Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Lẽ ra...

 


Khu vực nhà tui bị phong toả, nhưng cũng không lo lắm vì được phát phiếu đi chợ 1 tuần 2 ngày, cũng đủ để bà xã mua dự trữ và nấu bữa cơm cho 2 người ăn được cả tuần, vậy là an tâm ở nhà phòng thủ trong thời gian bị phong toả.

Chỉ nghĩ tội và lo cho mấy người ở thuê, những người lao động kiếm ăn từng bữa, dẫu có được phiếu đi chợ thì họ sẽ xoay sở bằng cách nào? Tiền đâu nhiều mà mua dự trữ, có mua về dự trữ ở đâu vì tủ lạnh chưa chắc có?...

Lẽ ra khi có dịch bịnh như thế này, họ sẽ được nhà nước ưu tiên hỗ trợ từ nguồn quỹ thiên tai địch hoạ chứ, vì họ là công đân đã có nghĩa vụ đóng thuế, giờ bị dịch bịnh gây khó khăn thì họ được quyền hưởng phúc lợi từ quỹ thiên tai dịch bịnh chứ? Tiền thuế dân đóng để đâu?

Lẽ ra trong thời gian này, nhà nước giảm tiền điện, nước cho dân và người nghèo nhận được sự hỗ trợ thì dù có phong toả 2, 3, 4 tháng đi nữa cũng đỡ lo, đàng này chỉ toàn là nghe thấy thông tin trên báo chí, trên truyền hình số tiền đã hỗ trợ tỷ này đến tỷ nọ, nhưng thực tế thì dân kêu, dân than rất nhiều trước tình hình đói khổ do dịch bịnh hoành hành và cho đến giờ có được bao nhiêu người nghèo khó đã nhận được sự hỗ trợ của nhà nước? Còn lại chỉ thấy hầu hết dân với dân giúp nhau...



Tình cờ đọc trên fecebook bạn Thái Hạo đã phân tích câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Phải quyết tâm không để người dân kêu đói mùa dịch”. Bạn ấy phân tích như sau:

“Vì cú pháp quy định nghĩa của câu nên "không để người dân KÊU đói" (1) sẽ khác hẳn "không để người dân ĐÓI"(2). Để thực hiện được cái "quyết tâm" ở câu 1 thì phương pháp, cách thức cũng sẽ khác ở câu 2. Để người dân KHÔNG KÊU thì có thể "cấm kêu" chẳng hạn, còn để người dân KHÔNG ĐÓI thì chỉ có một cách duy nhất là làm sao cho họ được ăn no (như lưu thông hàng hóa, hỗ trợ, cứu trợ). Ngay từ đầu, phát ngôn đã rõ ràng thế, "nói đi đôi với làm" đó, sao thấy nhiều người cứ lèm bèm chuyện thiếu, chuyện đói, chuyện khổ thế nhỉ? Ptt đâu có nói sai.” (hết trích)

Ngẫm nghĩ bạn ấy phân tích hay thật!

Thôi! Sài Gòn mùa giãn cách, phong toả, giới nghiêm... coi như số phận an bài, chấp nhận sống chung với dịch bịnh, không kêu ca nữa, mọi người hãy cùng chung sức cố gắng sẻ chia giúp đỡ nhau chống chọi để vượt qua cơn đại dịch này...

V.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét