Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Chào tháng năm...

 


Nỗi buồn...


Hôm 28/4, chị Việt Hoa kêu tôi ghé nhà lấy cuốn sách “Chuyện cũ Sốc Trăng” di cảo - tập 2 của bác hai Vương Hồng Sển vừa mới xuất bản.

Nhận được sách, tôi hăm hở đọc ngay… đến trang 24 có đoạn như sau:

“Nhưng tôi nhớ lại, vừa rồi, hôm mười sáu tháng chạp (29/1/1945) tôi đang ở nơi phòng khách, bỗng con nhỏ ở từ bên căn nhà của Ba tôi, tay cầm một cái lư hương trút sạch tro nhang, con ở nói: Cậu Tư (tức Cảnh, em tôi), sai đem trả lư hương nầy, và cậu Tư không bằng lòng cho tôi thở mẹ vợ tôi chung với tổ tiên họ Vương nữa! Trời ơi! Lư hương ấy là lư hương của nhạc-mẫu tôi, của mẹ của cô Tư Tuyết, tức là chị dâu của Cảnh, tôi cầm lư hương sạch tro sạch nhưng lòng đau như cắt, tự nghĩ không dè đứa em nhẫn tâm như vậy, nước mắt nước mũi tuôn ròng ròng, tôi không cần lau, tôi đứng khóc ngon lành, vì lòng hiếu-đạo và như thấy trước mắt một điểm đại bất tưởng sẽ xảy ra đến cho tôi, mà quả thật như vậy, vì sau đó hai đứa tôi, cô Tuyết và tôi, xa nhau kẻ nam người bắc, tôi nay nhìn nhận, một phần lớn, không phải lỗi trọn về cô, và quả tôi có một đứa em thiếu lương-tâm, thiếu lòng từ thiện, có việc gì bất bình thì phân trần hơn thiệt với tôi, lư hương có tội tình gì mà trút sạch, vợ tôi không đau lòng và không thôi tôi sao đặng. Việc đã qua, nên để cho qua luôn, nay hai đứa đã ly dị dứt khoát rồi, nhưng nếu hồ sơn tan rã, duyên nợ hai tôi dở dang, nguyên do cũng vì tôi không biết dạy em tôi và xin lỗi Tuyết, hãy chừa cho một đường, ngày sau đứa nào chết trước, đứa kia được tiễn một dặm đường tự hối. Nói cho đúng, anh đây vẫn là người biết phục thiện, sự thật có lẽ em tôi bực tức chị dâu một điều gì và chất chứa sự giận đã từ lâu nên mới có cử chỉ mất bình tĩnh như vậy, nhưng dẫu thế nào trong nhà vẫn còn người lớn là Ba tôi, cha của cả ba con, sao không hỏi ý-kiến và ngang tàng tán tận lương-tâm đến thế? Việc nhà của tôi sau này đổ vỡ, hai tôi thôi nhau cũng vì lư hương bị hất nầy,” (hết trích)

Đọc xong đoạn này, tôi đau thắt cả lòng, hồi đó thắp

nhang trong nhà mỗi ngày là do ba tôi, và chuyện nầy chính tôi đã nghe ba tôi (cậu Tư Cảnh) kể vì thấy chị dâu (cô Tư Tuyết) nhiều lần dẫn trai về nhà tư tình, kẻ cắm sừng anh mình như vậy, không xứng đáng để ba tôi thắp nhang cho má của bả, nên ba tôi trút sạch tro nhang lư hương và đem trả cho bác như lời kể của đoạn trên.

Đau buồn vì chuyện như vậy, sao bác hai tôi lại viết làm chi (nội bộ gia tộc biết là quá đủ rồi) và giờ in ra sách nữa, người đọc sẽ nghĩ gì về ba tôi?

Lẽ ra tôi cũng không kể ra đây, nhưng vì sách đã xuất bản, nên tôi cũng xin kể ra đây luôn để mọi người hiểu rõ và bình xét cho ba tôi:

“Lúc bác hai lâm bệnh (1996) nằm điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trãi, ba tôi ở Sốc Trăng lên thăm, khi tôi và ba tôi mới vừa bước vô phòng, nhìn thấy ba tôi, bác hai tự dưng mắng chửi ba tôi xối xả: “Cảnh, tại mày mà gia đình tao tan nát…”. Nếu như bác hai nước mắt nước mũi tuôn ròng ròng… khóc ngon lành (như lời kể trên) còn tôi khi thấy ba mình bị như vậy, chỉ biết khóc nghẹn và cùng ba ra về.”

Con thương yêu, kính trọng bác hai bao nhiêu thì đối với ba, con càng yêu thương, kính trọng hơn gấp nhiều lần.

Nhưng trong trường hợp này, cho con được phép đứng về phía ba, vì chuyện ba con trút tro nhang lư hương như vậy, theo con nghĩ là không sai, và nếu có sai thì so với kẻ ngoại tình dẫn trai về nhà nhiều lần thì ai sai hơn? Chuyện xảy ra hồi đõ, bác hai và cô Tuyết tan vỡ, bác đổ lỗi tại ba trút bỏ tro nhang lư hương, con cho là không phải vì vợ ngoại tình thì trước sau cũng sẽ đổ bể, gia đình tan nát!

Buồn khi viết ra đây, nhưng khi phải im lặng càng buồn hơn!

V.Q.T 

26/4...


 “Nghêu nước ngọt 18 ngàn một ký, nấu canh, nấu cháo, hấp hành, hấp xả nghêu đây nghêu đây”… nghe tiếng rao, bà xã nói liền:

- Nghêu chết hay sao làm gì có giá rẻ thế?

- Nghêu chết bán ai mua, vậy giá bao nhiêu?

- Nghêu nhỏ xíu, giá cũng 40 ngàn, còn không phải 60 ngàn một ký!

Chỉ nghe, không thấy tận mắt nên không biết thực hư ra sao?

Thôi cười trừ, tội gì không cười, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, một ngày không có tiếng cười là một ngày lãng phí. 🙂 🙂

V.Q.T

24/4...




Hôm nay chặt mấy nhánh cây si mọc um tùm, nhất là rể của nó đâm luông tuồng trên mái nhà lâu ngày sẽ bị dột…

Dòng thứ cây ký sinh nó sống bám và bao quanh cây chủ làm chết queo cây xoài cổ thụ của bác hai Sển, nó cứ sinh sôi và phát triển cùng mấy căn nhà, phòng xây dựng một cách vô lối phá tan cảnh vật xung quanh xưa nay vốn vĩ yên bình của ngôi nhà cổ Vân Đường Phủ.

Chặt cây tuy mệt lã cả người, nghỉ chốc lát sẽ hết, nhưng cái mệt và đau trong lòng khi thấy ngôi nhà cổ của bác hai Sển điêu tàn theo năm tháng… không làm cách nào hết được!

V.Q.T 

Hên hay xui?...

 


Tự dưng một con chim se sẻ bay vào nhà…. báo hiệu có điểm nhưng xấu hay tốt?

Ngày hôm sau, tui có giấy mời của công an TP hẹn 8g sáng đến trụ sở công an phường làm việc về một Fanpage do tui quản lý.

Đúng hẹn 8g sáng 22/4, tui có mặt tại trụ sở công an phường để làm việc về vấn đề nêu trên.

Kết cuộc buổi làm việc, tui vẫn bình an!

Vậy là hên hay xui?

V.Q.T

Thầy Thu của tôi...


Dư luận đang xôn xao về việc thi và học môn sử với 2 luồng ý kiến khác nhau: có ý kiến cho rằng môn lịch sử không nên để tự chọn vì ít học sinh theo học. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng cách dạy và học sử trong trường nên thay đổi để thu hút học sinh.

Để trả lời cho vấn đề này, tôi xin kể lại chuyện dạy và học sử ở thập niên 70.

***


“Thời đó, tôi đang học bậc trung học ở trường La San - Khánh Hưng, Sóc Trăng, môn sử - địa do thầy Nguyễn Văn Thu đảm trách giảng dạy từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ.

Thầy chạy xe vespa sprint màu xanh lam và đeo kính mát đen, mặt thầy có vết thẹo trông rất ngầu, nên trò đặt biệt danh là “Thu thẹo” nhưng thầy lại dễ và hiền vì thầy chưa đánh đứa nào cả!

