Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Rủi - may - họa?



Lâu lắm rồi, Tám Sài Gòn tui mới có dịp được nghe chính những người nông dân kể những chuyện vui về mình! Tám tui xin tường thuật để mọi người cùng nghe ngẫm.

Mọi người cũng biết, có dạo giá dừa trong nước rớt giá một cách thiệt thảm hại, chưa tới 1.000 đồng/trái dừa, khiến cho nông dân miền tây hè nhau chặt hạ dừa để trồng các loại cây ăn trái khác. 

Bởi vậy, có người liên tưởng rằng nếu không có chính sách hữu hiệu để cứu cây dừa thì không những không còn kẹo dừa nổi tiếng của Bến Tre để các cháu nhỏ ăn, mà khi nghe bài hát “Dáng đứng Bến Tre” rất là nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mọi người chỉ còn tưởng nhớ trong tiềm thức vì còn đâu nữa bóng dừa nữa để người con gái Bến Tre đứng. Mà chưa hết, đâu, khi đó, Bình Định nghiễm nhiên soán ngôi Bến Tre để trở thành tỉnh có lượng dừa nhiều nhất Việt Nam.

Cũng như trong thời gian qua, mặc dù đến kỳ thu hoạch cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chẳng có ai thu hoạch cả. Vì sao vậy? Đơn giản là vì doanh nghiệp thì đang lận đận trong kinh doanh, không có tiền mua, còn nông dân thì không chịu bán lỗ. Mặc dù biết rằng để chậm một ngày thu hoạch sẽ phải mất thêm tiền. Cái vòng lẩn quẩn đó bắt đầu từ chính sách cho vay của ngân hàng. 

Ai cũng biết nuôi cá tốn nhiều tiền, thế nhưng ngân hàng cứ cho vay bổ đồng y như là trồng lúa, thành ra người nuôi cá phải vay thêm bên ngoài với lãi suất cao, cho nên đã làm đội giá thành sản phẩm. Giá cao quá thì doanh nghiệp không mua nổi. Thế là chết cả đám. Bởi vậy có nông dân đề xuất thôi bây giờ mình nuôi cá theo kiểu cũ, những ao nuôi cá mình dựng cầu tõm bên trên. 

Diệu kế này coi bộ nghe có lý vì sẽ khỏi lo tốn tiền nuôi cá nữa. Chuyện góp vốn thì khó, chứ còn như góp sức kiểu xã hội hóa cầu tõm thì mọi người vô tư, thoải mái hết mình, đúng không?

Câu chuyện cuối là ở khu vực miền Đông Nam bộ. Bà con nông dân ở đây có dạo xúm nhau trồng bắp cao sản do trung tâm chuyển giao công nghệ rành rành. Dù bà con trồng theo rất là bài bản, đúng y như hướng dẫn của trung tâm nhưng khi thu hoạch trái nào trái nấy vừa to bự tổ trảng và vừa dài trông thấy mà ham, nhưng mà khổ nỗi nó chỉ có lõi thôi, họa hoằn lắm mới thấy có vài hột vướn trên râu. 

Ây cha! Bị thiệt hại nặng nhưng nông dân vẫn ngậm đắng nuốt cay thôi vì biết có kiện cáo chắc là cũng thua thôi. Bởi vậy, có nông dân là nạn nhân chẳng những không buồn mà còn hí hửng nói: Ôi! có gì đâu mà lo, trong cái rủi sẽ có cái may. Nghe vậy, mọi người hỏi cái may đó là làm sao, nói nghe thử coi còn có vớt vát chút đỉnh gì không? Nông dân nọ tủm tỉm cười nói: Mình trồng bắp cao sản không có hột, có nghĩa đó thuộc là giống bắp đặc sản triệt sản, vậy là nhà người trồng sẽ có cả kho thuốc đấy! 

Bởi vì lấy bắp đó mà sắc uống sẽ triệt hẳn sinh sản, thậm chí vô sinh luôn, đấy có phải là phương thuốc kế hoạch hóa gia đình hiệu quả nhất sao? Mọi người nghe vậy cười, phụ họa thêm: Ừ hén! Đúng rồi, đó là phương thuốc triệt sản hữu hiệu, bởi người trồng bắp triệt sản chắc chắn sẽ vỡ nợ và treo mõm, sinh ra không có gì để mà ăn thì sinh ra làm chi nữa chứ!

Đúng là cười ra nước mắt thôi bà con ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét