Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2018

Tại “sống không nhờ lương”…




Sáng 13/5, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lương thấp là một trong những nguyên nhân của tệ nạn tham nhũng. Đó là đề tài của nhóm thông tấn vỉa hè trong buổi cà phê sáng này.

– Ôi mấy cha nội quan chức tham nhũng đã và đang bị lôi cổ ra trước pháp đình… có thằng cha nào lương thấp đâu? Cha nào cha nấy có biệt phủ to chà bá lửa, trị giá cả trăm tỉ, nghìn tỉ…

– Thì vậy mới nói, con người ta “lòng tham không đáy”, bao nhiêu cho đủ, bao nhiêu cho vừa?

– Dân tình chỉ cần luật pháp nghiêm minh, không có vùng cấm. Ai tham nhũng thì xử ngay, thì nạn tham nhũng dễ gì mà lộng hành như hiện nay?

– Đất nước mình ngộ quá, có một không hai trên cõi đời này, đúng là vô địch thiên hạ? Bởi tên lửa phóng nhanh, vậy mà giá cả của xứ ta tăng nhanh hơn tên lửa. Thiên hạ hay chê đồ cái thứ chậm như rùa bò thế mà lương tăng còn chậm hơn rùa bò…

– Bởi vậy tui ngẫm nghĩ mà mắc cười, cái thứ mình cần nó lên lại không chịu lên, còn mấy cái thứ mình cần nó xuống nó lại lên vùn vụt…

– Hà hà… Ai nói gì thì nói nghe, ai cười thây kệ nghe… tui thiệt tình chân chất “sống nhờ lương, sống vì lương, sống do lương, sống bằng lương, sống đủ lương, sống có lương, sống từ lương, sống vào lương, sống ở lương, sống trong lương…” vậy mà cảm thấy sương sướng… (hiểu theo kiểu nói lái nghen). Còn mấy cha quan chức “sống không lương, sống không nhờ lương” chắc mấy chả không biết sướng là gì nên mới tham nhũng!?

– Đồ quỷ sứ, ăn nói tào lao, trúng tùm lum tùm la…

8 SÀI GÒN

Phải chăng?...




Người Việt mình nào giờ đâu đến mức tệ hại đến vậy… Nhìn đi ngẫm lại, xã hội bây giờ nó xuống cấp nghiêm trọng… ở mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục, thể thao, kinh tế, vệ sinh môi trường, giao thông, ẩm thực… v.v…  Điển hình nhất phải nói là mới đây có “Một kẻ ấu dâm với học trò lại làm hiệu trưởng, lại dám đường đường chính chính vác mặt lên phát biểu trong một hội thảo Chương trình tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em năm 2018 do Công an Phú Thọ tổ chức. Trơ trẽn và giả dối đến thế là cùng.”

Bởi vậy, 8 Sài Gòn tui ngồi điểm lại qua góc nhìn của một số facebooker thì người Việt bây giờ quanh đi quẩn lại có thói như thế này:

– Ra ngoài đường bụi bặm ô nhiễm, thiên hạ đeo khẩu trang…
– Để né ăn phải thực phẩm, rau quả độc hại nhiễm hoá chất thiên hạ tự trồng lấy để ăn…
– Xã hội trộm cướp giết người loạn lạc, thiên hạ mặc kệ coi như họa ai người đấy chịu…
– Tai nạn giao thông là vấn nạn đe dọa cuộc sống, thiên hạ cầu trời khẩn Phật và mong mình sẽ không là nạn nhân kế tiếp…
– Khi mình bị tai nạn hay mắc phải bịnh tật, thiên hạ thường đổ thừa tại gặp phải xui xẻo…
– Khi biết thủ phạm gây ra thảm họa nghèo đói, bất công cho chính họ: Họ cúi đầu im lặng…
– Khi tham nhũng thành quốc nạn, người ta bảo đừng ném chuột kẻo vỡ bình.
– Khi ngân sách cạn kiệt, nợ công tăng cao, ở VN người ta coi đấy là trách nhiệm toàn dân.
– Khi để tham nhũng tràn lan, kinh tế kiệt quệ, ở VN người ta bảo Đảng phân công thì tôi làm, tôi không xin xỏ ai.
– Khi ngoại bang xâm lược bờ cõi, ở VN người ta gọi đấy là anh em.
– Khi người ta biểu tình chống ngoại xâm, ở VN người ta bảo đấy là phản động.
– Nhân quyền là do tạo hóa ban cho và bất khả xâm phạm, ở VN người ta bảo đấy là do Đảng ban cho và tao thích xâm phạm lúc nào thì xâm phạm.

Phải chăng, trong cách suy nghĩ của người Việt mình quá thụ động? Họ hành động theo phản xạ bản năng tự nhiên mà không hề muốn tìm hiểu những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Họ không muốn đứng lên đấu tranh cho tương lai họ và gia đình mà thay vào đó họ chỉ nghĩ ra cách đối phó tạm thời. Nhưng họ lại tỏ ra hiền lành, chung thành với thằng “đầy tớ” vốn tàn ác và biến họ như những con vật rồi có thể cướp đi sinh mạng, ruộng vườn nhà cửa họ bất cứ lúc nào…

Phải chăng, chế độ nầy đã:

– Biến người Việt thành những con người không còn tử tế, không còn liêm sỉ, càng lúc càng tham lam, tàn bạo, thủ đoạn;

– Biến xã hội Việt thành xã hội suy đồi và giả dối đến mức chưa từng có từ trước tới nay trong văn hoá Việt;
– Biến nước Việt thành một nơi chất độc huỷ hoại không những đến thứ để ăn, để uống, để hít thở mà còn huỷ hoại đến tận ý chí, tinh thần và đạo làm người; một nơi không còn một chút nội lực, một nơi con người thờ ơ với hiểm hoạ diệt vong ngay trước mắt…

8 SÀI GÒN

Tội nghiệp...




Thắng một trận bóng đá một rừng người xuống đường. Cả rừng hô “xung phong” thế là họ quên mình tiến lên như tên lửa.

Con số thống kê (thực tế chắc hơn nhiều) tối 15/12/2018, thiên hạ tham gia bão cổ vũ bóng đá đã có 28 người chết, 195 người bị thương… Trong cuộc xả thân tập thể này có 28 người đã “anh dũng hy sinh” so cho “chiến thắng vĩ đại nhất thế gian” của một đất nước “anh hùng”.

Phải chăng, vì quá khao khát chiến thắng, quá khát khao vô địch… và trong cơn hôn mê ấy, họ thấy chỉ cần vài bàn thắng Việt Nam đã đặt cả thế giới dưới chân mình. Họ thầm nghĩ “chết cũng đáng” vì chiến thắng quá vĩ đại.

Chuyện ở xứ ta làm được thì ở xứ khác chẳng ai dám làm. Trận chung kết, không biết bao nhiêu “anh hùng” sẵn sàng hy sinh đây? Chắc nhiều lắm. Tự hào lắm Việt Nam ơi!

Việt Nam vô địch thì mừng lắm… nhưng không hiểu sao thiên hạ ăn mừng vô độ đến mức coi rẻ tánh mạng của mình và cả người khác? Niềm vui và tận hưởng nó là cần thiết… nhưng đừng trở thành những kẻ chỉ sống để thoả mãn các lạc thú của bản thân như một con lợn. Thật tội nghiệp cho dân Việt mình làm sao!?

8 SÀI GÒN

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Bộ "bốn lần"...



Sáng nay nhóm cà phê thông tấn vỉa hè rần rần cái vụ sinh viên sư phạm bán dâm “bốn lần” sẽ bị đuổi học…

– Mấy cha nội ở Bộ GD&ĐT định quản lý bướm nữ sinh viên sư phạm, nhưng bị dư luận và công luận chửi quá, bèn xin xí khoan!
– Tui đề nghị mấy cha ở bộ này đổi tên bộ dâm dục và đào tạo đúng hơn!…
– Tui thấy gọi là bộ giáo lộn vì đá lộn sân rồi…
– Tui nói gọn gọi là bộ bốn lần…
– Tui thì cho rằng có khi đây là cái chiêu để dụ dư luận, cộng đồng mạng bám vào đây mà quên những sự kiện nóng khác…
Gần như không ai không bàn tán về cái vụ này… đến trưa trời trưa trật rồi vẫn còn ngồi lê đôi mách… đến lúc có một bà xã của một người trong nhóm ra tận nơi réo:
– Ông quỡn quá… về ăn cơm mau!
– Tui quỡn nhưng chưa quẫn như mấy cha nội ở cái bộ quẫn lộn dâm… bộ bốn lần!

8 SÀI GÒN

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Sau 57 năm gặp lại bạn…



CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ…


Hôm nay là ngày đầu tiên tôi gặp lại nhóm những thằng bạn cũ ở mái trường Lasan Khánh Hưng – Sóc Trăng gom lại được cũng trên chục thằng cùng hẹn hò tụ họp tại quán cà phê Thư Quán – Sóc Trăng và chụp hình kỷ niệm tại góc cây cồng trong trường, nhân dịp thằng “Đức Cống” ở Mỹ về gồm: Nguyễn Văn Ty, Nguyễn Quang Minh, Võ Văn Nghĩa, Bùi Long Tiều, Trần Đức, Nguyễn Văn Thoát, Tăng Bá Hảo, Nguyễn Phước Nhơn, Phan Tấn Đạt, Tô Xiêm, Trà Trung Hiếu, Trần Minh Hòa,… Lê Văn Trình và tôi, cùng có thêm mấy bạn cùng trường nhưng khác lớp là Thanh Phương, Hổ và đặc biệt có anh 6 Lành năm nay 81 tuổi (cựu học sinh của trường Lasan Khánh Hưng, lớp đệ tứ niên khóa 1956-1957)…

Tôi vốn bừa bãi nên khi ngồi viết lại kỷ niệm thì thực sự không biết bắt đầu từ đâu? Thôi cứ nhớ gì kể nấy, kỷ niệm với bạn bè thời tiểu học thì quá xa sôi, tính từ ngày học lớp năm 1961 tới giờ đã 57 năm mới gặp mặt đông như lần này. Hôm nay gặp nhau mừng vui hết cỡ, nhìn thằng nào thằng nấy đầu tóc bạc muối tiêu nhưng nói chuyện thì ôi thôi mạnh thằng nào thằng nấy nhắc lại chuyện cũ thời học trò, còn pha trò tiếu lâm, ăn tục nói phét, có mấy thằng quen miệng chửi thề luôn giống y chang hồi còn nhỏ…

Vui nhất khi nghe thằng “Cu Trình” pha trò ghép tên mấy thầy “Cảnh – Bình – Còn – Sợi – Long…” thời học tiểu học, thời trung học có thầy Thu, Mãnh, Tâm, Quang, Thanh, Múi… đám bạn nhắc đến ai cũng nhớ là thằng Ô Hải Sơn Lâm học nội trú nổi tiếng quậy phá nhất trường, nó phá phách đến nỗi thầy Mãnh kêu nó lại nói:”Em đừng phá thầy sẽ không kêu em trả bài nhưng thầy sẽ cho em 20 điểm môn Vạn Vật, những thằng có biệt danh “Tuấn khùng” vì nó hay khịt mũi và nháy mắt, Thủy “Khỉ Già” vì nó già so đám bạn và trông nó giống Tề Thiên, “Tài Sâm” vì ba nó tên Sâm, “Cần dế” đầu hớt cua trông giống con dế, “Vân què” vì chân nó bị tật đi cong queo, “Đức Cống” vì ba nó tên Cống … và nhiều bạn nữa mặc dù vẫn còn hiện hữu mà tôi không nhớ hết.

Còn các frères Samuel, Marchel, Rene, Bertin, Maxim, Gustave, Silvain, Pascal, F. Quang… mỗi frère, mỗi thầy đều có những kỷ niệm vui buồn nhớ mãi không bao giờ quên…
Sau buổi cà phê sáng, chụp hình lưu niệm, cả nhóm kéo ra quán Bình Bia ăn nhậu, ca hát bằng dàn karaoke của thằng Hảo đem theo, thằng Nghĩa viết lời nhạc chế do Minh biên tập và ca tặng bạn bè, ai cũng tham gia người này ca, người kia kể chuyện tiếu lâm… Cả bọn vui chơi tới khoảng 4g chiều, chưa đã một số thằng có tôi và anh 6 Lành đi tiếp quán Bia Sệt ca hát ăn nhậu tiếp đến 7g tối…

Nhắc đến kỷ niệm một đời người có lẽ không hết được, cũng có những bạn mà tôi quên không nhắc tới tuy hiện tại vẫn thường xuyên gặp nhau, chỉ mong sao có lúc nào đó rảnh rỗi cố ngồi nhắc lại những kỷ niệm trong lúc mái tóc muối nhiều hơn tiêu.

Cuộc đời có những kỷ niệm đẹp, vui, buồn với bạn bè, kỷ niệm thời thơ ấu, thời học trung học, rồi đại học rồi đến khi ra đời, cuộc sống bon chen, cho đến nay….

Có lẽ tôi kết lại ở đây bằng câu nói của thằng “Đức Cống” là tuổi này chỉ “Sống qua ngày, chờ qua đời” – nghe cũng có lý! Nhưng nói gì thì nói, quỹ thời gian còn lại, cố làm tốt công việc của mình để sống vui khỏe cuộc đời còn lại!

V.Q.T
03/6/2018

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Mất “zin”…



Ngày cuối buổi thi kiểm tra học kỳ đệ nhị lục cá nguyệt vừa xong, để bù lại những ngày miệt mài đèn sách một nhóm học sinh lớp đệ tứ hè nhau cùng đi xả xú páp, thằng nào không đi là cái đồ cù lần!
Buổi trưa đó 3 thằng, trong đó một thằng đầu têu và 2 thằng nữa cùng đèo nhau trên 2 chiếc xe đạp chạy đến xóm đĩ Sâm Bô mà dân chơi Sóc Trăng thường ghé thời đó. Trong 3 thằng, hai thằng thì trông mặt mày có vẻ hớn hở khi đến nơi đây, còn một thằng trong bọn từ nhỏ tới lúc lớn có bao giờ biết chuyện “giường chiếu” mùi vị thế nào đâu, vì tò mò nên cũng “liều” mặc dù trong bụng hắn lúc này run thấy mồ tổ nhưng cái mặt phải làm bộ ra vẻ ta đây chịu chơi không thôi bị tụi bạn nhạo là thằng cù lần sao? Hơn nữa, hắn lại được trong bọn ưu ái, “bao trọn gói” cho cuộc vui này, thời giá một cú “chịch” là hai chục đồng, nhưng do có khuyến mãi nếu trình thẻ học sinh thì được giảm bớt năm đồng.

Vì là buổi trưa và khách đến một lúc 3 người, chủ động chưa đủ gái phục vụ nên 2 tên vào phòng trước, còn 1 tên được cả bọn bao trọn gói thì phải ngồi chờ ở ghế salon trong phòng khách.

Khi đến lượt tên ngồi chờ vào phòng, lúc này tim hắn đập thình thịch, lớ ngớ chẳng biết phải làm gì khi đứng trước cô gái sồn sồn khoảng 30 tuổi, nhưng phọt người cao ráo, nước da ngâm ngâm để lồ lộ cái ngực căng phồng dưới lớp vải đồ bộ mỏng tang. Cô gái nhìn hắn cười, nói:

– Cởi đồ đi nhóc, chưa bao giờ thấy gái sao mà nhìn chết trân vậy?

Rụt rè từ từ cởi hết đồ, hắn cảm thấy ngượng ngùng làm sao, lúc này “thằng nhỏ” của hắn thì lặn thun rút vào trong… Cô gái kêu lên giường đi, hắn leo lên nằm ngữa ra… cô gái bắt đầu sấn lên leo ngồi người hắn rồi “thong thả” lột hết “ngoại y” để lộ ra đôi bồng đảo to tròn… rồi từ đó cô gái chủ động mân mê đưa cơ thể hắn đi từ chỗ ban đầu cảm giác sợ sệt, rồi bắt đầu cảm thấy rạo rực… rồi từ từ đi tới chỗ tột đỉnh sướng tê cả người.

Lần đầu tiên hắn mất “zin” từ mấy thằng bạn học… năm ấy mới học có lớp đệ tứ niên học 1968! 

Thiệt quá sức là dại, đồ cái thứ học trò quỷ sứ!

V.Q.T

Tôi hút thuốc…



Năm ấy tôi đang học lớp đệ nhị (1971). Thời đó, thanh niên ở tỉnh Sóc Trăng tôi có cái thú vui là cứ chiều tối xách xe Honda chở nhau đi chơi, chạy vòng vòng dạo quanh đường phố trong thị xã, rồi sau đó lựa quán nào đó ghé vô uống nước, nghe nhạc đến khoảng 10 giờ tối về. Tôi nhớ hôm đó, ngày đầu tiên tôi và Ánh (bạn này lớn hơn mình mấy tuổi, có nhiều kinh nghiệm tán gái) 2 thằng chạy xe đi chơi vòng vòng, tình cờ làm quen và rủ được 2 đứa con gái đồng ý vào quán Quên Đi uống nước, nghe nhạc. Không biết tâm lý các bạn như thế nào? Chứ riêng thằng tôi, không biết hút thuốc, nhưng ngồi trước mặt con gái, thằng bạn nó móc gói thuốc con Mèo (loại 10 điếu, đầu hút màu vàng) ra hút trông rất là đàn ông, thế là tôi cũng hút, không thì thua nó sao, phải lấy oai trước mặt con gái chứ!

****
Do thi rớt tú tài một và sợ bị bắt đi quân dịch, cuối năm 1972 ba tôi tống tôi lên Sài Gòn, bỏ vào học nội trú ở trường Huỳnh Thị Ngà – Tân Định, trường nằm ở gần xóm Chùa, nổi tiếng dân du đãng xì ke, cho nên có nhiều học sinh hút xì ke học ở trường. Tôi biết hút xì ke cũng từ đây, nhưng lần này không phải lấy le với con gái, mà vì sĩ diện trước thách thức của bạn bè. Một nhóm chừng bốn năm đứa, chuyền tay nhau điếu thuốc Bastos xanh, trút bớt thuốc lá, bỏ bột trắng xì ke vào điếu thuốc rồi se đầu thuốc, đốt hút, mỗi thằng chuyền nhau kéo chừng 3 hơi là bắt đầu phê…

Buổi sáng chủ nhật, tôi và thằng Nhàn mập rủ nhau ra uống cà phê của dảy quán xập xệ không bảng hiệu nằm dọc vỉa hè đường Nguyễn Du, cái thú ở đây là ngồi dưới tán lá những cây me già, lá me rụng rơi vào tách cà phê, nên người ta đặt tên là cà phê lá me Nguyễn Du. Sau đó, 2 thằng lang thang ra ở hồ Con Rùa – Sài Gòn, đang ngồi chơi, đột nhiên có 2 cảnh sát chìm đến xét giấy tờ 2 đứa, có lẽ thấy tôi ốm nhom mà mặt mày xanh xao, nghi là dân xì ke, cảnh sát lục xét luôn cả người tôi xem có dấu tép xì ke nào không, cũng may tôi không có đem, còn thằng Nhàn mập đang lận trong người mấy tép xì ke nhưng cảnh sát không lục xét nó vì thấy nó mập, 2 thằng bị một phen hú hồn hú vía!

****
Sau ngày 30/4/1975, tôi biết hút thuốc Lào trong đợt tham gia chiến dịch X2 – Đội 1 của Đại học Khoa học Sài Gòn. Buổi sáng nọ, ngồi dưới chiếu uống trà và trò chuyện với ông Hai cán bộ khung của Đoàn, thấy ổng lấy bình thuốc lào bằng nhựa ra hút, ổng kéo nghe cái rột rồi từ từ nhả nguyên một cột khói trông thiệt đã làm sao? Phải thử cho biết chứ!

****
Ủa mày hút cái gì mà thơm vậy? Thằng Vĩnh, bà con bên vợ nó nói: bồ đà, anh thử không? Hình như đó là năm 1977 hay 1978!? Tôi thử và biết hút bồ đà cũng vì tính hiếu kỳ nên thử cho biết.

****
Bây giờ, ngồi ngẫm nghĩ, người ta nghiện hút cũng là cái nguyên nhân phổ biến từ thách thức của bạn bè là phải thử cho biết, cho giống hệt bạn, không chịu thua bạn…

Phải chăng đó cũng là áp lực xung quanh,  trong cuộc sống sẽ xuất hiện suốt đời, từ khi ta bé đến khi lớn. Tuy nhiên, điều khác biệt giữa người thành công và một kẻ rệu rã là họ luôn biết cách đối mặt và tìm cách giải quyết áp lực của mình.

V.Q.T

Thử cho biết…



2 giờ sáng… của năm 1975, tôi và Đức người anh bà con chú bác, chuẩn bị hành trình từ nhà ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5 – Sài Gòn về quê nhà ở Hai Bà Trưng – Sóc Trăng bằng chiếc xe đạp của mình, tôi đạp xe mini, còn ảnh đạp xe đòn dong…

Quảng đường từ Sài Gòn đến Sóc Trăng cách nhau tới 240 cây số, vậy mà 2 anh em dám đi bằng xe đạp sao? Chơi lấy tiếng à? Chơi cho vui à?…

Thưa không, cái thời mới giải phóng miền Nam, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thiếu thốn và xuống cấp tệ hại… nội cái chuyện đi lại rất bình thường của người dân trước đây, giờ lại là cực kỳ khó khăn gian khổ, để mua được một vé xe đò, người dân phải chầu chực ngày đêm, trầy vi tróc vẩy, trần ai khoai củ mới mua được một vé… Thời đó, từ Sài Gòn về miền Tây, người dân gặp đủ thứ chuyện phiền phức ở các chốt kiểm soát do mấy thằng cách mạng 30 tháng tư cầm đầu… nhục và sợ nhất là bị cắt tóc, bị rọc quần ống loe.

Hồi đó, từ Sài Gòn về miền Tây đi trên quốc lộ 4, xe đò phải dừng ở một chốt ở bắc Mỹ Thuận, và một chốt ở bắc Cần Thơ để bọn cách mạng 30 tháng tư kiểm tra “tóc tai, quần áo”, khi xe dừng tụi này lên xe với cặp mắt lăm lăm dò xét, xui xẻo anh nào mặc quần loe, anh nào tóc hơi dài đều bị bắt xuống xe hết. Ai mặc quần ống loe thì bị cắt rồi cho lên xe, ai tóc dài, bị cắt là coi như sẽ bị bỏ lại vì xe đò không chờ…

Thời ấy còn là sinh viên với mốt quần ống loe, tóc dài… về quê không muốn bị cắt tóc, rọc quần… chỉ còn cách duy nhất đi xe đạp thôi.

Từ 2 giờ sáng đến 10 giờ tối, mất 20 tiếng đồ, 2 đứa tôi mới về đến nhà. Trên đường đạp xe về từ Sài Gòn về Sóc Trăng có gần 80 cây cầu, thời gian đầu còn sung chẳng sợ cầu, càng lúc về sau, khi đã thấm mệt mỗi lần thấy chiếc cầu rất là sợ nó vì phải ì ạch leo dốc. 2 đứa mệt buồn ngủ đến nỗi vừa chạy vừa ngủ gục và đụng nhau té nhưng không sao. Tụi tôi phải nghỉ mệt, ghé ăn cơm rồi ngủ nhờ 1 giấc ngon lành khoảng 1 tiếng đồng hồ trên chiếc đi văng gỗ của quán cơm ở bắc Mỹ Thuận.

Về tới nhà, ai cũng đều giật mình khi biết 2 đứa tôi về nhà bằng xe đạp và mắng “Ôi trời, 2 cái thằng khùng, mai mốt không có đi như vậy nữa nha!”.

Mai mốt cái gì, thử một lần cho biết, tởn lắm rồi, 2 bên cái mông đít bị rộp da rát thấy mẹ hà….

V.Q.T

Đông cục = dân cụt…



Tính đến hết tháng 12/2016, cả nước có tổng cộng 337 Cục trưởng, 767 Phó Cục trưởng, 218 Vụ trưởng, 593 Phó Vụ trưởng, 4.599 Trưởng phòng và tương đương, 7.021 Phó Trưởng phòng và tương đương để quản lý tổng số công chức 69.813 người… Đứng ở “top đầu” của danh sách, nhiều Bộ gây choáng với số công chức lãnh đạo lớn như riêng Bộ Tài chính có 181 Cục trưởng, 423 Phó Cục trưởng, Bộ KH&ĐT 63 Cục trưởng và 124 Phó Cục trưởng, Bộ Tư pháp là 57 Cục trưởng và 134 Phó Cục trưởng…

Bộ máy nhà nước cồng kềnh như thế, lý giải vì sao đời sống dân tình mãi nghèo, cùng cực lầm than…

8 SÀI GÒN

Tại “sống không nhờ lương”…



Sáng 13/5, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lương thấp là một trong những nguyên nhân của tệ nạn tham nhũng. Đó là đề tài của nhóm thông tấn vỉa hè trong buổi cà phê sáng này.

– Ôi mấy cha nội quan chức tham nhũng đã và đang bị lôi cổ ra trước pháp đình… có thằng cha nào lương thấp đâu? Cha nào cha nấy có biệt phủ to chà bá lửa, trị giá cả trăm tỉ, nghìn tỉ…

– Thì vậy mới nói, con người ta “lòng tham không đáy”, bao nhiêu cho đủ, bao nhiêu cho vừa?

– Dân tình chỉ cần luật pháp nghiêm minh, không có vùng cấm. Ai tham nhũng thì xử ngay, thì nạn tham nhũng dễ gì mà lộng hành như hiện nay?

– Đất nước mình ngộ quá, có một không hai trên cõi đời này, đúng là vô địch thiên hạ? Bởi tên lửa phóng nhanh, vậy mà giá cả của xứ ta tăng nhanh hơn tên lửa. Thiên hạ hay chê đồ cái thứ chậm như rùa bò thế mà lương tăng còn chậm hơn rùa bò…

– Bởi vậy tui ngẫm nghĩ mà mắc cười, cái thứ mình cần nó lên lại không chịu lên, còn mấy cái thứ mình cần nó xuống nó lại lên vùn vụt…

– Hà hà… Ai nói gì thì nói nghe, ai cười thây kệ nghe… tui thiệt tình chân chất “sống nhờ lương, sống vì lương, sống do lương, sống bằng lương, sống đủ lương, sống có lương, sống từ lương, sống vào lương, sống ở lương, sống trong lương…” vậy mà cảm thấy sương sướng… (hiểu theo kiểu nói lái nghen). Còn mấy cha quan chức “sống không lương, sống không nhờ lương” chắc mấy chả không biết sướng là gì nên mới tham nhũng!?

– Đồ quỷ sứ, ăn nói tào lao, trúng tùm lum tùm la…

8 SÀI GÒN

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Tôi làm thợ bạc...


Tôi biết làm thợ bạc là chuyện thật tình cờ và rất là hạn hữu có một không hai.
Rạp Nhị Trưng và tiệm uốn tóc Dân Ta ở đường Hai Bà Trưng - Sóc Trăng

Nhắc chuyện xưa…

Những người cố cựu ở Sóc Trăng, ai cũng đều biết tiếng cái lò thợ bạc ba căn, vị trí ở ngay rạp chớp bóng Dân Ta, sau đó đổi tên là rạp Nhị Trưng nằm trên con đường giữa Hai Bà Trưng. Tôi cũng đã từng ở ngót gần chục năm trong vuông nhà trệt ba căn xinh xắn nầy, và ba tôi biết nghề thợ bạc ngay trên mảnh đất tổ phụ có cái lò thợ bạc đặc biệt nầy. Đến nay tôi còn nhớ mang máng ở ngôi nhà này từ hàng song gỗ đánh dầu chai đen đen, kế đến là cái hàng ba rộng rãi lót gạch tàu là chỗ ông chủ lò Vương Kim Hưng, ông nội tôi hành nghề và dạy nghề thợ bạc. Đó là những dòng ký ức tôi ghi lại để nhắc và nhớ ông nội và ba tôi với cái nghề tổ gọi là tưởng niệm ơn sâu sinh dưỡng và đánh dấu một nghề rất mực phong lưu nhưng nay có còn hay không, hay đã là lu mờ!?

Tiếc ở chỗ là ba tôi chỉ mới làm được mấy món đồ như dây chuyền, lắc, nhẫn, bông tai, kiềng… còn món chạm trỗ vòng, kiềng thuộc loại khó và khéo léo nhất của ông nội thì ba tôi chưa kịp học, ông nội mất nên đã mai một, thiệt là uổng! (lúc còn sống bác hai Vương Hồng Sển có khoe tôi chiếc vòng tay bằng vàng 9 do chính tay ông nội chạm, nổi rõ từng chi tiết hoa văn rồng, phụng thật tinh xảo…) còn đến lượt tôi sao?


Cái duyên cớ…

Khoảng năm 1966-1967,  khi đó ba má tôi đã vay mượn tiền sang tiệm vàng của ông Thái Hòa đổi bảng hiệu lại là Thái Hưng nằm ở đường giữa số 4 Hai Bà Trưng – Sóc Trăng để kinh doanh. Cũng từ đó, cả nhà gồm tôi, ba đứa em và ba má dọn về đây làm ăn không còn ở chung ngôi nhà 3 gian của rạp chớp bóng Nhị Trưng nữa.

Tưởng mới ra làm ăn vốn liếng ít, cửa tiệm nhỏ so với mấy tiệm lớn lâu đời ở đường giữa Hai Bà Trưng như Phước Hòa, Vĩnh Hưng, Kim Huê, Nam Mỹ… tiệm vàng Thái Hưng của ba tôi sẽ lép vế, nhưng không ngờ, chỉ chừng vài tháng, khách đến tiệm ngày một đông, so với mấy tiệm lớn chẳng những không bị lép mà còn vẻ như trội và đông hơn, nhất là khách người Miên… Và chính họ thường kháo với nhau: “ở đường giữa Sóc Trăng, boong, p’ôn (tiếng xưng hô anh, em của người Khmer) mua vàng ở tiệm nào? Họ đều nói mua ở tiệm vàng Thái Hưng, số 4, Hai Bà Trưng. Bởi vì, vàng ở đây luôn đúng tuổi, chính hiệu vàng lá Kim Thành – nhãn hiệu chất lượng nhất thời đó, nhất là đồ trang sức đặt làm ở đây đều đẹp hơn ở chỗ khác vì thợ ở đây có tiếng tăm trong giới thợ bạc Sóc Trăng đó là chú Hai Nhứt, anh Hiển và ba tôi… Một lợi thế nữa là tiệm nhà có chị Hai Hạnh, chị Phượng bà con cô cậu biết tiếng Miên đứng bán vàng. Chính vì thế mà lượng khách đến tiệm ngày một đông, thợ làm tất bật cả ngày đến đêm, riêng ba tôi phải làm luôn đến tận khuya nhưng vẫn không kịp giao hàng, không ít lần bị khách phàn nàn vì lỗi hẹn…

Vào khoảng năm 1970,  do tình hình chiến sự trong nước căng thẳng, chính quyền tỉnh Sóc trăng đã siết chặt an ninh bằng cách giam lỏng những người có dính líu Việt cộng, trong đó có ba tôi (Ba tôi đã từng bị giam tù 3 năm ở khám Chí Hòa – Sài Gòn vì tội chính trị, được thả về nhà năm 1960 hay 1961!?), mỗi ngày từ 6 giờ chiều tập trung tại nhà giam của đồn cảnh sát, đến 7 giờ sáng hôm sau mới được về nhà. Khi ba bị nhốt như thế, đã ảnh hưởng không ít đến làm ăn của tiệm.

Trong tình thế như vậy, mặc dù trước đó thấy tôi có vẻ mê nghề này sẽ ảnh hưởng chuyện học hành nên ba nhứt quyết không dạy mà nói: “Lo học chữ đi con, còn nghề này học mấy hồi”. Giờ đây, trong tình thế ngặt nghèo thiếu thợ, mỗi tối không có ba ở nhà, tôi lén tự ên làm nghề thợ bạc này.
Bình thường, khi mới vô học nghề thợ bạc, thợ thường chỉ được chủ giao cho công việc đánh bóng các loại vàng bạc đã thành phẩm, rồi tiếp theo là “kéo” “dát mỏng” từ bạc, vàng cục thành sợi, thành lá. Khi đã bắt đầu quen tay, chủ hiệu cho những người học việc làm các loại nữ trang, từ dạng đơn giản đến phức tạp, nhưng chỉ làm trên kim loại đồng, chừng nào rành một chút mới nhảy sang làm trên bạc, khi khá thành thạo rồi mới được học làm trên vàng. Sở dĩ phải như vậy vì học nghề làm rất “hao vàng”, chủ tiệm sẽ lỗ vốn nên họ chỉ cho làm bạc thôi. Người giỏi thì học khoảng 3 tháng làm được dây chuyền, còn không phải từ 6 tháng trở lên, riêng tôi là con nhà nòi lại là con chủ tiệm vàng, tuy không học ngày nào, nhưng do hằng ngày ở tiệm, ngày nào tôi cũng nhìn thấy ba làm, mấy thợ làm… chắc là cũng từ gien di truyền khéo tay từ ông nội, ba tôi và đến tôi, tôi chỉ nhìn và để ý từng chút, đôi lúc tò mò hỏi ba cái này, hỏi mấy người thợ trong tiệm cái kia, riết rồi quen, từ từ nhớ thấm và rồi thuộc làu làu.

Cho nên ngay lần đầu, khi bắt tay vô làm, tôi làm ngay trên vàng y, tự ên mình mày mò, làm từng công đoạn từ dát mỏng cục vàng, kéo thành sợi, kết từng khoen rồi hàn… để cuối cùng hoàn thành sợi dây chuyền chữ công đầu tay, đúng ni tấc, đúng trọng lượng để giao luôn cho khách, chẳng khác như tay thợ lành nghề. Cái nghề thợ bạc này, nó đến với tôi thật tình cờ và rất là hạn hữu có một không hai là vậy đó!

Khoe sợi chuyền mình làm ra, anh Hiển thợ chuyên làm dây chuyền ở tiệm nhìn mà ngạc nhiên và thán phục vì không phải chỉ đẹp, mà làm nhanh hơn ảnh. Bởi tay nghề như anh Hiển làm nhanh lắm một ngày/8 tiếng chỉ được 1 sợi rưỡi thôi, vậy mà trong một đêm từ 6 giờ chiều đến 2 giờ sáng, tôi làm được 2 sợi. Còn như ba tôi rất là chưng hửng, khi biết tôi đã tự lén làm được dây chuyền như thế, ổng chỉ cười trừ. Kể từ đó, tôi là một trong những tay thợ đắc lực của tiệm, không chỉ làm các loại dây chuyền chữ công, khoen lật, bánh đúc, mỏ vịt; tôi còn làm các loại nhẫn trơn, nhẫn lục giác và dây đeo tay khoen lật, nhưng thế mạnh của tôi là dây chuyền chữ công và khoen lật, 2 món khách hàng đặt nhiều nhất ở tiệm.

Tôi làm nghề vỏn vẹn 2 năm, đến năm 1972 có lệnh tổng động viên, năm đó tôi học lớp đệ nhị và thi rớt tú tài một, nên dính tuổi đi quân dịch, ở thời điểm này đi lính chết dễ như chơi. Sợ con mình đi lính chết, ba tôi tranh thủ chạy chọt để làm lại căn cước mới cho tôi với tên là Vương Quốc Tuấn – sinh 1957, giảm được 2 tuổi để né tuổi quân dịch. Khi đó cuối năm 1972, ba tức tốc đẩy tôi lên Sài Gòn, bỏ vào học nội trú ở trường Huỳnh Thị Ngà – Tân Định để bọn cảnh sát khỏi dòm ngó làm khó dễ gia đình lúc bấy giờ.

Đến ngày giải phóng 1975, chiến dịch đánh tư sản mại không chừa một ai, mặc dù gia đình thuộc diện có công cách mạng, tiệm vàng của ba tôi bị kiểm kê tịch biên sạch sẽ số vàng, kể từ đó kinh tế gia đình khánh kiệt, đời sống sinh hoạt gia đình trở nên khó khăn…

Cũng từ ngày giải phóng 1975… Nghề thợ bạc truyền thống của dòng tộc họ Vương, một nghề rất mực phong lưu một thời, giờ đã mai một và thất truyền trong dòng tộc. Cũng như kho cổ vật vô giá, quý hiếm, mà cả đời bác tôi ông Vương Hồng Sển sưu tập được đã hiến cho thành phố và mong muốn những di vật này sẽ được trưng bày trong ngôi nhà cổ Vân Đường phủ với tên gọi Nhà bảo tàng Vương Hồng Sển thành hư vô!

V.Q.T

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Bỗng dưng nhớ con trai….



Từ ngày con trai tôi mất, hình ảnh nó xuất hiện trong giấc mơ của tôi vẫn luôn là đứa trẻ học tiểu học… thế nhưng lần này nó xuất hiện trong giấc mơ của tôi là đứa con trai 17 tuổi học lớp 11 là năm nó ra đi đột ngột vì bệnh tim bẩm sinh. Trong giấc mơ lần này, có một phép lạ cho con trai được sống lại một ngày để về chơi với ba. Suốt trong giấc mơ, những ký ức về con trai đều hiện về hết trong đầu: nhớ lắm nụ cười của nó, bực mình cái tánh liếng khỉ hay cười chọc ghẹo người khác, bị la hoài vẫn vậy, ghét lắm cái tật vừa ăn vừa ngồi trước máy vi tính, thương lắm lúc nó nịnh, nó đứng sau lưng xoa bóp vai tôi, năn nỉ ba nó chở chơi đến nhà bạn gái… đang lúc tôi vẫn đang chìm đắm trong hạnh phúc thì bỗng dưng giật mình tỉnh giấc!

Chợt nhớ cũng sắp tới ngày giỗ, chắc là con trai nó nhắc? Cũng có khi tối đó có chú tư của nó ở Sóc Trăng lên Sài Gòn ăn đám cưới con của bạn, chú ghé nhà tôi ngủ, hai anh em lâu ngày không gặp, tâm sự với nhau tới khuya, có lẽ vậy nên tối ngủ nằm mơ thấy con trai hiện về chơi với tôi!

Quân ơi!

Ba vẫn nhớ cái đêm hôm đó, vì con là đội trưởng đội bóng ném của trường, vì đã cận ngày thi đấu cấp thành phố nên con tập dượt quá sức bình thường (bạn con trong nhóm kể lại) trong khi bản thân con mắc phải bệnh tim bẫm sinh dạng nhẹ, nếu biết bệnh mà hạn chế không chơi quá sức thì không sao, đàng này con không biết, ba mẹ cũng không biết, thấy con lại mê chơi thể thao, ai cũng thấy tốt, đâu việc gì phải cấm cản, ba còn chịu khó đưa đón con đi tập dượt mỗi chiều đến tối. Ba nhớ có lần, ba ngồi xem suốt trận đấu, hôm đó đội con thua. Nhưng mấy lần thi đấu sau, ba không xem thì đội con thắng dòn dã, thế là con mới dặn ba thôi đừng xem con thi đấu, ba xui quá hà!

Ba vẫn nhớ rõ đêm hôm đó, khi tập về, con vẫn bình thường như mọi khi, chẳng có dấu hiệu gì khác thường, tắm rửa xong, ăn cơm, ngồi máy vi tính tới 12g rồi đi ngủ… Vì ngủ trễ, nên mỗi sáng đợi 6g ba mới kêu con dậy để sửa soạn và chở đi học, nhưng sáng đó mới 5g45 con đã tự bật dậy, hứ lên tiếng rồi ngã xuống sàn, đi luôn lúc đó, mặc dù gia đình tức tốc chở con vào bệnh viện Nhân dân Gia Định, ê kíp y tá, bác sĩ đã tận tâm ra sức cấp cứu hồi sinh tim nhưng đã trễ (khi vào bệnh viện, bác sĩ vạch xem mắt con, thấy đồng tử giãn biết là thua rồi, coi như đã tắt thở lúc ở nhà)

Quân ơi, con ra đi, lòng ba vẫn luôn nhiều nỗi nhung nhớ… và cả lòng căm ghét!

Cũng vì con mất trong bệnh viện, theo qui định bệnh viện đã báo công an phường đến nhà để họ điều tra khám nghiệm hiện trường, đang lúc tâm trạng đang đau buồn như thế, khi gặp công an đòi vào nhà khám nghiệm hiện trường, ba giận dữ đuổi cổ không cho công an vào nhà… nhưng rốt cuộc sau đó ba cũng đành chấp nhận vì nếu không bệnh viện sẽ không cho mang xác con về. Cũng vì thủ tục, gia đình phải chịu cho công an giải phẫu xác, khi đó công an xác định con chết do bệnh tim bẫm sinh dạng nhẹ. Điều làm ba căm hận nhất và cho đến giờ khi nhắc lại sự việc, lòng ba vẫn thấy đau, lúc đề nghị công an mổ tử thi vết cắt nhỏ thì phải bồi dưỡng cho công an họ mới chịu, nhưng khi xong, gia đình đưa 2 triệu đồng, một tên công an nói thẳng thừng: ‘’tụi tui bốn người đưa nhiêu đây sao đủ‘’. Trong lúc tang gia bối rối, gia đình đâu sẵn tiền đủ, đành phải mượn người thân để đưa thêm 2 triệu nữa. Ngược lại, ông nhân viên làm vệ sinh thi thể cho con, gia đình tự nguyện bồi dưỡng 500 ngàn và đề nghị ông nhận cho thì lập tức ông từ chối ngay và nói: ‘’tui coi nó như con cháu, tui giúp nó không hết thì thôi chứ mặt mũi nào tui nhận số tiền này, gia đình cất đi để lo chuyện khác’’. Càng ngẫm nghĩ càng tức giận cái đám công an, chúng nó có ăn học, lương bổng chắc chắn cao và cao nhiều lần so với ông nhân viên vệ sinh tử thi ở bệnh viện thế mà chúng đành lòng đòi tiền một cách vô nhân tâm như thế !?…..

Ba nhớ lắm và rất cám ơn những bậc cha mẹ của bạn bè con, thầy cô của con trong trường, bạn học ở trường, thầy chủ nhiệm bóng ném ở quận 1, bạn học ở lớp bóng ném, người thân, gia đình, hàng xóm… đã đến thắp hương đám tang của con. Ba nhớ rõ ông bán nước ngọt ở trường Trần Văn Ơn, nhưng khi mất, con đang học lớp 11 trường Lương Thế Vinh, ổng đến chia buồn với ba và nói rằng: ‘’ông có đứa con trai rất ngoan, tôi thương tôi quý nó lắm! Hay tin nó mất đột ngột như thế, tôi không thể không bỏ qua, hỏi tìm địa chỉ nhà, đến thắp nén hương cho nó mới yên lòng’’… nghe nhưng lời thố lộ chân tình như thế, nước mắt ba cứ tuôn trào không cầm lại được…

Gần 8 năm, kể từ khi con mất, ba vẫn chưa bao giờ phai nỗi nhớ nhung những người đáng quý như thế, cũng như vẫn luôn căm ghét bốn tên công an vô liêm sĩ!

Gần 8 năm trôi qua, mỗi lần nhìn con qua bức ảnh trên bàn thờ, tim ba thấy nhói đau… Trách ông trời sao quá bất công: tre già không ngã trong giông bão, sao để măng non gãy bởi gió lay?

Quân ơi! Ba mẹ vẫn mãi mãi luôn nhớ và yêu con. Mãi mãi là như vậy con nhé!

V.Q.T

Nghiêm cấm tặng quà Tết…



Mặc dù mới đây, Thủ tướng đã nhắc lại và nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm chỉ thị Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết năm 2018, trong đó có việc nghiêm cấm tặng quà tết cho lãnh đạo cấp trên. Thế mà một sếp nọ vẫn kêu trợ lý lên và căn dặn:
– Tết sắp tới rồi, chú lo cho tôi mấy trăm phần quà gồm hiện vật và hiện kim, “tiên học lễ” đấy, chú đừng có quên nhé!
Nghe vậy, trợ lý bèn phân trần:
– Sếp ơi, vừa rồi thủ tướng có chỉ thị cấm biếu quà tết, sếp không sợ bị kỷ luật sao?
Sếp bèn quát:
– Ai bảo với chú là tôi đem quà tặng cho cấp trên?
Trợ lý bèn cười nói:
– Chắc là sếp định mang quá biếu về tận quê nhà của cấp trên, biếu cho các đấng sinh thành cấp trên như mọi năm chứ gì?
Sếp nạt ngang nói:
– Mà ủa, tôi là sếp hay chú là sếp, mà sao chú nhiều chuyện quá vậy? Chú cứ chấp hành lệnh của tôi!
Đến cận ngày tết, sếp gọi trợ lý vào phòng làm việc chỉ đạo, chú bảo công đoàn lên nhận quà tết của tôi gửi tặng cho tất cả cán bộ nhân viên trong cơ quan ta nhé!
Trợ lý tỏ ta ngạc nhiên, hỏi:
– Thưa sếp, bộ năm nay sếp chuyển hướng tặng quà cho cấp dưới, em thấy hơi lạ!?
Sếp nháy mắt, cười nói:
– Cấp trên tôi có chính sách riêng rồi, chú khỏi phải lo… Tết này tôi “lễ” cho cấp dưới là vì sắp tới có bỏ phiếu tín nhiệm thì họ sẽ ủng hộ tôi, đồng tiền đi trước là đồng tiền không mà, phải không chú em? Chủ yếu là anh em mình hiểu lòng nhau là chính mà.
Sếp cười, rỉ tai trợ lý nói:
– Còn cấp trên, giờ họ có tài khoản bí mật cả rồi, mang quà chi cho mệt, chỉ cần cú điện thoại, chuyển khoản là xong!
Trợ lý trố mắt bái phục cao kiến của sếp!

8 SÀI GÒN