Trò nào cũng thích môn sử - địa vì cách dạy của thầy rất khác biệt, rất thú vị và dễ nhớ. Môn sử có nhiều truyền thuyết về nhân vật chống giặc ngoại xâm… được nghe thầy kể y như truyện thì quá hấp dẫn và dễ nhớ? Môn địa cũng vậy, thầy cũng kể thế mạnh kinh tế nước này nước nọ ra sao… thầy không chỉ nhớ chính xác năm tháng mà thầy thuộc nằm lòng vẽ vanh vách một mạch bản đồ địa lý một quốc gia trên bảng, để trò vẽ theo trong tập rồi thầy sẽ chấm điểm. Cuối tháng thầy sẽ cộng điểm vẽ và điểm trả bài cho mỗi trò. Thầy dạy thì thích rồi, chỉ có ngán một điều là phải trả bài cho thầy.

Cách kiểm tra của thầy là trước khi dạy bài mới, thầy sẽ kêu vài ba đứa lên trả bài cho điểm, đọc thuộc làu làu, rõ và lớn được điểm cao, đọc lấp vấp điểm thấp, không thuộc thì zero điểm, hoặc có khi thầy cho nợ lần khác, lần hai có điểm nhưng sẽ không cao.

Tôi nhớ có lần bị thầy gọi lên trả bài đúng ngay chóc lúc mình không thuộc bài, tim đánh thình thịch, thôi đánh liều thử xem sao? Hôm đó, khi lên trả bài tôi chỉ đọc rõ vài câu đầu trong bài, sau đó nhép miệng lí nhí y như đang thuộc bài và khi kết thúc bài đọc rõ chữ cuối. Thầy nghe xong gật đầu và cho điểm. Mừng quá trời luôn, về khoe với mấy đứa mánh của mình, tôi nhớ hình như mấy đứa nữa lọt qua chỗ hở của thầy từ mánh của tôi!

Đâu phải thầy lúc nào cũng chuẩn xác hết đâu, vẫn có chỗ hở chứ! Trò thì người đời có câu “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” là vậy!”

Thầy tôi khi dạy không bao giờ cầm sách, lối dạy của thầy là kể chuyện nghe rất hấp dẫn nên môn thầy dạy trò nào cũng thích. Với lối dạy như thế nên thầy không chỉ dạy ở trường tôi mà nhiều trường tư thục khác như trường Trần Văn, trường Lam Sơn, trường Tố Như… thời đó, nói đến thầy Thu dạy sử - địa ở Sóc Trăng ai cũng rõ biệt tài của thầy!

***

Không biết bây giờ có ai dạy môn này như thầy Thu của tôi không? Theo tôi cách thầy dạy là hiệu quả nhưng có vẻ hơi cá biệt? Không phải ai cũng kể chuyện được như thầy.

Nhưng dù sau, tôi đồng tình với ý kiến thứ hai, có nghĩa là nên đổi mới cách dạy và thi cử để học sinh học môn sử cảm thấy thích thú và không chán ngán khi thi.

V.Q.T

P/S: Thầy Thu đeo kính và học trò lớp của Việt em tôi (bìa phải) ở trường La San - Khánh Hưng, Sóc Trăng. 

Hắn...


Là lối xóm, nhà hắn ở đối diện nhưng chẳng có mấy khi tui nói chuyện với hắn vì hắn làm thầu đề, còn tui lại không ưa cái nghề ngỗng này chút nào, gặp hắn né được là né mặc dù nhiều lần hắn muốn bắt chuyện làm quen!

Nhưng… vừa rồi, tui mới vừa dẫn xe ra cửa, chợt có một ông sồn sồn chạy chiếc cúp 50 phân khối, loại xe Nhật nhập khẩu mới ken, đến trước nhà hắn mua số đề, khi hắn đưa giấy ghi đề cho khách, hắn ghẹo khách, cố ý nói lớn để tui nghe:

- Sao ông không mua mô tô phân khối lớn chạy cho bảnh? Tiền nhiều để làm gì?

- Thôi, già yếu rồi dẫn sao nổi mà chạy xe phân khối lớn.

Nói xong, khách chạy đi, hắn nhìn sang tui liền bắt chuyện:

- Ổng mới bán đất đai được hơn 50 tỷ đồng.

Tui nghe rất lấy làm ngạc nhiên, hắn nói tiếp:

- Ổng lại ở một mình, không vợ con, người thân gì hết. Nhiều tiền lắm vậy chứ ổng nổi tiếng là trùm sò.

Thấy tui chỉ cười, gật đầu và không nói gì thêm, hắn đi vô nhà.

Còn tui thầm nghĩ, lạ thật, người giàu lắm tiền như thế mà vẫn mê chơi số đề! Ma lực của nạn đỏ đen này ghê thật! Đã nghiện thì không bỏ được! Nhiều người tán gia bại sản cũng vì “nghiện cờ bạc, đề đóm” mà ra.

Bởi vậy cho dù người đời có câu “bà con xa không bằng láng giềng gần”, ở trường hợp tui với hắn nhà gần kề biết bao nhiêu năm rồi vẫn là “láng giềng càng xa, càng lạ, càng tốt bấy nhiêu”…

V.Q.T 

Cũng có lý...

 Hôm rồi đang ngồi với mấy chiến hữu lai rai ở quán, sau khi tan hàng ra về, bỗng dưng ở bàn kia, có người chào hỏi, mắt mũi mình lem nhem nhìn thoáng tưởng là quen, ai dè người lạ.

Mấy người lạ đó bắt chuyện làm quen vì thấy tui để tóc dài buộc đuôi gà giống 2 người trong bàn cũng để tóc như thế!

Họ chào vả mời tui vào bàn, chơi luôn! Người ta có lòng thì mình có bụng!

Thế là uống thêm mấy ve nữa, dù mệt thấy mồ nhưng ráng uống để giữ thể diện hông thôi bị “quánh” giá sao? Ha ha…

Ngồi cà kê nhiều chuyện một hồi, té ra có người trong bàn có bạn là bạn với mình, vậy thì cũng có dính líu dây mơ rễ má chứ đâu phải là xa lạ, người ta vẫn hay nói trái đất tròn là vậy!

Đây không phải lần đầu mà đã nhiều lần tui có những cuộc gặp gỡ bất chợt như thế, và đáng nói là mấy lần bị cảnh sát thổi phạt nhưng không sao cả cũng nhờ có mái tóc buộc đuôi gà đó nghen!

Đôi khi để mái tóc buộc đuôi gà cũng có lý chứ bộ!


V.Q.T

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Công nghệ dịch vật...


 Bày đặt công nghệ 4.0, app này app nọ cái khỉ gió gì mà khi ngưng dịch vụ cáp và mạng buộc khách hàng đến tận cửa hàng và mang đủ phụ kiện modem, remote… thanh toán cước phí chấm dứt hợp đồng, giấy tờ lằng nhằng, đủ thứ hầm bà lằng xắng cấu… rồi còn xác nhận qua app đã hoàn thành thủ tục.

Nhưng có ai ngờ?

Cắt hợp đồng từ tháng 1/2022, vậy mà vẫn có thông báo tháng 2 nợ 33.000đ, rồi tháng 3 nợ 346.500đ???? Khi gọi lại mắng vốn thì nhân viên bảo để xem lại, sau đó mấy tiếng lại có thông báo giảm còn nợ 165.000đ????

Cũng may là tui đã cắt dịch vụ trả tiền qua tài khoản ngân hàng rồi, vì làm thủ tục cắt hợp đồng trễ, đã bị trừ tiền từ tài khoản oan mạng mấy tháng rồi, giờ tuy không bị trừ tiền nhưng thông báo nợ vẫn gửi như trên, có nghĩa là trên danh nghĩa tui vẫn còn nợ?????

FPT rêu rao mình “với sứ mệnh tiên phong mang Internet, mang kết nối đến với người dân Việt Nam cùng mong muốn lớn lao mỗi gia đình Việt Nam đều sử dụng ít nhất một dịch vụ của Công ty, FPT Telecom đang nỗ lực thực thi Chiến lược “Mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng” trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa cốt lõi “Lấy khách hàng làm trọng tâm” và nền tảng sức mạnh công nghệ FPT, từ đó tiên phong trở thành Nhà cung cấp dịch vụ số có trải nghiệm khách hàng vượt trội, tốt nhất tại Việt Nam.”…

Tốt cái con mẹ gì mà chuyện nhỏ nhoi như cọng lông dái của tui mà lằng nhằng, dây dưa… đến giờ vẫn chưa giải quyết xong… là sao?

Công nghệ 4 chấm dịch vật…

V.Q.T

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Thử đi...

 Lâu ngày gặp lại một người bạn, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm đủ chuyện trên trời dưới đất, xưa nay… chợt nhớ bạn hỏi:

- Ê mậy! Tao trông mày coi bộ khỏe nghen! Có mắc bịnh gì không? Có phải uống thuốc điều trị tim, ruột, gan, thận, phèo, phổi… gì không?

- Không?

- A đù, thiệt hông mậy?

- Thiệt!

- Tao huyết áp cao, tiểu đường, lúc nào cũng mang theo thuốc uống suốt cuộc đời còn lại, chán thấy mẹ luôn… Mày hay thiệt, sướng thiệt, giỏi thiệt?

Tui cười, nói:

- Hay mẹ gì, hơn chục năm nay rồi, tao có đi khám sức khỏe đâu mà biết? Bạn bè, vợ con khuyên nên đi khám sức khỏe, tao thấy trong người hiện giờ vẫn ổn, nên vẫn chưa chịu khám, đúng là có ỷ lại, nhưng kệ nó đi, tao cũng có cách để dưỡng sức khỏe chứ?

- Vậy à? Cách gì?

- Mỗi sáng tao thay phiên có lúc uống trà, có lúc cà phê, thỉnh thoảng uống ly rượu chát và chuyện kia học theo lời khuyên của lương y chỉ dẫn: “Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh sổ trản trà/ Nhật nhật cứ như thử/ Lương y bất đáo gia”. Có nghĩa là: “nữa đêm uống uống 3 chung rượu nhỏ/ buổi sáng uống một chén trà/ mỗi tháng ái ân một lần/ thầy thuốc sẽ không ghé nhà”.

- Thiệt hông mậy?

- Thì tao thử hơn cả chục năm rồi, thấy được và ổn!

- Mừng cho mầy!

- Cám ơn mày! Tới đâu tính tới đó mày ơi! Nhưng tao thấy có mấy người thân lớn tuổi, họ dùng thường xuyên thực phẩm chức năng BHB Cordycep like new Đông Trùng Hạ Thảo tốt cho sức khỏe, vì nó chứa các thành phần giúp ăn ngon, tăng hấp thu như Lysine HCl. Tao cũng mua tặng cho người nhà dùng thử, thấy OK lắm?

- Nghe mầy nói cũng có lý, chắc tao sẽ bắt chước thử coi xem sao?

- Ừ! Thử đi cho biết!


V.Q.T

P/S: Bác 2 Huy 92 tuổi đã dùng Cordycep Like New Đông Trùng Hạ Thảo.

11/4...

Thấy trên Facebook của bạn Minh đăng mấy tấm ảnh bạn học cũ chụp năm 2017 về thăm lại trường xưa, tui xin bổ sung thêm những bức ảnh gợi nhớ kỷ niệm xưa của tình thầy trò…

***



2 tấm ảnh từ thời học lớp năm và lớp tư ở mái trường La San - Khánh Hưng - Sóc Trăng, từ năm 1960 đến nay đã 62 năm, mấy tấm ảnh này giở là đồ cổ rồi!

***







Còn mấy tấm ảnh bạn bè hẹn gặp nhau khi có bạn Việt kiểu về nước, hẹn nhau chụp ở chốn cũ trường xưa năm 2017, 2018 và 2019.

***


Bạn nào cũng xấp xỉ ở tuổi thất thập cổ lai hy hết rồi, ở tuổi này mà còn gặp nhau và nhất là còn gặp lại thầy, frère đã dạy chúng mình nữa thì thật là niềm vui và hạnh phúc khôn tả!

Thời gian có thể làm phai mờ nhiều thứ nhưng tình bạn và thầy trò vẫn sâu đậm!

V.Q.T 

Chiều 8/4...

Sau đợt mắc dịch nó hoành hành, gần 2 năm nhóm bạn hữu và đồng nghiệp làm báo mới có dịp ngồi ở chốn cũ bờ kè, điểm nhậu của nhóm vì ngon mà rẻ, không khí nơi đây ban đêm rất thoáng đãng và mát mẻ, cô chủ quán lại dễ thương, tụi này đến nhậu đem theo mồi, đem rượu tới cô chủ vẫn tươi vui, khách quen mà, thử hỏi quán vậy thì làm sao không đến nhậu thường xuyên?

Lâu mới gặp lại nhắc chuyện cũ mới thấy thời gian đi nhanh quá, bọn mình thường xuyên gặp nhau nơi này đã 14 năm rồi còn gì?

Gặp lại bạn bè, ai cũng mừng vui, thì cứ vui được lúc nào hay lúc nấy vì ta có thể có nhiều thứ còn thời gian thì không,




V.Q.T
 

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

Nhớ...

Lục trong cuốn album thấy tấm ảnh này, có lẽ được chụp ở khoảng 1963-1964, lúc đó tui đang học lớp nhì hay lớp nhứt gì đó?

Bác hai trai, bác hai gái và anh Bảo ở Sài Gòn về thăm nhà ở đường Hai Bà Trưng, Sóc Trăng, ngôi nhà mà hồi nhỏ bác trai tui từng sinh sống ở đây, đến năm 1919 bác hai được ông nội đưa lên Sài Gòn ăn học, khi thành tài bác hai sinh sống là lập nghiệp luôn trên này

Giờ cả nhà bác hai về thăm lại ngôi nhà xưa, cũng là thăm người sinh sống trong ngôi nhà này, khi đó gồm có gia đình của ba tui, gia đình bác ba, cả thảy là 14 người.

Nhớ là hồi đó, khi bác hai gái kêu tui lại để cho tiền, tới đứng trước mặt bái gác, hai tay hổng biết để đâu, đang vặn vẹo người, một tay thì gãi đầu, một tay để phía dưới trước thằng nhỏ… bác gái cười chọc và nói “bộ con sợ mất cu sao mà để tay che chỗ này?”. Khi bác gái đưa tiền, vừa cầm tiền trong tay, tui nói cám ơn rồi vụt bỏ chạy vì mắc cỡ thấy mồ luôn!

Bây giờ cả nhà bác hai (3 người) ba và má, bác ba trai, bác ba gái và chị tư Nga đều là người thiên cổ hết rồi… thời gian đã lâu lắm lắm rồi, ký ức vẫn in đậm trong tim!


V.Q.T

P/S: Hàng trên phía sau, từ trái qua là ba tui đang ẳm Nam em tui, má tui, bác ba gái, bác ba trai bế chị Tuyết Mai, bác hai trai và bác hai gái. Hàng giữa tử trái qua, anh ba Nhựt, chị Kim Anh, chị tư Nga (con của bác ba) và anh Bảo (con của bác hai). Hàng trên phía trước từ trái qua, anh Lộc, chị Hoa, Việt em tui, anh Đức (con của bác ba) và tui. 

Thanh minh...

 Như thường niên, năm nay tuy trong họ hàng vắng mặt một số bị Fo nhưng người thân đi tảo mộ vẫn còn đông đúc!

Chiều 2/4, tảo mộ bên nội.

Sáng 3/4, tảo mộ bên ngoại, đặc biệt là gia đình mợ 3 có việt kiều về thăm kết hợp tổ chức mừng thọ 102 tuổi cho mợ, sum họp đại gia đình gần cả trăm người với 4 thế hệ…

mợ ba không còn nhớ nhiều nữa nhưng tiền lì xì của con cháu mừng thọ đố ai lấy được? 🙂

Thanh minh một ngày giỗ báo hiếu, trả nghĩa, hướng về cội nguồn thấm đượm tình sâu nghĩa nặng.








V.Q.T