Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Nửa đêm thức giấc...

 


Tui có tật khó ngủ lâu niên, hồi hôm này đang thiu thiu chợp mắt bỗng trời mưa to, sét đánh ầm ầm chợt tỉnh ngủ... Thường dỗ giấc ngủ bằng cách mở tivi xem hoặc mở nhạc, nhưng lần này sao bỗng dưng nhớ chuyện hồi xưa về bác hai Sển, lật đật ghi lại ra đây...

Bác hai tui là nhà văn hoá, học giả, nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng... nhiều người mến mộ. Tui nói thêm nữa bằng thừa, mà chỉ mạo muội kể ra đây về cái tính của bác hai để mọi người hiểu ông là người như thế nào?

... Nhớ mang máng năm 1973, lúc đó tui học ở nội trú trường Huỳnh Thị Ngà - Tân Định, mỗi tuần chủ nhật về nhà bác tui ở Nguyễn Thiện Thuật - Gia Định chơi hết ngày. Tui mê truyện kiếm hiệp của Kim Dung, mượn được cuốn “Lục mạch thần kiếm” của bác tui, nằm võng mê say đọc, thấy tui đang đọc mà trên tay quyển truyện bị gập đôi, bác tui chỉnh ngay: “Con phải cầm hai tay và không được gập đôi sách như thế!”. (truyện thôi mà bác tui kỷ như vậy, sách quý chắc là cỡ tui không được sờ tới).

Vì bản tánh như thế, nên lúc rảnh ông ra Sài Gòn bằng xe buýt, chủ yếu là ghé chợ sách cũ, hễ thấy sách của ông xuất bản nằm ở đây, có bao nhiêu cuốn ông đều mua lại hết.

Còn ở nhà, tới giờ cơm bà Năm Sa Đéc (bác hai gái) dọn riêng cho ông một mâm để trên bộ trường kỷ ở đó, đợi ông ăn, mọi người trong nhà mới được ăn, còn như ông chưa ăn thì phải chờ...

Cũng như mỗi lần bước lên nhà trên (nhà trên chia 3 gian, chính giữa là bàn thờ, 2 gian còn lại một của bác trai, một của bác gái), bà Năm phải lớn tiếng nói: “tui lên nhà trên nghe ông”, bác tui ừ, mới dám lên. Còn chưa nghe ừ, đố dám?

Chuyện tui nghe kể lại, ông Sơn Nam hay tới chơi, nhưng có lần giữa bác tui và ông Sơn Nam xích mích vụ gì mà bác tui lớn giọng, quát ông Sơn Nam xối xả... kể từ hôm đó không thấy ông Sơn Nam ghé nhà nữa!

Tui cũng nghe có mấy ông khách Tây đến thăm, thường thì bác tui tiếp đón niềm nở... nhưng cũng không ít lần khách Tây tới bị từ chối không tiếp...

Một lần dịp may hiếm có (khoảng 1984) vào buổi sáng nọ, có lẽ đang vui, bác tui ổng nổi hứng đem khoe chiếc chén ngọc với con cháu trong nhà, trong đó có tui, ổng nói rằng cái chén ngọc này hay lắm, chỉ đổ nước đến mực cho phép thôi, nếu cố gắng đổ thêm một giọt nước vào là tự động nước sẽ chảy hết ra ngoài. Bác tui giải thích vì trong chén có "van" rất hay, chỉ cần hơn một giọt nước nó sẽ tự động bật "van" này và nước sẽ chảy hết ra ngoài. Theo triết lý của của bác tui, rượu dẫu ngon đến mấy cũng phải biết dừng lại đúng lúc, nếu tham quá thì sẽ có lúc mất hết không còn một giọt? Bởi vậy, bác tui đặt cho chén ngọc cái tên: "Tham thì thâm" để mang tính khuyên răn. Nghe giọng điệu hóm hỉnh, đầy duyên dáng và uyên bác của bác tui giải thích về nét độc đáo của chén ngọc cổ báu vật mà ông đã sưu tập, ai nấy cũng đều trầm trồ, ngạc nhiên: độc đáo, hay thiệt! Lúc sinh thời, bảo vật này được bác tui liệt kê vào món đồ cực quý, cực độc và cực lạ, có thể xem là chỉ có một không hai tại Việt Nam, nó có niên đại từ thế kỷ 19.

Hồi nhỏ, lúc học trung học ở trường dòng La San - Sóc Trăng, tui vẫn còn nhớ rõ qua lời kể của ba tôi, cánh cổng cửa chính nhà bác 2 tui trên Sài Gòn chỉ mở cửa đúng 3 ngày Tết, những ngày còn lại đóng cửa suốt. Có lần, ông Trần Văn Hương, đương chức Phó Tổng Thống - Việt Nam Cộng Hòa đến nhà bác tui chơi, nhưng ông Hương vẫn phải vào cửa sau, chứ không đi vào cổng chính ở trước nhà.

Tiếc thay, bây giờ mấy ai có bản tánh kỳ cục như vậy mà được nhiều người mến mộ!?...

Gõ mấy dòng đến đây, mắt cay cay rồi...

V.Q.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét