Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Tui mê gà...

 


Hồi nhỏ ở Sốc Trăng vào thập niên 60, tui còn nhớ lúc đó học lớp Nhất (bây giờ lớp 5) tui có nuôi con gà tre, lông cổ màu xám, cánh màu xanh sậm, đuôi dài cong vút màu xanh đen óng ánh xa cừ... cưng nó thiệt là cưng, hễ rảnh là ôm nó, vuốt ve nó, ngồi ngắm nó cả tiếng đồng hồ không biết chán là gì, thích nhất là khi nó ưởn cổ gáy ò ó o, gáy xong, vỗ cánh bành bạch trông thiệt “oai phong lẫm liệt” làm sao? Ôi, cưng lắm là cưng nó luôn!

Mỗi lần khi cáp độ với đứa khác, cho hai con gà đá với nhau, gà đứa nào thua bỏ chạy, đứa đó coi như bị cả đám xúm nhau chọc quê, mặt mày tiu nghỉu, yếu xiều trông thật thảm thương, còn đứa thắng thì thôi khỏi nói, nó vươn vươn tự đắc, kênh kiệu ra mặt thấy phát ghét luôn! Đúng là con nít thật!

Nhà phố ở đường Hai Bà Trưng, Sốc Trăng, nuôi gà chỉ nhốt trong bội tre, mỗi ngày phải mang gà ra ngoài kiếm chỗ đất trống, có cỏ thả gà cho nó tự đào bới đất ăn trùng, ăn cỏ cho có chất để gà khoẻ mạnh... coi bộ cũng kỳ công lắm chứ?

Tui mê và tập tành biết chút đỉnh về nuôi gà để đá như biết chuốt cựa, cắt mồng, cắt tích, vô nghệ, vỗ hen, biết coi vẩy chân gà, coi lông, coi mã... nói chung là học lóm mấy ông thầy gà ở trường gà ông Ba Khâm, hồi đó con nít như tui chỉ lẻn vô đây coi cọp đá gà nòi và nhìn trộm người ta thao tác săn sóc gà... và mới hiểu được vì sao người ta mê đá gà?

Nhân đây, tui xin chép một đoạn trong cuốn “Phong lưu cũ mới” của ông Vương Hồng Sển về trận đá gà có một không hai giữa chủ gà tên Xừ và chủ gà tên Ba Khâm ở Sốc Trăng:

***

Trong Nam, ở đâu tôi không rành, chứ ở miệt Sốc Trăng yêu quý của tôi, lối hai mươi ngoài năm trước, có ông Năm, không biết tên họ thiệt, nơi trại gà ông chủ On, là nghề riêng ăn đứt, đến đỗi người đồng thời tặng ông chơi là “Biển Thước tái sanh” trong món sửa gà, từ chết tại trường bắt ra cho nước trở vô gượng lại, trả thù chém chết gà kia rồi mới chết theo!

Thử nhắc lại một cuộc cho nước gà đặc biệt. Dân “Xoài cả nả” [ là tên xưa của làng Đại Tâm, tỉnh Ba Xuyên, khi trước rất được trọng dụng, ngày nay ít dùng và ít ai biết. Nguyên gốc mượn trong tiếng Miên “Xoai Chrum” ta Việt hóa trở nên “Tài Sum”, người Tàu lai Việt lại dịch nên “Xoài cả nả” lấy ý rằng buổi xưa là một rừng xoài, người nào đến đó, khi trở về nhà đều mang về môt giỏ xách (nả) xoài cho con cháu thưởng thức. Phong tục cổ thời, người đi đường đều mang theo cái nả đương bằng tre, để đựng thập vật, từ áo quần, trầu thuốc, đến thức ăn... Từ danh từ “Xoai Chrum” sau dịch thành “Tài Sum”. Gần đây, làng “Tài Sum” sáp nhập với làng “ Trà Tâm” kế cận, biến nên làng “Đại Tâm”, vì chữ “Tài” sau đổi thành chữ “Đại” và “Trà Tâm” sót lại chữ “Tâm”. Ngày nay trong làng còn nhiều con cháu người Minh Hương, cha Tàu mẹ Miên (tiếng lóng chê và khinh rẻ, gọi là “Đầu gà đít vịt” nhưng tiếng thông thường gọi là “con cháu khách” và nhờ vậy, và còn người hiểu gốc tích hai chữ “Đại Tâm”] có tiếng là cho nước gà thiện nghệ (họ nuôi rẻ rề là “làm nước giỏi”).

Có một độ gà năm trước, nay còn được nhắc nhở: Hai chủ gà, một người tên Xừ, một người tên Ba Khâm.

Nửa độ, gà Xừ đâm gà Ba Khâm đui mắt cả hai con. Nhưng gà Ba Khâm vẫn còn sức và đâm lại gà Xừ rớt mỏ và lủng lườn rất nặng. Lấy theo con mắt nhà nghề mà xét đoán thì hai con gà đều bị thương rất nặng:

1). Gà Ba Khâm không còn thấy đường, nhưng sức mạnh có dư; nhưng không thấy đường rồi biết làm sao đá độ?

2). Gà Xừ bị đâm toét hàm hạ, mỏ rơi lòng thòng, dáng bộ đau đớn lắm nhưng vì can đảm nên gà như không đau, duy vì mũi cựa đâm nơi lườn diều nước chảy ướt lông, rơi có giọt, hai vết thương đều nguy hiểm và trăm người như một đều chấm gà Ba Khâm sẽ thắng và lo sợ giùm cho gà Xừ. Nhưng theo phép đá thuở nay, hễ “sa lông hở mỏ” thì có lời giao khi bắt ra cho nước rồi đem trở vô cho đá lại, thì được phép “ráp hai gà, ngực kề ngực, đầu kê đầu” cho nó biết mà tái chiến. Nhược bằng có con nào không đá nữa thì cũng cứ để vậy chờ gà kia dứt độ được thì đằng này chịu thua. Kể ra lời giao ước đều có lợi cho đôi bên, vì gà Ba Khâm đui mắt, cần đụng gà địch mới biết mổ cắn được và đá được... Ngoài giới hàng xáo, bọn theo Xừ, kể chắc thua trong tay... bọn đá theo gà Ba Khâm, hy vọng còn nhiều, vì còn sức... May cho gà Xừ là lon nước đá độ vừa hết, đồng xu nhang rớt xuống chậu, hai đằng được phép bắt gà ra o bế lại:

- Gà Ba Khâm, sửa rồi, cũng như chưa sửa, vì hai mắt lủng tròng, tài nào thay tròng khác được? Mạnh trong lông, trong cánh, trong đùi, trong cựa, trong lúc này trở nên vô dụng.

- Trong lúc ấy, nhờ khéo tay cho nước, biết may vá “tài tình” nên diều thôi chảy nước, gà khỏe nhiều và nhờ chằm khíu phải cách nên mỏ dính lại, gà Xừ tỉnh lại coi như hơn khi sửa. Lúc thả quần, gà Xừ biết kêu con “Túc! Túc!”, mọi người đều rộ lên phóng bắt, trường gà náo nhiệt bội phần.

Độ gà tiếp tục: hai con vừa kề sát nhau, gà Xừ thân biết mỏ đau không dùng được, nên trổ miếng tài, nhảy đá chỉ một đồn xạ, hai cựa đâm lút cần cổ con gà không thấy đường của Ba Khâm, khiến gà đui nằm cho một đống. Gà Xừ cứu chủ: độ này Xừ ăn đứt hai ngàn đồng bạc (2.000$) là Bà Cậu độ mạng, ăn may vậy!!

Chung tiền rồi, quét dọn trường bày độ khác.

Về nhà không ngớt bàn tán. Các sư kê xúm nhau nghị luận không thôi: rõ ràng gà Ba Khâm “chưn xanh, mắt ếch” nên đá chết không chạy... và gà Xừ thì có vảy may ủng hộ, nên bất ngờ tự giải nguy lúc giờ chót! Độ gà này làm cho người dị đoan càng dị đoan thêm và không ai nhắc thử tài cho nước của em tôi là Trầm Tư (gọi là Xừ) đã cho tôi tài liệu cũ kỹ này. (hết trích)

Trích “Phong lưu cũ mới” của Vương Hồng Sển 1961

****

Không thú chơi nào sung sướng và “thể thao” bằng tự mình săn sóc con gà nòi: ôm nó trum trủm vào lòng, khi cho ăn, khi cho tắm, khi làm cựa, khi bồng nước...

- Người trong cuộc gọi “đó là thú phong lưu”

- Khách ngoài vòng sẽ cười: “Nhà ngươi bị con gà hành tội”.

Rất may mắn, tui cảm nhận được cái thú phong lưu đó, chỉ khác chút xíu là bác tui nói con gà nòi dòng võ sĩ, còn tui chỉ là gà tre dòng gà rừng nhỏ con, khi gọi là “gà ri”, “gà che” lâu ngày biến thành “gà tre” tưởng nó ở bụi tre, kỳ thật là “gà che” do chữ Miên “Monn che” (gà rừng xứ Thổ).

Ngày nay, đá gà bị cấm nhưng thuật lại chuyện cũ, thói cũ để đánh dấu một thời xưa, tưởng cũng nên.

Cấm đá gà chớ đâu có cấm nói và nhắc chuyện đá gà!

V.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét