Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Vẫn còn đó nỗi lo...



Lâu lắm rồi, Tám Sài Gòn tui mới có dịp về ăn cỗ tận trong miệt quê ở đồng bằng sông Cửu Long, hổng biết có phải vì quá lâu hay không, nên tư duy của Tám tui lạc hậu so với thực tế chăng? Bởi vì, trước đây khi đi ăn cỗ, mâm nào dù thức ăn không có gì cao lương mỹ vị cũng cứ đều hết sạch sành xanh, còn bây giờ, ăn xong, khách khứa đứng dậy, mâm nào cũng thừa mứa thức ăn. Ở nông thôn bây giờ, người ta tổ chức đám cưới, nhiều gia đình dùng bia chai chứ không dùng rượu đế nữa. 

Trong dịp này, hay tin một đứa cháu vừa mua về chiếc xe hơi, Tám tui bèn hỏi cháu mua xe hơi để làm gì? Nó trả lời gọn lỏn và đầy thoả mãn "Cháu mua để giải quyết khâu oai chứ chú! 

Thế đấy, người nông dân quê tôi bây giờ đời sống có vẻ khấm khá hơn xưa nhiều! Bây giờ họ làm nhà to, cao, cửa gỗ, cửa kính. Tường ốp, nền lát gạch tráng men, gắn quạt điện, đèn chùm không thua gì ở thành phố. Cái ăn cái mặc cũng khác xa, trước kia còn phải ăn độn, nay ăn cơm gạo trắng. 

Có nhà còn xay xát lúa cho bò ăn. Giờ đây rất ít thấy ai mặc áo vá. Quần áo thì đủ màu không khác dân phố thị. Mỗi gia đình nay đã có một xe máy, bên cạnh chiếc xe bò, thêm chiếc xe đạp mi-ni. 

Công việc đồng áng, thu hoạch mùa màng đỡ vất vả hơn bời không phải gồng gánh bằng sức người mà được thay thế bởi máy nông cơ.

Có thể nói đời sống vật chất là đã được ăn đủ no, mặc đẹp. Nhưng nói gì thì nói, cái lo nhất là, sức lao động đang bị già hóa, người trẻ đi làm ăn xa, ở nhà đa số là người cao tuổi, và cái nan giải nhất hiện nay là không ít nông dân mất đất. 

Ở một số vùng nông thôn ven đường lớn, hay ven đô thị, bị thu hồi đất rất nhiều để làm khu công nghiệp, cả khu vui chơi giải trí mà ta quen gọi là du lịch sinh thái. Một số người nông dân còn bán đất hương hỏa đi.

 Họ bán với giá rất rẻ. Anh phố thị nào cũng muốn có cái nhà nghỉ, hay trang trại ở quê, chỉ bỏ ra chừng non tỷ bạc là đã có một vùng mênh mông cả nghìn mét vuông đất quê. Người phố đổ về quê để được sống. Còn anh dân quê thì lại phải lao về thành phố để kiếm sống.

Đó là hình ảnh trái ngược hiện nay, bởi anh nhà quê thì ra phố, mang những luộm thuộm, nhơm nhếch của làng quê đi gọi là “khai hoá” thành phố. Còn anh thành phố thì lại mang xi - măng sắt thép về bê tông hóa làng quê. 

Cho nên, Tám tui có cảm giác nông thôn hiện nay phát triển rất lộn xộn mang tính tự phát. Cái giàu của nông dân là không thật mà rất là bấp bênh. Trước mắt, anh bán được ít đất, có thể mua được xe máy, thậm chí có người còn tậu được cả ô tô. Nhưng, ôtô xe máy để làm gì? Trong khi trong nhà rỗng tuếch và con cái không có tiền ăn học. Đấy là những  lạc quan bi kịch mà hậu quả thì rất khó lường. 

Tám tui cho rằng, nguy nan nhất ở nông thôn hiện nay là mất đất. Công nghiệp hoá thì rất tốt. Đó là chủ trương đúng nhưng chúng ta phải tính xem thế nào.Tại sao không lấy những vùng đồi, vùng đất cằn không phát triển được nông nghiệp để xây dựng Khu công nghiệp, mà cứ lấy khu “bờ xôi ruộng mật” của nông dân? 

Nghị quyết Trung ương 7 về tam nông đã có rồi, chúng ta không thể để tình trạng chia sẻ may rủi kiểu này kéo dài mãi được. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, chúng ta cần thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp bằng những chính sách nông thôn phù hợp hơn.
Tóm lại, Tám tui nhận thấy nông dân vẫn còn lo nhất là đầu vào, đầu ra cho sản xuất sao cho có lãi 30% như Chính phủ đề ra.

Muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực. Phải vậy không thưa các bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét