Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Nhớ Sốc Trăng quê nhà...

 


Tôi viết Sốc-Trăng, chữ gốc có dấu mũ, ắt có người cười tôi không theo kịp Đời Mới nay viết không dấu mũ nữa, nhưng ai cười ai nhạo mặc kệ, tôi vẫn y lối viết của anh bạn quá cố Lê-Ngọc-Trụ ghi lại trong bộ Việt-ngữ chánh-tả tự- vị, mà chính anh Trụ viết làm vậy chẳng qua là nghe theo lời của tôi định ninh, cắt nghĩa Sốc (có dấu mũ) ấy là làng Cao-Miên (Khmer), tức làng cổ thời gốc Miên, đi đổi sốc là đi buôn bán thập-vật trong sốc Thổ, cũng như trên miền-trên, đi buôn là đi đổi chác vật thực hàng hoá với đồng bào Thượng miệt trên Biên- Hoà trở lên đất Trung-Việt (Buôn- Mê-Thuộc). Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh: Sốc-Trăng là Srock-khléang, Srock là sốc, khléang biến ra tréang, trăng, đời Mình-Mạng biến ra Hán-Việt, trăng biến ra Nguyệt; sốc biến ra sông, nguyệt, khiến nên viết Nôm thì: tỉnh Sốc-Trăng, viết chữ Hán thì Nguyệt-giang tỉnh, vân vân…

Trên đây dài dòng là tôi nói đủ cho tôi nghe, chứ nay Sốc- Trăng của tôi, họ viết Sóc-Trăng, mặc dầu theo tôi, sốc là làng Miên, còn sóc là ngày mồng một, đầu tháng, trăng đâu mà gọi. Trên nầy và ngày nay, làng Đất-Hộ, tức Hộ của đạo Công-giáo, nhưng Đất-Hộ đá biến thánh Dakao, Tây rặt, nói Dakao thì thảy thảy đều biết, bằng như nói đi Đất-Hộ thì không còn hoặc ít ai biết lắm.

Tôi sa đà, nhưng không “cãi giống” đâu vì nay tôi đã tránh nói tục rồi, và trở lại bài viết nầy tôi viết là để nhớ quê-hương nhau rún của tôi.

Phàm làm người thì phải có quê-hương, nơi mình sanh ra, dù chỗ ấy xa xôi, kẹt hóc nhưng mình vẫn mến yêu, - con chim con chồn già đều nhớ rừng. Và câu cũ để lại: “trở đầu về núi”, “vật qui cố thổ”.

Hóc-bà-Tó, Hóc Môn, Đồng Xoài, Đồng lão Ngộ, Đồng ông Cộ, vân vân, các bạn trẻ ngày nay ít quan tâm đến, nhưng với riêng tôi, làng Xại-Nả, Xoài-Cả-Nả, Xài-Chum, Swoai Chrome, nay là làng Đại-Tâm, những địa danh cũ kỹ lỗi thời ấy, đối với tôi, tôi làm sao quên được và ngày mai nầy nếu phải nằm xuống có lẽ tôi phải về nằm nơi đất ấy mới yên tâm, vì đó là nhau rún của tôi vậy.

***

Ngày nay thành phố Sóc-Trăng (chính tả theo nay) đã phồn thịnh nhiều, tôi về thăm hai lần (năm 1989 và năm 1995), phong cảnh đã khác xưa rất nhiều, phố xá khang trang, nhà lầu cao ba tầng cũng có, chỉ trách đường xá không được khô sạch, và bận tôi về dự đám cưới một đứa cháu gái, tôi muốn đến viếng ngôi nhà của một người tôi mang ơn nhiều, tuy nay liên hệ với tôi không còn, bà Phủ hàm, mỹ danh bà Nguyễn-thị-Lâu, một nhà kiên cố địch thể với dinh Chủ-tỉnh đời Tây thuộc, có hàng ráo song sắt xung quanh, nhưng than ôi, nay đã biến thiên, bà nầy đã khuất từ năm 1931, con và cháu nay cũng hoặc đã khuất hoặc đã bất tài, biết hưởng của phụ ấm mà không biết giữ gìn, nay kẻ buôn người bán, muốn có địa thế làm ăn, đã lấn chiếm và xâm nhập luôn vào trong hoa-viên, nhổ hoặc che lấp mất những cây song sắt chung quanh hàng rào và xây dựng quán bán buôn, lều chứa đựng hàng bổi, vân vân, năm 1995, cách nay mấy tháng, tôi đi xe lôi muốn vào đốt một cây nhang hoài niệm người ân nhân và thân tộc cũ, nhưng không phương bước vào nhà được, trong nhà thì người lạ mặt có thân thế đã xây vách chen nhau cùng ở và hoa-viên đã là của người mới, có tiền của, có cậy hơi, đã bành trướng tự biết cho mình, mà chẳng lòng nào nhớ mảnh vườn và ngôi lầu đồ độ bà Phủ Lê-văn-An nầy nay đâu còn được như xưa, thậm chí một bồn chứa nước mưa (Pháp gọi là citerne), bà ra công của cho nhà làng sở tại Khánh-Hưng làm nơi chứa nước ngọt cho dân chúng có mà dùng trong những tháng hạn thiếu nước ăn nước uống, thế mà nay mất dạng, và đã thay thế bằng nhà cửa ấm cúng của nhân vật mới.

Tôi vì tiếc cảnh xưa nên viết vội có lẽ đụng chạm và tôi xin lỗi, và thầm tiếc cho bà nội người vợ quá cố của tôi, nếu hồn bà có kinh, xin chứng giám lòng thành của đứa cháu rể nầy, vô khả nại hà, chỉ còn lấy nước mắt đứa bất tài khóc người hải tâm mà danh tiếng đã bị chôn vùi với cục-thế.

Trích “Tạp bút năm Ất Hợi 1995” của bác VƯƠNG HỒNG SỂN

V.Q.T

*** Bác tiếc cảnh xưa của người, còn ngôi nhà cổ Vân Đường phủ của bác, kẻ ở đã xây cất băm nát ngôi nhà và đang điêu tàn theo năm tháng mà đau đớn lòng….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét