Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Cái tình của người Sài Gòn là vậy!...

 


Tôi còn nhớ như in, hồi cái thời bao cấp (năm 1981) lúc ấy tôi là phóng viên của Đài Tiếng Nói Nhân Dân TP.HCM giờ gọi là VOH. Mới vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học Sài Gòn (Đại học Tổng hợp) 1980, được phân công về Đài, lương tốt nghiệp đại học là 60 đồng/tháng, nhưng thời đó phải mất 2 năm tập sự với mức lương là 52 đồng/tháng.

 Cái thời đó, phải nói là con người ta bần hèn lắm, dường như cho gì ăn nấy, có gì mặc nấy… Tôi còn nhớ, những câu vè thời đó nói lên giá trị của những mặt hàng trong thời bao cấp:

 “Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có “đếch”
Vải sợi chưa về
Săm lốp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu”…

 Tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày… Lương hàng tháng của công chức nhà nước chỉ nhận được một phần tiền rất nhỏ, còn lại quy vào hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem phiếu và sổ gạo.

 Hàng hóa thời đó vừa hiếm vừa thiếu, mà chất lượng thì quá là “cùi bắp”, đã vậy nhà nước còn cấm không được mua bán tự do trên thị trường như bây giờ, không được phép vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác.

 Bởi vậy, khi làm phóng viên của Ban Nông thôn ở đài được phân công phụ trách địa bàn nông thôn, với chiếc xe đạp mini cà tịch cà tang, tiền bạc thiếu trước hụt sau, vỏ xe cũ rích mòn lẳng chưa có tiền thay, hôm đó trong túi không còn đồng bạc, lại được phân công đi Hốc Môn.

 Lẽ ra, phải ứng tiền công tác phí, hoặc mượn đồng nghiệp vài đồng dằn túi, tôi lại ỷ y, xách chiếc xe đạp đạp tới xã Tân Thới Nhất, huyện Hốc Môn để săn tin. Lúc về, trời nắng chang chang, vừa đói vừa khát, về tới Gò Vấp xe cán đinh, bánh xẹp lép… trong túi không đồng xu ten, thế là tôi đánh liều tấp vào chỗ vá xe bên đường để vá, trong lúc ông thợ đang lui cui nại vỏ lấy ruột xe vá, tôi rút trong túi lấy gói thuốc Đà Lạt còn mấy điếu, vừa hút vừa nghĩ cách ăn nói sao với ông thợ sửa xe đây?

 Sau khi vá xong, tôi hỏi bao nhiêu vậy ông:

 - 50 xu

 Lúc này tôi mới thú thiệt;

 - Ông ơi, tôi không có tiền, cho thiếu được không?

 Ông sửa xe, nhìn tôi cười tươi nói:

 - Ôi, không sao, cậu đưa tôi điếu thuốc Đà Lạt là xong…

 Đã 35 năm rồi, khi kể lại câu chuyện này, tôi vẫn không bao giờ quên nụ cười hóm hỉnh đầy tình cảm của ông sửa xe năm ấy….

 Cái tình của người Sài Gòn là vậy đó.

 V.Q.T

Bói trúng phóc...

 


Tôi nhớ hồi nhỏ lúc đó đang học tiểu học, vậy mà hễ trời mưa, cả bọn hè nhau ra đường tắm ở truồng chạy long nhong chẳng biết mắc cỡ… Một hôm, bà chị họ rất thích xem bói nhưng chỉ ngại đi một mình nên dẫn tôi đi theo. Tôi thì biết ất giáp gì, chỉ dẫn đi thì đi. Nghe đồn bà thầy bói này bói hay lắm, bói đâu trúng đó, thiên hạ nườm nượp đi coi bói và phải xếp hàng chờ đến lượt.

 Bữa đó, tôi được ngồi bên bà chị để nghe bà thầy bói, bả bói thánh bói tướng cho bà chị một hồi, nhưng tôi chỉ nhớ một câu: “thân chủ có cái duyên số sướng sẽ lấy chồng giàu”… Xong xuôi, tự nhiên bả quay sang nhìn tôi phán một câu: “còn cái thằng nhỏ này có mạng làm quan, tương lai nó sẽ nắm giữ cả trăm sinh mạng lận!”…. Khiến bà chị cười nói: “dữ nghen, làm quan nhớ chị nhé!”. Tôi nghĩ bụng “hơi đâu mà tin bà, bà biết trước tương lai, sao giờ bà vẫn còn lận đận ngồi coi bói cho thiên hạ để mưu sinh?”….

 Bà chị họ của tôi bây giờ bôn ba nơi xứ người, sau khi lận đận chuyện chồng con, qua mấy đời chồng… Giờ chỉ cũng hạnh phúc bên ông chồng già mũi lõ… Đúng, bà thầy phán đâu có sai, cuối đời chỉ cũng sướng rồi.

 Còn tôi suốt mấy chục năm làm báo, bị đì, bị đuổi… chạy hết báo này đến báo nọ, số lận đận, tới ngày nghỉ hưu vẫn chỉ là thằng phóng viên, biên tập viên quèn thôi?

 Nhưng… mấy ngày qua, trời mưa, thức ăn cho cá hết tôi chưa kjp mua, mấy trăm con cá bảy màu nhịn đói cả ngày, thấy tội nghiệp, sáng nay mới đi mua về cho chúng ăn, khi thấy bóng dáng tôi đứng bên cạnh hồ, bầy cá tung tăng trồi lên mặt nước chờ tui thả mồi thấy thương ghê vậy… Giờ… tôi mới chợt nhớ, nghĩ mà thầm cười: “Á, cái bà thầy bói phán trúng phóc, hiện giờ tôi nắm trong tay cả mấy trăm sinh mạng… vài tháng sau sinh sôi lên cả ngàn con, số mình làm quan cá… oai lắm chứ bộ… hahahahah!"

 V.Q.T

Cẩm nang "thú đánh địch"...



Bây giờ ngồi nghiệm lại mới thấy đúng! Sau cái đợt khổ cực 3 tháng trời học khóa sĩ quan dự bị (1980), lăn lê bò toài thao tập quân sự, ăn uống thiếu thốn, khổ cực... tôi thấm thía 7 điều phải nhớ nằm lòng:

 Một là nơi rừng thiêng nước độc, ăn uống đương nhiên rất là khổ cực, nên phải biết “ăn cực”.

 Hai là chẳng những ăn cực mà còn phải biết nhịn đói vì thường xuyên thiếu thốn, nên phải biết “đói dẻo”.

 Ba là nơi tiền tuyến, luôn phải biết phòng xa, tích cốc phòng cơ, vì thế khi nấu ăn luôn nhớ phải tiết kiệm, nấu lưng lưng thôi, gọi tắt là “nấu lưng”.

 Bốn là để bảo vệ sức khỏe, thân thể, thấy núi đá, hạn chế leo trèo, hoặc cấm leo để tránh té ngã nguy hiểm cho bản thân, nên thấy “đá cấm leo”.

 Năm là hành quân xa, địa thế hiểm trở, chỉ ngủ võng thôi, nên ngủ phải luôn trong tư thế “ngủ co”, hay “ngủ cong”.

 Sáu là nên nhớ muốn đánh thắng kẻ địch, không phải chỉ dựa vào sức mạnh mà phải biết dùng mưu mẹo, nên lúc nào cũng phải nhớ “đánh mẹo”.

 Bảy là không phải chỉ biết đánh, mà phải nâng tầm đánh địch lên mức cao thành cái thú, nên phải biết thích “thú đánh địch”…

 Không biết còn điều nào nữa không, xin các bạn chỉ giáo thêm…

 V.Q.T


Chuyện có thật...

 

 Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD.

 Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.

 Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus.

 Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus.

 https://tuoitre.vn/ong-pham-phu-quoc-toi-co-quoc-tich-cypru…

V.Q.T

Tôi không quên...

 


Thời đi học, nhiều đêm thức rất khuya, học bài, bỗng dưng nghe tiếng rao: "Ai ăn bánh mì nóng hổi giòn đây...". Trời đã khuya lắm rồi, không biết còn ai ra ngoài đường nữa mà mua bánh mì? Tiếng rao nghe như lời năn nỉ ai đó hãy mua dùm tôi ổ bánh mì. Tôi đã cảm nhận được lời mời gọi thiết tha đó văng vẳng trong đêm khuya lạnh mà lòng cảm thấy xót xa...

 Chính những người bán hàng rong đó đã một đời rong ruổi kiếp mưu sinh.... đã nuôi biết bao đứa trẻ lớn lên, được ăn học nên người từ sự lam lũ ấy..

 Tôi vẫn không quên...

 V.Q.T