Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

Tôi làm thợ bạc...


Tôi biết làm thợ bạc là chuyện thật tình cờ và rất là hạn hữu có một không hai.
Rạp Nhị Trưng và tiệm uốn tóc Dân Ta ở đường Hai Bà Trưng - Sóc Trăng

Nhắc chuyện xưa…

Những người cố cựu ở Sóc Trăng, ai cũng đều biết tiếng cái lò thợ bạc ba căn, vị trí ở ngay rạp chớp bóng Dân Ta, sau đó đổi tên là rạp Nhị Trưng nằm trên con đường giữa Hai Bà Trưng. Tôi cũng đã từng ở ngót gần chục năm trong vuông nhà trệt ba căn xinh xắn nầy, và ba tôi biết nghề thợ bạc ngay trên mảnh đất tổ phụ có cái lò thợ bạc đặc biệt nầy. Đến nay tôi còn nhớ mang máng ở ngôi nhà này từ hàng song gỗ đánh dầu chai đen đen, kế đến là cái hàng ba rộng rãi lót gạch tàu là chỗ ông chủ lò Vương Kim Hưng, ông nội tôi hành nghề và dạy nghề thợ bạc. Đó là những dòng ký ức tôi ghi lại để nhắc và nhớ ông nội và ba tôi với cái nghề tổ gọi là tưởng niệm ơn sâu sinh dưỡng và đánh dấu một nghề rất mực phong lưu nhưng nay có còn hay không, hay đã là lu mờ!?

Tiếc ở chỗ là ba tôi chỉ mới làm được mấy món đồ như dây chuyền, lắc, nhẫn, bông tai, kiềng… còn món chạm trỗ vòng, kiềng thuộc loại khó và khéo léo nhất của ông nội thì ba tôi chưa kịp học, ông nội mất nên đã mai một, thiệt là uổng! (lúc còn sống bác hai Vương Hồng Sển có khoe tôi chiếc vòng tay bằng vàng 9 do chính tay ông nội chạm, nổi rõ từng chi tiết hoa văn rồng, phụng thật tinh xảo…) còn đến lượt tôi sao?


Cái duyên cớ…

Khoảng năm 1966-1967,  khi đó ba má tôi đã vay mượn tiền sang tiệm vàng của ông Thái Hòa đổi bảng hiệu lại là Thái Hưng nằm ở đường giữa số 4 Hai Bà Trưng – Sóc Trăng để kinh doanh. Cũng từ đó, cả nhà gồm tôi, ba đứa em và ba má dọn về đây làm ăn không còn ở chung ngôi nhà 3 gian của rạp chớp bóng Nhị Trưng nữa.

Tưởng mới ra làm ăn vốn liếng ít, cửa tiệm nhỏ so với mấy tiệm lớn lâu đời ở đường giữa Hai Bà Trưng như Phước Hòa, Vĩnh Hưng, Kim Huê, Nam Mỹ… tiệm vàng Thái Hưng của ba tôi sẽ lép vế, nhưng không ngờ, chỉ chừng vài tháng, khách đến tiệm ngày một đông, so với mấy tiệm lớn chẳng những không bị lép mà còn vẻ như trội và đông hơn, nhất là khách người Miên… Và chính họ thường kháo với nhau: “ở đường giữa Sóc Trăng, boong, p’ôn (tiếng xưng hô anh, em của người Khmer) mua vàng ở tiệm nào? Họ đều nói mua ở tiệm vàng Thái Hưng, số 4, Hai Bà Trưng. Bởi vì, vàng ở đây luôn đúng tuổi, chính hiệu vàng lá Kim Thành – nhãn hiệu chất lượng nhất thời đó, nhất là đồ trang sức đặt làm ở đây đều đẹp hơn ở chỗ khác vì thợ ở đây có tiếng tăm trong giới thợ bạc Sóc Trăng đó là chú Hai Nhứt, anh Hiển và ba tôi… Một lợi thế nữa là tiệm nhà có chị Hai Hạnh, chị Phượng bà con cô cậu biết tiếng Miên đứng bán vàng. Chính vì thế mà lượng khách đến tiệm ngày một đông, thợ làm tất bật cả ngày đến đêm, riêng ba tôi phải làm luôn đến tận khuya nhưng vẫn không kịp giao hàng, không ít lần bị khách phàn nàn vì lỗi hẹn…

Vào khoảng năm 1970,  do tình hình chiến sự trong nước căng thẳng, chính quyền tỉnh Sóc trăng đã siết chặt an ninh bằng cách giam lỏng những người có dính líu Việt cộng, trong đó có ba tôi (Ba tôi đã từng bị giam tù 3 năm ở khám Chí Hòa – Sài Gòn vì tội chính trị, được thả về nhà năm 1960 hay 1961!?), mỗi ngày từ 6 giờ chiều tập trung tại nhà giam của đồn cảnh sát, đến 7 giờ sáng hôm sau mới được về nhà. Khi ba bị nhốt như thế, đã ảnh hưởng không ít đến làm ăn của tiệm.

Trong tình thế như vậy, mặc dù trước đó thấy tôi có vẻ mê nghề này sẽ ảnh hưởng chuyện học hành nên ba nhứt quyết không dạy mà nói: “Lo học chữ đi con, còn nghề này học mấy hồi”. Giờ đây, trong tình thế ngặt nghèo thiếu thợ, mỗi tối không có ba ở nhà, tôi lén tự ên làm nghề thợ bạc này.
Bình thường, khi mới vô học nghề thợ bạc, thợ thường chỉ được chủ giao cho công việc đánh bóng các loại vàng bạc đã thành phẩm, rồi tiếp theo là “kéo” “dát mỏng” từ bạc, vàng cục thành sợi, thành lá. Khi đã bắt đầu quen tay, chủ hiệu cho những người học việc làm các loại nữ trang, từ dạng đơn giản đến phức tạp, nhưng chỉ làm trên kim loại đồng, chừng nào rành một chút mới nhảy sang làm trên bạc, khi khá thành thạo rồi mới được học làm trên vàng. Sở dĩ phải như vậy vì học nghề làm rất “hao vàng”, chủ tiệm sẽ lỗ vốn nên họ chỉ cho làm bạc thôi. Người giỏi thì học khoảng 3 tháng làm được dây chuyền, còn không phải từ 6 tháng trở lên, riêng tôi là con nhà nòi lại là con chủ tiệm vàng, tuy không học ngày nào, nhưng do hằng ngày ở tiệm, ngày nào tôi cũng nhìn thấy ba làm, mấy thợ làm… chắc là cũng từ gien di truyền khéo tay từ ông nội, ba tôi và đến tôi, tôi chỉ nhìn và để ý từng chút, đôi lúc tò mò hỏi ba cái này, hỏi mấy người thợ trong tiệm cái kia, riết rồi quen, từ từ nhớ thấm và rồi thuộc làu làu.

Cho nên ngay lần đầu, khi bắt tay vô làm, tôi làm ngay trên vàng y, tự ên mình mày mò, làm từng công đoạn từ dát mỏng cục vàng, kéo thành sợi, kết từng khoen rồi hàn… để cuối cùng hoàn thành sợi dây chuyền chữ công đầu tay, đúng ni tấc, đúng trọng lượng để giao luôn cho khách, chẳng khác như tay thợ lành nghề. Cái nghề thợ bạc này, nó đến với tôi thật tình cờ và rất là hạn hữu có một không hai là vậy đó!

Khoe sợi chuyền mình làm ra, anh Hiển thợ chuyên làm dây chuyền ở tiệm nhìn mà ngạc nhiên và thán phục vì không phải chỉ đẹp, mà làm nhanh hơn ảnh. Bởi tay nghề như anh Hiển làm nhanh lắm một ngày/8 tiếng chỉ được 1 sợi rưỡi thôi, vậy mà trong một đêm từ 6 giờ chiều đến 2 giờ sáng, tôi làm được 2 sợi. Còn như ba tôi rất là chưng hửng, khi biết tôi đã tự lén làm được dây chuyền như thế, ổng chỉ cười trừ. Kể từ đó, tôi là một trong những tay thợ đắc lực của tiệm, không chỉ làm các loại dây chuyền chữ công, khoen lật, bánh đúc, mỏ vịt; tôi còn làm các loại nhẫn trơn, nhẫn lục giác và dây đeo tay khoen lật, nhưng thế mạnh của tôi là dây chuyền chữ công và khoen lật, 2 món khách hàng đặt nhiều nhất ở tiệm.

Tôi làm nghề vỏn vẹn 2 năm, đến năm 1972 có lệnh tổng động viên, năm đó tôi học lớp đệ nhị và thi rớt tú tài một, nên dính tuổi đi quân dịch, ở thời điểm này đi lính chết dễ như chơi. Sợ con mình đi lính chết, ba tôi tranh thủ chạy chọt để làm lại căn cước mới cho tôi với tên là Vương Quốc Tuấn – sinh 1957, giảm được 2 tuổi để né tuổi quân dịch. Khi đó cuối năm 1972, ba tức tốc đẩy tôi lên Sài Gòn, bỏ vào học nội trú ở trường Huỳnh Thị Ngà – Tân Định để bọn cảnh sát khỏi dòm ngó làm khó dễ gia đình lúc bấy giờ.

Đến ngày giải phóng 1975, chiến dịch đánh tư sản mại không chừa một ai, mặc dù gia đình thuộc diện có công cách mạng, tiệm vàng của ba tôi bị kiểm kê tịch biên sạch sẽ số vàng, kể từ đó kinh tế gia đình khánh kiệt, đời sống sinh hoạt gia đình trở nên khó khăn…

Cũng từ ngày giải phóng 1975… Nghề thợ bạc truyền thống của dòng tộc họ Vương, một nghề rất mực phong lưu một thời, giờ đã mai một và thất truyền trong dòng tộc. Cũng như kho cổ vật vô giá, quý hiếm, mà cả đời bác tôi ông Vương Hồng Sển sưu tập được đã hiến cho thành phố và mong muốn những di vật này sẽ được trưng bày trong ngôi nhà cổ Vân Đường phủ với tên gọi Nhà bảo tàng Vương Hồng Sển thành hư vô!

V.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét