Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Thất học…


Câu chuyện cà phê sáng của nhóm thông tấn vỉa hè được bắt đầu bằng một chuyện hài của một bạn già trong nhóm:

“Hôm nọ, một đoàn cán bộ giáo dục đi kiểm tra thực tế ở một xã vùng sâu của một địa phương. Trên đường về xã, gặp một đứa bé trạc khoảng 12- 13 tuổi, cán bộ hỏi em học lớp mấy, cậu bé trả lời cộc lốc: lớp 7. Mọi người thầm nghĩ: trình độ học vấn phổ cập ở xã này coi bộ tốt nghen!

Đi một đoạn, gặp một thanh niên khoảng 18 tuổi, cán bộ hỏi, cậu học lớp mấy? Cậu thanh niên cũng trả lời gọn lỏn: lớp 7. Đi một đoạn nữa, gặp một cụ già, cán bộ hỏi cụ học đã lớp mấy rồi, cụ ông nhìn cán bộ nhe răng cười nói: lớp 7 chứ lớp mấy? Tới lúc này mọi người mới thắc mắc, tại sao ai cũng học lớp 7 hết vậy? Cán bộ bèn thú thiệt hỏi cụ già: Sao đoàn tụi tui gặp ai hỏi cũng trả lời đã học lớp 7 hết vậy cụ? Cụ trả lời: bộ mấy ông chẳng biết 7 là thất, lớp 7 tức là thất học, vậy mà cũng hỏi!”

Câu chuyện hài kể trên nhằm nói ngành giáo dục luôn chạy theo thành tích ảo, thực chất đã đang xuống cấp, bởi thực trạng nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”, học lớp 6 mà không biết đọc, biết viết? Thực tế cho thấy có nhiều phụ huynh đã đến trường xin cho con được… lưu ban, để học lại nhưng nhà trường vì chạy theo thành tích, sợ mất “trường chuẩn quốc gia” nên vẫn bắt học sinh yếu lên lớp ào ào.

Phải chăng, không tích cực, không dành nhiều thời gian để dạy cho đàng hoàng ở lớp, nhưng cuối năm vì thành tích lại nhắm mắt cho lên lớp, rõ ràng trước hết phải nói trách nhiệm này thuộc về giáo viên sau đó là nhà trường, chỉ chăm chăm lo việc dạy thêm ở nhà thì đầu óc đâu mà nghỉ đến việc lo lắng cho học sinh ở lớp, những cháu này chỉ vì không có điều kiện theo học thêm ở nhà giáo viên nên mới lâm vào tình trạng này đấy.

Cũng nên đề nghị ngành giáo dục xem xét lại quy trình đào tạo học sinh, sinh viên, bỏ dạng trường đạt chuẩn quốc gia gì đó đi, hãy dạy và học cho đúng chuẩn đạo đức của một con người đi, đừng vì một ảo vọng nào hết.

8 SÀI GÒN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét