừ thân biết mỏ đau không dùng được, nên trổ miếng tài, nhảy đá chỉ một đồn xạ, hai cựa đâm lút cần cổ con gà không thấy đường của Ba Khâm, khiến gà đui nằm cho một đống. Gà Xừ cứu chủ: độ này Xừ ăn đứt hai ngàn đồng bạc (2.000$) là Bà Cậu độ mạng, ăn may vậy!!

Chung tiền rồi, quét dọn trường bày độ khác.

Về nhà không ngớt bàn tán. Các sư kê xúm nhau nghị luận không thôi: rõ ràng gà Ba Khâm “chưn xanh, mắt ếch” nên đá chết không chạy... và gà Xừ thì có vảy may ủng hộ, nên bất ngờ tự giải nguy lúc giờ chót! Độ gà này làm cho người dị đoan càng dị đoan thêm và không ai nhắc thử tài cho nước của em tôi là Trầm Tư (gọi là Xừ) đã cho tôi tài liệu cũ kỹ này. (hết trích)

Trích “Phong lưu cũ mới” của Vương Hồng Sển 1961

****

Không thú chơi nào sung sướng và “thể thao” bằng tự mình săn sóc con gà nòi: ôm nó trum trủm vào lòng, khi cho ăn, khi cho tắm, khi làm cựa, khi bồng nước...

- Người trong cuộc gọi “đó là thú phong lưu”

- Khách ngoài vòng sẽ cười: “Nhà ngươi bị con gà hành tội”.

Rất may mắn, tui cảm nhận được cái thú phong lưu đó, chỉ khác chút xíu là bác tui nói con gà nòi dòng võ sĩ, còn tui chỉ là gà tre dòng gà rừng nhỏ con, khi gọi là “gà ri”, “gà che” lâu ngày biến thành “gà tre” tưởng nó ở bụi tre, kỳ thật là “gà che” do chữ Miên “Monn che” (gà rừng xứ Thổ).

Ngày nay, đá gà bị cấm nhưng thuật lại chuyện cũ, thói cũ để đánh dấu một thời xưa, tưởng cũng nên.

Cấm đá gà chớ đâu có cấm nói và nhắc chuyện đá gà!

V.Q.T

Phải thử cho biết...

 



Chủ nhật rồi được mấy bạn thâm giao rủ rê ra quán nhậu món hàu sống chấm mù tạt pha với xì dầu... thú thiệt tui không thích ăn món này nhưng bạn rủ là đi thôi!

Vô mâm nhậu, bạn nào bạn nấy vừa ăn vừa suýt xoa khen đáo để món hàu, không thích nhưng nhìn điệu bộ, cách ăn của mấy bạn tui cảm nhận ngon!

Không phải khi không vô cớ, tụi bạn khen như vậy, bởi từ thời xa xưa, xa lơ xa lắc khoảng 2.000 năm trước gì gì đó... lịch sử cho thấy người La Mã đã thưởng thức món hải sản ngon và bổ dưỡng. Khi y học nghiên cứu cho thấy thịt hàu chứa một lượng lớn protein, carbohydrates, vitamin A, D, B1 và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: kẽm, magiê, canxi, sắt, kali, magan, natri, iốt, phốt-pho… giúp tăng cường sức khoẻ quý ông trở thành “mãnh hổ” nơi phòng the. Bởi vậy mà vua chúa thời xưa cũng chẳng thiếu được loại thực phẩm bổ thận – tráng dương – tăng cường sinh lực này. Có thể ví hàu là thực phẩm ”vàng” giúp đời sống vợ chồng thuận hòa được cả dân gian và khoa học hiện đại công nhận đó chính là hàu, nhưng cũng có người hay gọi là hào với ý nghĩa hào hùng thật không ngoa chút nào!

- À thì ra là vậy! Mình thì không ăn được hàu thì thiệt thòi phải đành chịu thôi! Nhưng...

Bạn mình hiểu ý, mách nhỏ, không ăn được thì uống!

- Vậy sao?

Bạn nói đâu phải lúc nào cũng có hàu để ăn hoài, đôi lúc tao phải cần thứ này hỗ trợ, bạn ấy khoe tao uống cái thuốc này nè:

- Adam! Đàn ông đích thực! Đàn ông đỉnh thực nghen!

- Thôi đi cha nội, tao đâu có nhu cầu như mầy mà chỉ giáo?

- Tao chưa nói hết, các dưỡng chất trong hàu cũng giúp phụ nữ tiền mãn kinh, giúp trị rối loạn bốc hỏa khi thay đổi nội tiết tố, chữa thiếu máu sau khi sinh... Nói chung là tăng cường sức khoẻ cho người dùng cả nam lẫn nữ. Mà lúc này mày có sức khoẻ thì con virus covid khó quật ngã mày nghe mậy!

- Phải không?

- Chưa thử chưa biết? Tao thì thử rồi, thấy ý ý được được... mới mách cho mày nghe mậy!....

Tui có thói quen, nhậu ăn rất ít, lại không hảo với mấy món hải sản, lại càng không ưa món hàu vắt chanh và mù tạt, trong khi đó bạn bè ai cũng khoái món này, nên tui mới bị tụi bạn chọc ghẹo: “cái thằng ăn như mèo hửi”, có đứa còn nói: “cái vụ kia chắc nó cũng vậy mày ơi?”, rồi xúm nhau cười.

Cũng may bữa nhậu ngoài món hàu, bạn còn đãi thêm món heo sữa quay và gà khìa, uống rượu Chivat 21... trở thành bữa tiệc linh đình khó quên.

Làm sao quên được, “có sức khoẻ thì con virus covid khó quật ngã” - bạn nói đúng, tui tâm đắc điều này!

Phải thử cho biết!...

V.Q.T

Tóc tiên




... có tên khoa học là Zephyranthes carinata Herb thuộc họ Thủy tiên – Amaryllidaceae.

tóc tiên có thể mọc và phát triển dễ dàng, ở đâu có đất, nắng và mưa thì bỗng nhiên sẽ thấy tóc tiên nẩy chồi và có chỗ dựa thì sợi tóc tiên sẽ leo bám phủ quanh cây chủ tạo nét uyển chuyển mảnh mai, trang nhã, thanh tú thật là dễ thương.

tóc tiên hấp thụ các chất khí có hại trong môi trường như aldehyde formic sẽ làm sạch không khí, vậy thì thiệt là hợp gu với ta quá đi thôi, thiệt khéo nịnh quá nha...

tóc tiên ơi, em cứ mặc nhiên quấn quít bên ta, nở hoa cho đời thêm hương sắc và sạch đẹp môi trường.

V.Q.T 

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Thử thách...


 Sáng nay chở nhà tôi đi siêu thị Emart, ngồi ké ở ghế ngoài hiên của quán chờ, ở đó có 2 tài xế Mai Linh ngồi ngáp gió tán gẫu với nhau than thở:

- Chạy 4 ngày chưa được 2 triệu...

- Còn đỡ hơn tao, chạy 4 ngày chưa được 1 triệu đây nè.

- Ế kiểu này, lỗ chổng gọng, sáng đổ xăng chưa đầy bình đã mất hơn 600 ngàn, hồi nào giờ tao có chạy ở sân bay đâu, hôm qua chui vô đó từ lúc 1 giờ nằm chờ tới hơn 5 giờ chiều mới được một cuốc vớt vác...

- ĐM. con covid hổng biết chừng nào hết, mùa này mà vẫn ế chổng gọng, mùa trước còn đỡ, mùa này coi như trớt quớt chắc...

- Đành chịu thôi, ế vẫn phải ráng chạy kiếm cháo nhưng sợ thấy mẹ luôn, tao có 3 thằng quen chạy xe như tụi mình dù chích đủ 2 mũi nhưng đã chết vì covid đợt này.

Câu chuyện của 2 tài xế tắt ngang vì có khách gọi, tới phiên tài của một người, anh ta mừng húm ra mặt, chạy lẹ ra đón khách.

Tui cũng mừng húm như anh ta, vì hôm nay không đợi lâu...

***

Mùa dịch covid đã gây nhiều nỗi đau mất mát cho nhiều gia đình, người đã khuất hết đau đớn nhưng để lại nỗi đau thương, nỗi lo cho người lành mạnh nhiều thử thách khắc nghiệt sao cho cùng sống chung với con covid mà vẫn khoẻ mạnh, an bình và phát triển...

V.Q.T

P/S: TÌNH THƯƠNG XUYÊN RÀO CHẮN. Tranh của hoạ sĩ Úc Glen Le Lievre.

Lo...

 


Cả tháng nay rất ít khi nghe tiếng còi hú của xe cứu thương, giờ thì tiếng hú đó lại liên tục hú inh ỏi nghe mà nao lòng...

Bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn đã chật ních bệnh nhân điều trị covid... nhiều người dù đã chích đủ 2 mũi vaccine vẫn dính covid như chơi, đừng ỷ y...

58/63 tỉnh thành đã có dịch và số ca nhiễm cộng đồng đang tăng!

V.Q.T

P/S: Tường niệm nạn nhân tử vong vì covid - copy trên mạng

22/11

 





khế nhà
hoa tím nhỏ li ti
núp sau tán lá
khế vàng chín mọng
cây nhà lá vườn
ai cần cứ hái
trái rụng đầy sân
khế ngọt vị thanh
nắng hè hanh nóng
ăn khế đã thèm quá tay...

V.Q.T

19/11: Tưởng niệm nạn nhân tử vong vì covid...

 


Hổm rày, Sài Gòn số ca nhiễm covid coi mòi tăng và đáng chú ý đã có 17 người mặc dù chích 2 mũi vaccine vẫn bị nhiễm bệnh chết vì covid... Tuy không phải là bất ngờ vì các nhà khoa học cũng tiên lượng trước điều này, nhưng...

Ở sát bên nhà tui, mấy ngày nay, sáng nào tui cũng đều nghe ở hàng bún riêu, cơm tấm... mấy ông bà ăn xong vẫn ngồi lê đôi mách bàn tán khá là rôm rả về chuyện này!

- Hổng biết đâu mà lần, chích hay không chích cũng dính “cô vi” và cũng chết như thường thôi mấy bà ơi!

- Hên xuôi thôi, trời kêu nấy dạ! Số chết là chết, sống là sống!

- Ha ha... ai nói gì thì nói mặc kệ, mở mắt ra là lúc nào tui cũng trùm khẩu trang miết và giữ đúng 5K coi như chắc cú, vững như bàn thạch, chẳng sợ mẹ gì cả!...

Mấy ông bà này tám với nhau như vậy là có lý do lý trấu hẳn hoi chứ đâu phải nói khơi khơi, bởi thực tế tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, người ta hoang mang lo sợ đủ thứ, không chỉ sợ bị lây nhiễm, sợ sẽ bị chọc ngoáy nữa, sợ sẽ bị cách ly, sẽ bị giam hãm bởi hàng rào dây kẽm gai... nỗi ám ảnh đó vẫn chưa nguôi, mường tượng lại ai mà không sợ chứ?

Sài Gòn mới mở cửa hoạt động trở lại chưa được hồi phục, giờ thì số người bị dính cúm tàu rục rịch tăng khiến nhiều người không thể không lo, lạng quạng sẽ tái lập lại phong tỏa? Mặc dù, Phó thủ tướng Đam đã tuyên bố sẽ không cách ly như cũ, nhưng thực tế có địa phương vẫn tiếp tục phong tỏa giãn cách xã hội? Sài gòn có thể sẽ tái diễn tuồng cũ lắm chứ?

Theo như dự báo thì đợt dịch bệnh covid lần này có thể bộc phát bất cứ lúc nào, để ứng phó khi tình hình xấu diễn ra, trong lúc này, theo khuyến cáo của các chuyên gia, các nhà khoa học, mọi người cần giữ sự bình tâm, nhớ kỷ và hiểu đúng:

Đã chích đủ 2 liều vaccine vẫn có thể bị nhiễm và... cũng có thể tử vong!

Đã chấp nhận sống chung với dịch covid thì mọi người phải kiên định tự phòng cẩn trọng, không thể chủ quan, lơ là!

Đã nhận rõ virus covid là kẻ ẩn mình đầy hiểm họa gây cho ta nhiều mất mát, tuy nó có thể huỷ diệt con người nhưng nó cũng làm con người trở nên mạnh mẽ hơn. Lịch sử cũng đã minh chứng không có đại dịch nào có thể khuất phục được loài người!

Thế thì....

...”dù ai nói ngã nói nghiêng                 
đã tiêm hai mũi vẫn chưa yên mình
dù cho ai nói lòng vòng
sống chung covid thuộc lòng 5k
mọi chuyện rồi sẽ đi qua
bình yên trở lại cuộc đời bình an”...

V.Q.T

***

Vào lúc 20g ngày 19/11, lễ tưởng niệm cấp quốc gia cho những người đã mất vì đợt dịch covid vừa qua tại Sài Gòn.

Địa điểm tại Hội trường Thống nhất số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 1 và Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện. Chương trình được truyền hình trực tiếp.

Xin thắp nén hương cho hơn 23.000 người đã tử vong vì đợt dịch covid vừa qua trong đó có hơn 17.000 người ở Sài Gòn.

Muốn được"...

 


Ăn được, ngủ được là tiên... câu nói đầu môi chót lưỡi của mọi người thường ví như thế! Hổng biết tiên trên trời sướng cỡ nào mà người trần tục luôn ước ao được sướng như tiên?

Ối, vậy thì có khó khăn gì đâu? Chỉ cần ăn được ngủ được là thành tiên rồi!

Chưa chắc đâu à nghen? “Được” ở đây lả phải ăn “được” thiệt ngon, ngủ “được” thiệt say... đâu phải ai cũng có được?

Ờ hén! Tưởng dễ ợt mà té ra không dễ chút nào?

Rề rà như vậy là để dẫn đến chuyện ăn ngủ của người cao tuổi cỡ tui, nhiều người chỉ thầm mong ăn cho có, ngủ cũng cho có là mừng húm rồi! Nhưng tui khác người ta, vẫn ăn tốt, ngủ tốt... và nhiều thứ tốt nữa, nói chung là tốt tất, được tất!

Hồi nào giờ tui mấy khi dùng thuốc men, nhất là mấy loại thuốc bổ, nhưng lần này thú thiệt với mọi người, ở tuổi này, tui ăn được, ngủ được là từ lúc sử dụng đông trùng hạ thảo của hiệu “Cordycep like new” do bạn già tặng (hình) và giới thiệu xài thử vì bạn thấy nó hiệu quả và quá OK! Sau lần bạn tặng, mình xài thử và phải công nhận hiệu nghiệm, thế là tui tìm mua nó dùng tiếp... ai muốn “được” vậy thì cứ thử đi?

Các tài liệu cổ ghi chép rằng, sự hình thành của đông trùng hạ thảo là một trong những điều kỳ diệu nhất của thiên nhiên. Thông thường, ấu trùng sâu non khi lớn lên sẽ phát triển thành bướm. Tuy nhiên một số ấu trùng sâu non trong quá trình ngủ đông ở trong lòng đất đã bị nhiễm nấm Cordyceps Sinensis. Nấm sống ký sinh ở ấu trùng, phát triển các sợi hút dưỡng chất bên trong. Theo thời gian, sợi nấm phát triển mạnh sẽ xâm chiếm vật chủ, làm sâu non chết dần. Sự tồn tại theo hình thức này được gọi là “đông trùng”.

Người ta phát hiện ra nó tại những vùng núi cao trên 3.000m tại Tây Tạng, những nơi có điều kiện tự nhiên, thời tiết khắc nghiệt, khiến nó trở nên dược liệu quý và được nhiều người săn lùng, khai thác sử dụng, vì thế ngoài tên khoc học Cordyceps sinensis, nó còn được dân gian gọi là trùng thảo, nấm trùng thảo, hạ thảo đông trùng….

Nhờ đặc tính như vậy, nên đông trùng hạ thảo được xem như “thần dược” vì có nhiều công dụng cho sức khoẻ và chữa nhiều bệnh, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, vì vậy vị thuốc này thường được sử dụng cho những người đang bị ốm, vừa trải qua phẫu thuật, điều trị sau khi bị nhiễm covid...

Có lẽ kể chuyện muốn “được”... và cái gì cũng được... có hơi dài dòng cũng là vì sức khỏe là một thứ gì vô giá, có tiền chưa chắc mua được, cho nên có sức khỏe “để ăn, để ngủ” tuy chẳng phải là được như tiên ở trên trời, thì cũng được là sướng như tiên ở trần gian rồi còn gì?

Đó là phương châm của người biết yêu người, yêu đời để sống vui khoẻ!

V.Q.T