Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

30/8..

 


Sáng nay chạy ra đường mới biết, con đường Bình Lợi đoạn từ cầu vượt đường ray xe lửa vào khu dân cư Bình Lợi, nó được trải nhựa láng cón.

Đoạn đường này so với những chỗ khác nó vẫn lành lặn và còn tốt hơn nhiều, nhưng nó lại được nâng cấp liên tục, theo như tui biết đây là lần thứ ba rồi chỉ trong vòng có mấy năm! Lề đường cũng vừa lót gạch.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc, tui xin thưa khu dân cư này có nhiều “quan nhớn” ở!

Đôi khi những điều ta muốn nó không đến nhưng cũng có những điều bất ngờ nó lại đến!

TUẤN RÂU

Ảnh chụp sáng nay

Tối 24/8...

 


Christopher “Chris” Hemsworth là một diễn viên người Úc. Anh được biết đến nhiều nhất qua vai diễn Thần Sấm Thor trong các bộ phim thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel như Thor (2011), The Avengers (2012), Thor: The Dark World (2013), Avengers: Age of Ultron (2015), Thor: Ragnarok (2017), Avengers: Infinity War (2018), Avengers: Endgame (2019) và Thor: Love and Thunder (2022) cũng như trong series truyền hình What If...? chiếu trên Disney+. Vai diễn này đã giúp anh trở thành một trong những diễn viên hàng đầu và được trả cát-xê cao nhất thế giới.

Ảnh TUẤN RÂU - vẽ bằng bút bi

Suy luận tình đời...

 Suy luận cho kỹ, cũng không nên buồn, không nên chán nản. Tình đời là vậy. Thức đêm mới biết đêm dài. Sống lâu mới rõ cái gì quá lâu vẫn tai hại và không nên ham sống dai làm gì. Ngẫm lại để an ủi: gương ngoài Bắc, thử hỏi bà Bé Tý (có người gọi bà Chánh Tý), hoặc Bạch-Thái-Bưởi, có còn gì? Cũng như trong Nam, Vĩnh-Long có ông Hàm Nuôi (cũng quen gọi Phán Nuôi, chủ chiếc tàu Lê-văn-Nuôi) mua sắm đồ sứ cổ chứa đầy nhà, khi nhắm mắt, của vẫn tứ tán, rốt lại cháu con bán đổ bán tháo, không đâu tới đâu, và như ông Trần-Trinh-Trạch, hội đồng quản hạt đất Bạc-Liêu, giàu nhở ruộng muối, khi nhắm mắt, bầy con, công-tử hắc-quải là Ba Qui, công-tử út là Tâm Bò, đều chết mất và chính hội đồng Trạch ấy, thầy Tư Nên đoán trước vận số là “chết không có hòm chôn”, rõ lại quả thật về sau, mấy đứa con đi mua quan tài tầm cho cha, nhè nhớ không kỹ, lựa hòm cụt ngẳn, khi liệm phải lột giày thây cha, không hòm chôn là như vậy. Kết luận có thể nói không sai, ở đời không nên quá ham sống lâu, đừng chúc tiệc cưới “bách niên giai lão” mà cũng đừng chúc già “sống bá niên trường thọ”.

Mảng ham lý luận sa đả, rốt lại nên sống vừa phải, tuổi bảy mươi đã là “cổ lai hy”, sách nói không lầm, sống hơn số ấy, đến phải lẫn lộn, nói tầm ruồng, bạ ỉa bạ tiểu, làm khổ cho con cháu con mà thôi, hoặc giả sống hơn số đó phải tiên liệu và sáng suốt chia của cho sớm, họa may có hy vọng khỏi buồn phiền về sau. Sức bực vua chúa như Thanh Khang-Hy, mà chúc-ngôn còn bị tráo, và bên ta, Tây-Sơn Quang-


Trung lấy của của họ Trịnh, của ấy lại lọt về vua Gia-Lòng, rồi đến nay, cũng vẫn nào còn? Bên Pháp vua Louis XV để lại câu bất hủ “Après moi ledéluge” là thậm phải, và chung qui, châu báu ngọc ngà của Trung Quốc, cổ vật báu vật truyền thống từ Hán đến Thanh, lại phải chuyển qua xứ Anh, qua Mỹ-quốc, rồi mới được trả về Tàu, nhưng trụ ở Đài-Loan, há chăng là phải tin nơi mạng số, và xin cho tôi nói để chấm dứt, tỷ như thành Paris, cầu kỳ, đền đài, chí độc của Hitler sai phải tàn phá nhưng nhờ sự sáng suốt của tướng Von Choltiz, cãi lời chủ, mang tội với một tên tán loạn  tâm thẩn và được ơn với thế gian, Von Choltiz cho rằng Paris phải cứu độ là vì nền văn minh của nhân loại, những chuyện ấy há không phải do nơi “định mệnh” hay sao? Gương Mazarin sưu tập kim cương mà lâm chung chết xác tay không và trao của báu, mà Louis XV chỉ ham đàn bà đẹp và không thích hột xoàn, đó lại là sao? 

Trích “Tạp bút năm Ất Hợi 1995” của bác Vương Hồng Sển.

V.Q.T

P/S: Bác hai Sển là nhà “cổ học” có uy tín trong và ngoài nước, người từng trải và có nhiều kinh nghiệm trưởng đời, bác viết sách khuyên người nhưng đến phận mình khi mất năm 1996, bác đã di chúc hiến tặng ngôi nhà cổ (Vân đường phủ) và toàn bộ bộ sưu tập đồ cổ giá trị của mình cho Nhà nước (tổng cộng 849 cổ vật khác nhau) với ý nguyện thành lập "Nhà lưu niệm Vương Hồng Sển"… đến nay vẫn không thành và trở nên hư vô. Phải chăng, đó cũng là mạng số như bác nói trong bài viết nêu trên.

Chiếu 23/8...

 


Roger Federer là vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Thụy Sĩ được gọi với biệt danh là Tàu tốc hành.

Roger Federer được nhiều chuyên gia, cựu danh thủ cũng như nhiều tay vợt đánh giá là một trong những tay vợt xuất sắc và vĩ đại nhất mọi thời đại.

Ảnh TUẤN RÂU

chiều 22/8...


 Rafael "Rafa" Nadal Parera là một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp người Tây Ban Nha hiện đang giữ vị trí số 3 thế giới. Nadal được đánh giá là một trong những tay vợt xuất sắc nhất mọi thời đại.

Ảnh TUẤN RÂU

Chiều 18/8...


Heath Ledger là một diễn viên Úc từng đoạt giải Oscar. Sau khi thực hiện các vai truyền hình trong thập niên 1990, Ledger đã phát triển sự nghiệp ở Hollywood. Anh đóng những vai chính trong nhiều phim, bao gồm The Patriot, Monster's Ball, Casanova, Brokeback Mountain và The Dark Knight.

Anh mất năm 2008 vì nhiễm độc – đây là một tai nạn ngoài ý muốn, do việc sử dụng quá liều nhiều loại thuốc khác nhau.

Ảnh TUẤN RÂU

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Mẹc-xi bóp-cu bạn già...


 Ban đầu đau vai, sau đó tê đầu ngón tay trỏ, rồi tê cả cánh tay… đi khám theo chuẩn bảo hiểm y tế ở bịnh viện Gia Định. 3 lần, lần nào cũng y chang như nhau, bác sĩ chẳng ngó ngàng tới cái mặt già của tui. Bác sĩ chăm chăm nhìn máy vi tính và gõ, kê toa vậy thôi.

Lần đầu bác sĩ nữ sau khi nghe tui khai bịnh, bác sĩ hỏi có té hay đụng chạm ở đâu không. Tui nói không. Bác sĩ dặn đừng có mang cái gì nặng hơn 2 kg. Xong, kê thuốc uống 1 tuần. Hẹn tái khám.

Lần hai, bác sĩ nữ nhìn giấy đo huyết áp chỉ số 175, bác sĩ nói và dặn: “hơi cao, về nhà kiểm tra lại huyết áp, nếu thường xuyên cao phải điều trị huyết áp. Xong, kê thuốc uống 2 tuần. Hẹn tái khám.

Lần ba, bác sĩ nam, tui khai bệnh, uống thuốc không bớt và đầu ngón tay tê. Xong. Kê toa uống 2 tuần, thuốc của 3 toa đều y chang, chỉ khác lần này bớt lại chỉ có 2 loại thôi, 2 lẩn trước 4 loại. Hẹn tái khám.

Sau đợt khám lần ba, tự nhiên cánh tay phải đau, giơ lên rất khó, ngón tay tê nhiều hơn, cảm giác bịnh tình nặng thêm. Cứ nghĩ và lo, định bụng sẽ đi khám bác sĩ tư xem sao. Nhớ thằng bạn già chủ hiệu pharmacie nên hỏi: tao đau vai và tê ngón tay. Nghe vậy nó phán liền: mày chụp MRI cột sống cổ đi, tao chắc nó bị chèn thần kinh nên làm tê ngón tay. A đúng rồi, bạn mình nó phán bịnh đúng, tui cũng nghĩ là vậy, mừng quá, tưởng bịnh gì nặng ghê gớm nguy cho thân già còn ham vui lắm. He he, mừng quá đi thôi!

Đúng vậy, bữa nay bớt nhiều, ngón tay ít tê và cánh tay hết đau, cũng nhở một phần tui massage xung điện cánh tay.

Mẹc-xi bóp-cu bạn già. Còn mấy bác sĩ mẹc-xi xíu xiu thôi và bái-bay không tái khám nữa nghen!

TUẤN RÂU

Ảnh chôm trên mạng

Đợi...




 Điếu thuốc ta cầm ta hút

Tan theo làn khói bởi ngần lãng quên

Tìm nơi trao gửi thì thầm

Làn nào cho nhớ sợi nào cho em.

TUẤN RÂU

Ảnh chụp trưa nay lúc đang đợi chờ…

12/8...


 Sáng nay chở bà xã đi chùa Xá Lợi lễ Phật và thắp nhang cho con trai vì lúc nó mất để di ảnh tại đây.

Tui đứng ở ngoài ngóng chờ, nhìn thấy một có gái trẻ đẹp đứng thắp nhang trước lư hương ở cổng chùa, xong cô gái móc tiền trao cho mấy người ăn xin, cô ta vừa đưa tiền xong và cúi đầu… Chợt nghĩ đây là tháng bảy âm lịch, người Việt mình, không thể quên ngày rằm tháng bảy, đón lễ Vu Lan, cái lễ mang ý nghĩa của sự Báo Hiếu cũng như tưởng nhớ đến người quá cố, cũng là tháng bảy mưa ngâu trời mưa không dứt với tích “tương truyền trời phạt cho đôi vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ vì quá yêu nhau mà quên bổn phận chăm sóc đàn trâu mà trời giao phó. Trời tức giận mới đày hai vợ chồng xuống nơi bờ sông Ngâu, nhưng chia rẽ cặp đôi, chồng ở bên bờ này và vợ bờ bên kia. Họ chỉ được gặp nhau một lần vào đúng ngày mồng bảy tháng bảy, theo âm lịch. Và khi gặp nhau, chắc chắn là họ chỉ biết ôm nhau mà khóc! Nước mắt của họ rơi xuống trần gian và thành mưa Ngâu.”

Có lẽ cô gái ấy đi chùa khấn Phật là để cầu phước, cầu lộc, cầu duyên và báo hiếu… một cô gái trẻ đẹp, ngoan đạo và trọng người dưới cái nhìn của tui. Thế là tốt, mong cho cô gái ấy được toại nguyện.

Trên đường về, đi đến đoạn đường Điện Biên Phủ gần tới Đinh Tiên Hoàng xe hơi chờ đèn đỏ nối dài, nên tui phải luồn sát bên trái để quẹo qua đường Phan Ngữ, một chàng trai trẻ luồn từ đầu xe hơi chui qua đầu xe, vừa ló ra gặp phải lúc tui trở tới, hai bên khựng lại, tui cười nhường cho bạn trẻ, bạn ấy gật đầu chào, chỉ tay nhường tui đi trước. Tui thầm nghĩ, ý được, kính lão đắc thọ, một cử chỉ nhỏ thôi của bạn trẻ làm tui hài lòng lắm vậy! Gọi là gặp may, gặp phước cũng được mà!

Khi con trai mất, làm lễ cúng dường ở một chùa, sư chủ trì làm lễ ăn nói theo kinh kệ ngụ ý cho rằng con trai tui mất cũng là do quả báo từ gia đình ??? Từ ngày ấy đã hơn 13 năm, tui thề không bao giờ bước vô chùa!

Đại dịch covid vừa qua, nhiều gia đình mất mát người thân, trong số đó nhiều gia đình phật tử, hỏng lẽ những gia đình này theo như sư chùa kể trên họ đã bị quả báo!

Người ta đi chùa, cô gái trên đi chùa xin phước, xin lộc… còn tui không đi chùa nhưng hôm nay tui cũng gặp phước rồi còn gì!

Mọi người, ai ai sống và đối xử tốt với nhau là lộc và phước sẽ đến với mình và cho mọi người, tui nghĩ vậy và cầu mong có thế!

V.Q.T

Ảnh chụp ở chùa Xá Lợi sáng 12/8

Tối 10/8...

 


Ngựa hoang dã…

TUẤN RÂU

Nhớ Sốc Trăng quê nhà...

 


Tôi viết Sốc-Trăng, chữ gốc có dấu mũ, ắt có người cười tôi không theo kịp Đời Mới nay viết không dấu mũ nữa, nhưng ai cười ai nhạo mặc kệ, tôi vẫn y lối viết của anh bạn quá cố Lê-Ngọc-Trụ ghi lại trong bộ Việt-ngữ chánh-tả tự- vị, mà chính anh Trụ viết làm vậy chẳng qua là nghe theo lời của tôi định ninh, cắt nghĩa Sốc (có dấu mũ) ấy là làng Cao-Miên (Khmer), tức làng cổ thời gốc Miên, đi đổi sốc là đi buôn bán thập-vật trong sốc Thổ, cũng như trên miền-trên, đi buôn là đi đổi chác vật thực hàng hoá với đồng bào Thượng miệt trên Biên- Hoà trở lên đất Trung-Việt (Buôn- Mê-Thuộc). Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh: Sốc-Trăng là Srock-khléang, Srock là sốc, khléang biến ra tréang, trăng, đời Mình-Mạng biến ra Hán-Việt, trăng biến ra Nguyệt; sốc biến ra sông, nguyệt, khiến nên viết Nôm thì: tỉnh Sốc-Trăng, viết chữ Hán thì Nguyệt-giang tỉnh, vân vân…

Trên đây dài dòng là tôi nói đủ cho tôi nghe, chứ nay Sốc- Trăng của tôi, họ viết Sóc-Trăng, mặc dầu theo tôi, sốc là làng Miên, còn sóc là ngày mồng một, đầu tháng, trăng đâu mà gọi. Trên nầy và ngày nay, làng Đất-Hộ, tức Hộ của đạo Công-giáo, nhưng Đất-Hộ đá biến thánh Dakao, Tây rặt, nói Dakao thì thảy thảy đều biết, bằng như nói đi Đất-Hộ thì không còn hoặc ít ai biết lắm.

Tôi sa đà, nhưng không “cãi giống” đâu vì nay tôi đã tránh nói tục rồi, và trở lại bài viết nầy tôi viết là để nhớ quê-hương nhau rún của tôi.

Phàm làm người thì phải có quê-hương, nơi mình sanh ra, dù chỗ ấy xa xôi, kẹt hóc nhưng mình vẫn mến yêu, - con chim con chồn già đều nhớ rừng. Và câu cũ để lại: “trở đầu về núi”, “vật qui cố thổ”.

Hóc-bà-Tó, Hóc Môn, Đồng Xoài, Đồng lão Ngộ, Đồng ông Cộ, vân vân, các bạn trẻ ngày nay ít quan tâm đến, nhưng với riêng tôi, làng Xại-Nả, Xoài-Cả-Nả, Xài-Chum, Swoai Chrome, nay là làng Đại-Tâm, những địa danh cũ kỹ lỗi thời ấy, đối với tôi, tôi làm sao quên được và ngày mai nầy nếu phải nằm xuống có lẽ tôi phải về nằm nơi đất ấy mới yên tâm, vì đó là nhau rún của tôi vậy.

***

Ngày nay thành phố Sóc-Trăng (chính tả theo nay) đã phồn thịnh nhiều, tôi về thăm hai lần (năm 1989 và năm 1995), phong cảnh đã khác xưa rất nhiều, phố xá khang trang, nhà lầu cao ba tầng cũng có, chỉ trách đường xá không được khô sạch, và bận tôi về dự đám cưới một đứa cháu gái, tôi muốn đến viếng ngôi nhà của một người tôi mang ơn nhiều, tuy nay liên hệ với tôi không còn, bà Phủ hàm, mỹ danh bà Nguyễn-thị-Lâu, một nhà kiên cố địch thể với dinh Chủ-tỉnh đời Tây thuộc, có hàng ráo song sắt xung quanh, nhưng than ôi, nay đã biến thiên, bà nầy đã khuất từ năm 1931, con và cháu nay cũng hoặc đã khuất hoặc đã bất tài, biết hưởng của phụ ấm mà không biết giữ gìn, nay kẻ buôn người bán, muốn có địa thế làm ăn, đã lấn chiếm và xâm nhập luôn vào trong hoa-viên, nhổ hoặc che lấp mất những cây song sắt chung quanh hàng rào và xây dựng quán bán buôn, lều chứa đựng hàng bổi, vân vân, năm 1995, cách nay mấy tháng, tôi đi xe lôi muốn vào đốt một cây nhang hoài niệm người ân nhân và thân tộc cũ, nhưng không phương bước vào nhà được, trong nhà thì người lạ mặt có thân thế đã xây vách chen nhau cùng ở và hoa-viên đã là của người mới, có tiền của, có cậy hơi, đã bành trướng tự biết cho mình, mà chẳng lòng nào nhớ mảnh vườn và ngôi lầu đồ độ bà Phủ Lê-văn-An nầy nay đâu còn được như xưa, thậm chí một bồn chứa nước mưa (Pháp gọi là citerne), bà ra công của cho nhà làng sở tại Khánh-Hưng làm nơi chứa nước ngọt cho dân chúng có mà dùng trong những tháng hạn thiếu nước ăn nước uống, thế mà nay mất dạng, và đã thay thế bằng nhà cửa ấm cúng của nhân vật mới.

Tôi vì tiếc cảnh xưa nên viết vội có lẽ đụng chạm và tôi xin lỗi, và thầm tiếc cho bà nội người vợ quá cố của tôi, nếu hồn bà có kinh, xin chứng giám lòng thành của đứa cháu rể nầy, vô khả nại hà, chỉ còn lấy nước mắt đứa bất tài khóc người hải tâm mà danh tiếng đã bị chôn vùi với cục-thế.

Trích “Tạp bút năm Ất Hợi 1995” của bác VƯƠNG HỒNG SỂN

V.Q.T

*** Bác tiếc cảnh xưa của người, còn ngôi nhà cổ Vân Đường phủ của bác, kẻ ở đã xây cất băm nát ngôi nhà và đang điêu tàn theo năm tháng mà đau đớn lòng….

Khuya 03/8...


 Steve Jobs là doanh nhân và nhà sáng chế người Mỹ. Ông là đồng sáng lập viên, chủ tịch, và cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất ở ngành công nghiệp vi tính.

TUẤN RÂU

“BỌN ĐỆ TỬ CỦA THẦN EUCULAPE LÀ CHÚNG TÔI, CÓ LỜI THỂ PHẢI VỊ THA VÀ KHÔNG ĐƯỢC NHẬN CỦA CHO”..

 


Nhân cộng đồng mạng và dư luận đang lên án thiếu tá quân đội và giám đốc bệnh viện trong vụ tai nạn gây chết nữ sinh.

Mời mọi người đọc trích đoạn dưới đây của ông Vương Hồng Sển:

LƯƠNG Y LỚP XƯA

“Nhắc lại căn bịnh của tôi, tôi mang nó lê dài qua ngày tháng. Hôm cưới vợ và gặp anh ở Sa Đéc mới là nguy cho tôi chớ. Đêm tân hôn, tôi cất giấu gói thuốc viên đem theo đề phòng uống cơn nguy cấp, tôi nhét gói thuốc dưới gối rồi phải ra làm phận sự hầu hạ và rót rượu cho quan khách, nhở đâu vợ tôi ở trong buồng lục lạo bắt được gói thuốc, chị ta khóc cho một mách tưởng bạc phận vớ phải thằng chồng ghiền và khi tôi kiếm gói thuốc thì nó ở trong ống nhổ. Phải là chết cha tôi chưa? Tôi không dám nói một lời phản đối, mà cũng may nhờ ông bà phù hộ hay là nhờ cưới được con vợ có đít-lôm, mừng lòng nên trọn mấy ngày trăng mặt không đau bụng phút nào. Rồi vợ tôi sanh con đẻ cái cả bầy, thằng Ngôn (trùng tên với ông đốc phủ ở Phú Lâm sếp của hai đứa mình đó), rồi con Nga, thằng Ngươn, vân vân tôi đều lựa tên có chữ “Ng” đứng đầu cho xứng với câu anh nói giỡn năm xưa là một xâu tiền “ngành xĩnh”!

Từ năm anh đổi về Sốc Trăng, anh em mình cách biệt, sau đó tôi đau một trận cửu phần tử nhất phần sanh, anh đừng hỏi tôi năm nào, tôi không nhớ, duy biết chắc năm đó nhà thương Chợ Rẫy vẫn còn mang tên Hôpital Lalung Bonnaire và do chính ông này làm giám đốc, cũng như nhà thương Đồn Đất lúc ấy vẫn do ông bác sĩ Grall bổn thân điều khiển, cả hai ông là ông thầy thuốc kỳ cựu có công lớn với bản xứ và để nhớ ơn hai ông Hoa Đà nầy nên đã lấy tên đặt cho hai dưỡng đưởng quan trọng này. Tôi nhớ năm ấy tôi đau một trận kịch liệt, đau hơn lúc nào hết, vợ tôi thấy nguy quá, uống thuốc nào cũng trơ trơ, nên hoảng kinh chở tuốt tôi vào Chợ Rẫy.

Lúc đó thuốc men chưa hoàn bị như bây giờ, các tay danh thủ ở đây đều chạy mặt, phần thì vợ tôi nhờ giỏi tiếng Tây nên khóc lóc năn nỉ ông Lalung Bonnaire thiết tha quá, ông cầm lòng không đậu, bèn sai đem tôi ra xe nhà và ổng tự lái xe chở thẳng tôi qua nhà thương Đồn Đất. Ông lên thương lượng với vị giám đốc ở đây là bạn già đồng nghiệp hữu Grall, hai người đồng tình cho tôi vào nằm ngay khu bịnh thất dành cho hàng sĩ quan cao cấp nhà bình Tây, vì tôi là thằng anh-đi-rền nhưng làm tại dinh Thống đốc, lại nữa tôi đau một chứng kỳ lạ, cần khám phá có ích tương lai y học.

Lúc ấy chỉ có nơi đây có rọi kiếng quang tuyến X, ít ngày sau rõ được đầu dây mối nhợ của chứng bịnh tôi là cái bọng đái (vessie) có một túi nhỏ, khi nào túi nhánh ấy bị chất độc chứa nhiều thì sưng lên và hành đau bụng, và bây giờ tôi mới biết hèn chi có khi tôi uống thuốc Bắc hay ăn nhằm thứ gì không chịu thì tôi đi tiểu ra nước đục đen đen, lại nhầm tưởng đó là thuốc thần hiệu nên tống khứ chất độc ra, lại thêm tốn tiền nuôi mập bọn dung y báo đời. Grall và Lalung Bonnaire đều lưỡng lự, vì thuở ấy chưa ai dám mổ hay cắt bọng đái (bàng quang) vì sợ chỗ cắt không lành. Nhưng một cũng liều, hai cũng liều, vợ tôi can đảm làm tờ ưng thuận, khỏi nói lúc tôi đã kề chết nên nghe vợ tôi thuật lại thì tôi gật đầu chấp thuận theo, vì trong trí óc mơ màng nhớ lại vậy chớ hồi bọn Thổ đẻ mình đốt tiền đau thấu mây xanh, mà có hỏi mình có bằng lòng cũng chẳng! Và tôi nói cho anh Tư (gọi theo thứ tự của vợ trước) biết, tôi là người duy nhứt được hai ông đại đanh y Grall và Lalung Bonnaire thân hành giải phẫu, ơn ấy cho đến chết tôi không quên. Mỗi thứ cắt may xong xuôi rồi, khiêng tôi xuống phòng, ông Lalung Bonnaire về sở, lui cui lo phận sự và nghỉ chưa hết mệt thì ông đã thấy vợ tôi đầu bù tóc rối, níu áo blu-zông của ông, xin cứu mạng cho chồng. Số là dì phước nuôi bịnh thấy tình trạng sức khỏe tôi nguy kịch quá, đã thú thật và khuyên vợ tôi hãy kíp lo đồ liệm, vợ tôi nóng ruột đánh liều chân thấp chân cao chạy với kéo ông bác sĩ đầy lòng nhân từ Lalung Bonnaire.

Lại một phen nữa ông bỏ ăn bỏ ngủ, lấy xe chở vợ tôi trở vô Grall, đến phiên ông nếu áo ông nấy và hai người xuống khu bịnh thất… còn có một phòng việc chữa là cầu may sang máu. Nghiệt nỗi thời đó chưa có ngân hàng máu, lại cũng không thử trước để biết máu tôi thuộc loại O hay mô tê gì. Sẵn có hai anh Sơn đá gác bịnh, một Tây chính cống và một anh cà phê sữa mạt-ti-nít-quai, hỏi chúng chúng tình nguyện hiến máu, bèn cắt mạch máu hai bên tay tôi và nối ống cái sự sang máu từ hai thằng Pháp qua một thằng Việt. Nhờ đó mà tôi thoát chết. Rồi lần lần tôi đi đến khỏe khỏe và chờ ngày phục bịnh. Thiệt là ơn cải tử hoàn sanh. Một buổi trưa chủ nhựt, vắng im trong phòng, tôi tập nói như đứa con nít lên ba và mấy tiếng nói đầu tiên của tôi là để tỏ lòng tri ân của tôi đối với hai anh bạn khác màu da và khác quốc tịch. Anh lính chà đáp. Nói vậy là mầy hết chết rồi hả! Ơn với nghĩa làm gì? Đ.m! Hai đứa tao có biết mầy là ai? Cái tục lệ nhà binh, ai nằm phòng nầy là sĩ quan cao cấp, hai tao bị chỉ định phụng sự mày thì chỉ biết phụng sự chớ nào có việc ơn với nghĩa.

Lại nữa, mấy tuần nay, mầy bỏ cơm bỏ cháo, phần rượu chát sắp đôi của mầy, chúng tao nốc trọn, nếu kể về ơn nghĩa thì chúng tao thọ ơn mầy chớ mầy nào thọ ơn chúng tao. Thôi, để tính vầy cho gọn. Nay mầy đã khá, vậy thì rán giữ thân đừng nhõng nhẽo, đừng làm gì bậy bạ, hãy ngủ yên cho sớm để may nầy quan thầy lại viếng bịnh nếu mầy không có nóng lên độ, đó là mấy trả ơn chúng tao rồi đó. Chúng tao cho mầy biết, tụi tao nục quá rồi.”

“Sau khi ra nhà thương, được giấp phép cho nghỉ hai mươi chín ngày, việc làm đầu tiên của vợ chồng tôi là mua chút ít lễ vật, nho cam, và vợ tôi trích trong của hồi môn một đôi vàng chạm chưa tới một lượng, hai tôi vào nhà ông Lalung Bonnaire, ông mừng rỡ, bắt tay thân mật và hỏi thăm tình trạng sức khỏe lăng xăng. Chúng tôi nài nỉ xin ông nhậm chút lễ thành là một cách chúng tôi tỏ lòng ghi ơn tái tạo, nhưng nói cách mấy ông cũng một mực từ chối. Vợ tôi nài nỉ mãi, bỗng ông cười xoà mà rằng: Tôi đã có cách giải quyết vụ rắc rối nầy. Số là tôi sẽ về hưu nay mai. Vậy thì để tôi để địa chỉ lại cho vợ chồng thầy. Nếu thầy thật không quên ơn tôi thì thầy nhớ thỉnh thoảng đôi ba tháng viết cho tôi ít chữ cho tôi. Kể tình trạng sức khỏe của thầy sau cuộc giải phẫu thành công mà kết quả không do tôi mà do sự mát tay của đồng nghiệp hữu kỳ tài Grall của tôi đó. Vợ chồng thầy là người có học chương trình Pháp, ắt hiểu rằng bọn đệ tử của thần Euculape là chúng tôi, có lời thề phải vị tha và không được nhận của cho. Hãy cất đôi vàng đi. Nhưng để thông cảm và khỏi mất lòng nhau, tôi đề nghị bà Ngân (*) hãy ôm mớ trái cây xuống trại bịnh lao mà tặng chị họ, có lẽ họ cám ơn bà hơn là bà đem cho mấy thằng đồng bịnh thất của chồng bà trong mấy tuần qua, bọn chúng chỉ biết có rượu và gái mà thôi.

À! Tôi sắp quên! Thằng con út của tôi vừa bốn tuổi đòi chèo chẹo bảo mẹ nó mua cho nó vịt con đề chơi. Như thầy quyết đã muốn đền ơn tôi, vậy thầy ra ngay chợ bán gà, mua cho con tôi sáu con vịt ra ràn, đừng lựa vịt lớn, hãy tìm những con còn lông măng màu vàng lườm, nó càng la lớn càng tốt, vì thằng con tôi thích nghe tiếng chim kêu và vịt la. Thôi từ giã, rán giữ sức khỏe. Chúng ta gặp nhau chưa phải lần chót”

Trích đoạn “Lương y lớp xưa” trong “Hơn nửa đời hư” của tác giả Vương Hồng Sển.

(*) Ngân là bạn ông Sển, người bị bịnh kể chuyện mình cho ông Sển.

V.Q.T

Tối 02/8...

 


Johnny Depp là một diễn viên, nhà sản xuất và nhạc sĩ người Mỹ.

Anh là người nhận được nhiều giải thưởng khác nhau, bao gồm Giải Quả cầu vàng và Giải của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh, cùng với các đề cử cho 3 Giải thưởng Viện hàn lâm Mỹ và 2 Giải thưởng Điện ảnh Viện hàn lâm Anh.

TUẤN RÂU

Chiều 01/8...

 


JOHN LENNON là một nam ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công và nhà hoạt động hòa bình người Anh, người sáng lập, đồng sáng tác, đồng giọng ca chính và tay guitar đệm của ban nhạc The Beatles. Ông cùng với Paul McCartney tạo nên bộ đôi viết nhạc vĩ đại nhất lịch sử.

TUẤN RÂU

28/7...


 mèo mướp..

TUẤN RÂU

Tối 26/7...


 chuột Hamster…

TUẤN RÂU

Trưa 26/7...

 


Vẽ thử trên đá…

TUẤN RÂU

Nhờ vậy...

 


Sáng nay đi tái khám, người bệnh đông như kiến, nhìn bảng hiệu số chờ để tới phiên mình vô khám, hơn 40 người, tốc độ khám khá chậm nên để tới lượt tui chắc phải 2 tiếng đồng hồ.

Tình cờ trong lúc ngồi chờ, có một bà thuộc loại nhiều chuyện, bả nhìn tui liền hỏi:

- Anh bị sao vậy, nhìn tướng coi ngon lành.

- Nhức vai và tê mấy ngón tay.

- Ối, anh phải mát-xa bàn tay, làm như tui vậy nè, bóp bóp nắn nắn mấy ngón tay….

Trong lúc bả vẫn đang thao thao bất tuyệt, tui tranh thủ đo huyết áp thì bất ngờ chỉ số huyết áp quá cao 175. (đúng là ỷ y, vì nào giờ huyết áp vẫn ổn định, cũng lạ là chỉ số cao như vậy người phải thấy khó chịu, nhưng tui vẫn thấy bình thường).

Đo xong tui lại chỗ ngồi, thế là bả kể tá lả âm binh, hết chuyện nọ xọ tới chuyện kia. Bả kể bả có võ, quen nhiều công an, đứa nào cũng nễ và sợ mấy thế đòn võ của bả. Chơi với công an nên biết được đám đệ tử của Năm Cam…. Bả còn khoe bà quen điệp viên Phạm Xuân Ẩn…

Khi thấy huyết áp tui cao, bả bắt qua chuyện mấy phi công, đứa nào cũng huyết áp tốt lắm, biết sao vậy hông? Vì tụi nó có 2 hòn dái bằng nhau… Bả nói sang sảng nên người ngồi gần ai nghe cũng cười, có mấy bà mắc cỡ cười bụm miệng… Thiệt tình, chịu hổng nỗi cái miệng của bà này…

Sắp đến lượt khám, tui tranh thủ đo huyết áp lần nữa, kết quả lần này giảm xuống còn 154 thôi.

Dẫu sao cũng cám ơn cái bà nhiều chuyện, nhờ bả mà chở hơn 2 tiếng đồng hồ vẫn không buồn tẻ và cái hay là có khi nhờ vậy mà huyết áp tuột xuống… heeee

TUẤN RÂU