Thứ Ba, 13 tháng 2, 2024

THÚ CHƠI SÁCH

 


Sáng nay tui được chị Việt Hoa tặng cuốn “Thú chơi sách” của bác hai Vương Hồng Sển viết hồi năm 1961, nay nhà xuất bản Trẻ tái bản.

Tui mới đọc lần đầu tiên và là cuốn sách tui thích nhất trong những bộ sách của bác hai vì nó gợi tui một kỷ niệm không bao giờ quên, đó là:

Năm 1974, tui học nội trú trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định, mỗi tuần chủ nhật tui về nhà bác hai ở Nguyễn Thiện Thuật, Gia Định. Buổi trưa ở nhà bác hai, tui mượn bác cuốn truyện “Lục mạch thần kiếm” của Kim Dung, iđang nẳm tòn ten trên võng say sưa đọc, bác tui đi ngang nhìn thấy tui đang cầm cuốn truyện một tay và sách gập lại một bên, bán liền kí đầu tui và nói: “Đọc sách phải cầm hai tay và không được gập lại như thế!”

Kể ra để mọi người thấy bác hai là người mê và quí sách đến cỡ nào? Tui xin trích một đoạn trong cuốn Thú chơi sách: “Thú chơi sách là một thú nhàn; đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy cũng còn chưa đủ: nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm- ái vuốt ve trang giấy mịn màng, gởi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử thời xưa tiếp kiến nhân-tình bằng xương bằng thịt”. (trích)

Chơi sách cỡ như thế nhưng bác hai vẫn cho rằng mình chưa bằng một số người quen của bác.

Tui xin được trích tiếp trong sách:

“Trong giới người Việt biết yêu sách, tôi có quen một ông, tánh tình hiền lành nhưng rất khó đối với sách: quyển nào anh em mượn, trả về có chút hư hao, ông không nói gì, sai đem bán lấy tiền đắp thêm mua cuốn mới.

Một ông cưng sách như trứng mỏng, cắp-nắp ôm-đồm từ những quyển học trường lớn bên Pháp đến những tập hai ba xu Việt văn. Việt Minh bùng dậy, phá làng đốt sách. Tủ sách ông ra tro. Từ ấy, tóc ông càng bạc thêm, ông chuyên về tu hành, nghiên cứu Phật- giáo, những ai dỡ chuyện sách ra nói, mí mắt ông ướt hồi nào không hay.

Một ông nữa cắp-ca cắp-củm, sưu tập nhiều bộ nếu nay còn, là một kho tàng quí giá vô cùng, vì ông là nhà khảo cứu chuyên về sừ học Việt Nam, không một bộ sách nào ông không có, nào Khâm-định, nào Thật-lục, đủ cả, luôn những bộ- môn sách Pháp như bộ Đô-thành hiếu cổ, bộ Viễn-Đông Bác-cổ, kịp năm loạn lạc, lớp bị đốt, lớp Tây lấy, lớp người ta dọn, ông chỉ còn cái cười hồn nhiên của nhà học giả chơn chính, không buồn sắm nữa, cũng không hít hà!…

Thừ hỏi chừng nào xã hội chúng ta mới có hạng người biết thương sách, mê sách, biết chơi sách và trân trọng xem cuốn sách như những bạn tốt, đáng được gìn giữ lâu dài, và muốn được như thế, cần phải biết dày công săn-sóc, nhất là phải biết nương tay. Cuốn sách phải được cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa. Lật mạnh tay, lật bằng móng tay, lật bằng tay thấm nước miếng, gạch làm dấu trong sách bằng móng tay ghì mạnh, bẻ gãy trang sách để nhớ chỗ, mặc dầu đi Tây về, mặc dầu có bằng chuyên môn quản-thủ thư-viện, có những cử-chỉ trên kia, chưa xứng mặt là nhà chơi sách”…

Gương mấy nhà chơi sách đạo mạo, mân-mê rờ-rẵm quyển sách như tinh thần, trân-trọng quyển sách như bảo-ngọc, không bao giờ biết nặng tay hay hờ-hẵng, các gương ấy quả có thật như lời. Các bạn chớ vội cười những người ấy cớ sao quá kính nể vật vô tri: tập giấy có bút tích của một tiền-nhân hoặc tờ hoa-tiên có ấn-triện của một đế-vương cựu thời.” (trích)

Để bớt dài dòng, tui xin kết thúc ở đây cũng trích từ Thú chơi sách:

“Viết đến đây tôi bùi ngùi nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi mất năm 1913, lúc tôi vừa được mười một tuổi, ngây thơ nào biết gì. Mẹ tôi sắm nhiều bộ truyện Tàu, Tam-Quốc, Nhạc-Phi, Phấn-trang-lầu dành dụm từ cắc từ xu, đếm đủ bốn cắc bạc mới mua được một cuốn truyện mỏng-dính “xem một chút một lát là hết” (lời mẹ tôi nói). Thế mà mẹ con đêm nào như đêm nấy, thức chong đèn dầu lén đọc đi đọc lại mãi cũng bao nhiêu cuốn ấy: mẹ tôi nhờ nó mà biết chữ quốc ngữ, tôi cũng nhờ nó mà hiểu qua các điển-tích Tàu và “hiếu trung” hai chữ. Nay mẹ tôi còn ở chốn âm-cảnh lạnh-lẽo tối-tăm hay đã đi đầu thai lớp khác? Con đây, mỗi khi lấy truyện cũ ra xem lại, lật đến những trang vấy dầu lem-luốc không quên những đêm mẹ con đọc truyện dưới ánh đèn toạ-đăng. Truyện còn đây, đèn vẫn còn đây, con cũng còn đây. Duy mẹ đã không còn và chừng nào mới đến phiên con về chốn ấy để mộ con gần với mả mẹ?” (trích)

***

Bây giờ tui đang nâng niu cầm bằng hai tay để đọc cuốn “Thú chơi sách” và có lẽ tui sẽ không bị bác kí đầu nữa!…

#tuanrau

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét