Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Xuất khẩu cán bộ



Để buổi cà phê sáng được thư giãn và thú vị, một vị doanh nhân trong bàn đã xung phong kể chuyện về một mặt hàng xuất khẩu mới được coi là nguồn xuất khẩu đầy tiềm năng và triển vọng cho đất nước!? Nghe sao, Tám Sài Gòn tui xin kể y vậy để cùng sẻ chia với mọi người.

Câu chuyện như thế này! Thời buổi kinh tế hội nhập, món gì, thứ gì ai mà chẳng mong muốn nó trở thành hàng hóa để có thể xuất khẩu ra nước ngoài, hòng mang lại ngoại tệ thiệt nhiều để làm giàu cho đất nước. Nhìn đi nhìn lại, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của ta cũng khá là đa dạng và phong phú, thứ gì cũng có cả rồi… Nhưng có một thứ tương đối lạ đó là xuất khẩu con người! 

Nghe đến đây, mọi người nghĩ rằng có khác gì là xuất khẩu lao động mà lâu nay ta đã thực hiện và hiệu quả mang lại còn khá khiêm tốn, nhất là khi nơi xuất khẩu lao động gặp phải biến động chính trị, lao động của mình kéo về nước hàng loạt… lời đâu chưa thấy, coi như bao nhiêu thiệt hại, lỗ lã lao động gánh chịu hết…

Nhưng khi doanh nghiệp này kể tiếp mới biết đó là nguồn xuất khẩu “cán bộ”, một nguồn hàng “gộc” và không bao giờ cạn tha hồ mà xuất khẳm luôn! 

Bởi vì món cán bộ này ở Thanh Hóa rất nhiều, chỉ nội một xã nghèo Quảng Vinh, huyện Quảng Xương của tỉnh đã có tới 500 cán bộ, coi như bình quân bốn hộ dân nuôi một cán bộ. Cứ thế mà suy ra rồi nhân cho cả nước mới thấy nguồn cán bộ dồi dào, phải chẳng đây là nguồn xuất khẩu không bao giờ cạn!

Ôi! Quả là chuyện cười mếu, phải nói rằng: ít ở đâu trên thế giới, đầy tớ (cán bộ, quan chức) của nhân dân lại nhiều như ở ta. Chuyện ở Thanh Hóa đã phản ánh một thực tế không thể “thực” hơn được nữa. Vì cán bộ đông nên người dân ở đây sống rất cơ cực. Vậy, tại sao không sớm lên tiếng đòi sự cân bằng?

Dư luận cho rằng, lượng cán bộ như thế là quá đông. Với đội ngũ này, ngân sách không đủ trả lương nên người dân nghèo phải đóng góp nuôi cán bộ. Sự quá tải sức dân khi góp gạo nuôi công bộc chắc chắn không thể đổ lỗi cho một cái gì đó chung chung, kiểu như do cơ chế hay do lịch sử (!?). Bởi vì đội ngũ 500 người ấy, không phải hình thành trong ngày một ngày hai.

Rõ ràng lỗi trước hết vẫn thuộc về cả chính quyền địa phương lẫn những công dân của xã Quảng Vinh. Các công bộc của dân, do dân bầu ra, dân có quyền yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả. Phải vậy không thưa các bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét